Người dân ở thị trấn Ít Ong, huyện lỵ của Mường La ai cũng râm ran câu chuyện nút ống cống, chặn dòng lần thứ nhất. Khi được hỏi, anh Lò Văn Ken, một người bán hàng ở thị trấn này hồ hởi: Mới ngày nào khởi công, nay đã nghe tới chuyện chuẩn bị cho tổ máy số một hoạt động, nhanh thật! Từ ngày có thuỷ điện thị trấn của chúng tôi vui hẳn lên, xe cộ suốt ngày tấp nập. Vào tới đập chính của thuỷ điện mới thấy không khí lao động khẩn trương nơi đây. Từng đoàn xe tải nối đuôi nhau chở vật liệu, thiết bị tới công trình. Băng chuyền bê tông dài và hiện đại bậc nhất châu Á đang chuyển những tấn bê tông tươi phun vào mặt đập. Con đập chính nối hai bờ sông đà, chặn dòng nước, dài khoảng 300m, cao 192m như một bức tường khổng lồ đã sừng sững mọc lên. Theo những kỹ sư thuỷ điện, con đập này được thi công theo phương pháp hiện đại. Trong lòng con đập đó được lắp đặt những thiết bị đo đếm rất tinh vi, sẵn sàng báo cho những người vận hành biết được những thông số kỹ thuật và có phương pháp xử lý nhanh chóng nếu chẳng may có sự cố gì. 6 ống xi-phông, mỗi cái có chu vi 16m, để dẫn nước vào 6 tua-bin cho 6 tổ máy cũng đã hoàn thành. Chúng ngoan ngoãn chui qua con đập chờ ngày xả nước vào các tua-bin để nhả ra dòng điện…
Anh Lò Anh Ngọc - Trưởng ban Dân vận huyện uỷ và anh Nguyễn Văn Kẻng - Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Mường La, những người đã chứng kiến từ lúc khởi công công trình cũng không giấu được niềm vui khi thấy hình hài của một công trình thuỷ điện lớn hiện ra trước mắt và hướng chúng tôi nhìn lên những ngọn đồi hai bên bờ sông, nơi có những bản tái định cư, nói: Tiến độ công trình được như ngày hôm nay thì công tác di dân tái định cư đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. Những người làm công tác mặt trận đã phải vận động, có khi phải cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm với bà con thì mới hoàn thành được việc tái định cư. Cả huyện Mường La đã hoàn thành việc di dân tái định cư.
Thị trấn Quỳnh Nhai đang xây dựng đàng hoàng hơn.
Một khu tái định cư ở bản Én, Quỳnh Nhai.
Để xây dựng Thủy điện Sơn La phải di dời hơn 20.000 hộ, trong đó: Sơn La 12.500 hộ; Điện Biên 4.436 hộ; Lai Châu 3.324 hộ. Các tỉnh đã triển khai lập 1.970 dự án thành phần theo quy hoạch chi tiết phục vụ việc di dân, trong đó xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu tại 81 khu, 272 điểm. |
Rời Mường La chúng tôi có mặt tại huyện Quỳnh Nhai - tâm điểm vùng ngập. Để xây dựng thuỷ điện, Sơn La có ba huyện là Thuận Châu, Mường La, Quỳnh Nhai nằm trong vùng ngập, với diện tích vùng ngập 16 nghìn héc-ta, phải di chuyển khoảng 12.500 hộ dân thuộc 17 xã, 145 bản. Huyện Quỳnh Nhai là huyện có lượng di dân lớn nhất của tỉnh Sơn La với 8.437 hộ dân, chiếm 2/3 số hộ toàn tỉnh nằm trong vùng ngập phải di chuyển. Sau 6 năm Quỳnh Nhai đã di chuyển xong 8.049 hộ. Hôm chúng tôi có mặt tại Quỳnh Nhai còn trên hơn 100 hộ chưa di chuyển.
Bà Nguyễn Thị Oanh - Phó bí thư Huyện ủy Quỳnh Nhai cho biết, để hoàn thành việc di dân trước ngày 15/4, huyện đã thành lập các tổ tuyên truyền, vận động và chỉ đạo di chuyển nước rút; huy động lực lượng thanh niên, bộ đội tham gia mở đường, san nền nhà, giúp dân vận chuyển đồ đạc tới nơi tái định cư. Bản Pom Sinh - một bản nằm sát bờ sông Đà, còn gần 50 hộ chưa di chuyển - bản có số hộ ở lại đông nhất, vì vậy huyện đã phân công Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Bảy trực tiếp chỉ đạo tổ công tác di dân ở điểm này, quyết tâm đảm bảo tiến độ công việc. Những cán bộ dự án ở Pom Sinh đã tổ chức thanh toán tiền đền bù cho bà con trong bản một cách khẩn trương. Ngay sau khi nhận tiền, một số hộ dân đã tháo dỡ nhà di chuyển đợt đầu. Chúng tôi thấy hàng đoàn thanh niên xung phong vào bản giúp bà con tháo dỡ di chuyển. Ở bản Xe, bản Én, bản Bung từng đoàn xe nối đuôi nhau hối hả di chuyển các hộ dân ra khỏi vùng ngập. Bản Chiềng Bằng nhiều hộ chờ xin “di vén” (di lên cao hơn nơi ở cũ một chút) trước sự vận động của các cấp Mặt trận thì nay đồng loạt tiến hành san ủi nền, tháo dỡ di chuyển nhà cửa ra khỏi vùng ngập. Cả một vùng rộng lớn hơn 10 nghìn héc-ta vùng ngập bám theo chiều dài con sông Đà chảy qua huyện Quỳnh Nhai đã cơ bản di chuyển xong dân ra khỏi vùng ngập, đảm bảo không còn hộ dân nào ở các vị trí dưới cốt 195 (cao độ 195m).
Thanh niên tình nguyện giúp dân chuyển nhà.
Cả Sơn La như đang hướng về Quỳnh Nhai để tổ chức di chuyển những hộ dân cuối cùng ra khỏi vùng ngập. Những chiến sĩ của binh đoàn Trường Sơn - đơn vị được giao thu dọn lòng hồ cũng đang tích cực dọn dẹp vật cản, vệ sinh lòng hồ. Tỉnh Sơn La đang phấn đấu giữ đúng cam kết với Chính phủ hoàn thành việc di chuyển dân ra khỏi vùng ngập trước ngày 15/4, để rồi báo cáo với Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước bàn giao vùng ngập, tiến hành đóng cống tích nước hồ thuỷ điện.
Có mặt tại đây những ngày này chúng tôi như hoà vào không khí lao động khẩn trương của các dân tộc và cùng hồi hộp chờ đón giờ phút lịch sử (1 - 10/5/2010) nút cống dẫn dòng đập thuỷ điện Sơn La, tích nước. Tích một lượng nước để rồi tổ máy số 1 của Thuỷ điện Sơn La phát ra dòng điện đầu tiên vào tháng 10/2012, chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội quả là một sự kiện có ý nghĩa lớn lao. Đóng góp vào sự kiện trọng đại này có sự nỗ lực của đảng bộ và nhân dân các dân tộc các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên.
Theo Báo Xây dựng điện tử