Cùng dự có các đồng chí: Hồ Ðức Việt, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư; Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng; Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an; Lê Văn Dũng, Bí thư T.Ư Ðảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; Uông Chu Lưu, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư, địa phương, các đồng chí lão thành cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đông đảo nhân dân các địa phương, Ðại sứ Ðặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Mi-chư-ô Xa-ka-ba, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)...
Sau gần 2.000 ngày đêm với sự nỗ lực vượt bậc của các kỹ sư, thợ cầu Nhật Bản - Việt Nam, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo và sự đóng góp của chính quyền địa phương, cầu Cần Thơ đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, nối hai bờ sông Hậu thay bến phà Cần Thơ đã tồn tại gần 100 năm qua, là cây cầu cuối cùng trên tuyến quốc lộ 1A, nối liền bảy tỉnh miền tây sông Hậu với cả nước, trong đó có bốn tỉnh vùng kinh tế trọng điểm khu vực Tây Nam Bộ. Cầu Cần Thơ có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Toàn tuyến dự án dài 15,85 km với điểm khởi đầu tại Km 2061 trên quốc lộ 1A thuộc huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, đi tránh quốc lộ 1A và TP Cần Thơ, vượt qua sông Hậu ở cách bến phà hiện nay về phía hạ lưu 3,2 km, nối trở lại quốc lộ 1A tại km 2077 thuộc quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Cầu chính có kết cấu dây văng dài 1.010 m, tốc độ thiết kế 80 km/giờ, trong đó bố trí nhịp dây văng giữa dài 550 m, dài nhất Ðông-Nam Á, đứng trong nhóm 10 cầu có nhịp dây văng dài nhất thế giới.
13h20 phút ngày 24-4, dòng xe ô tô và mô tô đầu tiên qua cầu Cần Thơ sau lễ khánh thành
Phát biểu ý kiến tại lễ khánh thành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Cầu Cần Thơ là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về nhiều mặt đối với sự phát triển của Cần Thơ, Vĩnh Long và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long; không chỉ có ý nghĩa to lớn về kinh tế, mà còn có ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh của miền Tây Nam Bộ và khu vực, là biểu tượng sinh động, thiết thực trong tiến trình CNH, HÐH đất nước. Công trình hoàn thành, đi vào hoạt động đã hiện thực hóa ước mơ bao đời nay của đồng bào đôi bờ sông Hậu, của nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, đồng thời tăng cường sự giao thông thuận lợi giữa TP Hồ Chí Minh các tỉnh Ðông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Từ nay toàn tuyến quốc lộ 1A, từ Lạng Sơn đến Cà Mau sẽ không còn cách trở bởi đò giang. Ðặc biệt, cầu Cần Thơ nối liền đôi bờ sông Hậu được khánh thành vào dịp cả nước ta kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, giang sơn quy về một mối, vì vậy, sự kiện này, niềm vui này càng được nhân lên.
Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương các thế hệ cán bộ, công nhân viên qua các thời của bến phà Cần Thơ trước đây và cụm phà Hậu Giang hôm nay, gần trăm năm đã cần mẫn đưa đón hàng trăm triệu lượt người qua sông Hậu, đến hôm nay sắp hoàn thành và kết thúc vai trò lịch sử vẻ vang của mình. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định: Sự kiện khánh thành cầu Cần Thơ hôm nay là biểu hiện sinh động tình hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản. Trong những năm qua, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã dành cho Việt Nam những giúp đỡ to lớn, trong đó có nguồn vốn vay ODA ưu đãi để giúp Việt Nam xây dựng và phát triển kinh tế, đặc biệt, là hệ thống hạ tầng giao thông vận tải. Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực, phấn đấu vượt khó khăn của các bộ, ngành liên quan và đồng bào ta ở vùng dự án JICA, các nhà thầu và đội ngũ cán bộ quản lý Việt Nam, Nhật Bản đã luôn sát cánh bên nhau vượt qua khó khăn trở ngại, xây dựng hoàn thành cầu Cần Thơ. Thủ tướng mong muốn, với những kinh nghiệm có được trong xây dựng cầu Cần Thơ, đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư, công nhân Việt Nam sẽ có sự trưởng thành vượt bậc đóng góp ngày càng hiệu quả trong phát triển cầu đường, hệ thống giao thông ở Việt Nam. Xúc động khi tưởng nhớ tới các kỹ sư, công nhân không may đã tử nạn trong quá trình xây dựng cầu Cần Thơ, Thủ tướng mong rằng qua bài học đau thương này, ngành giao thông vận tải có thêm nhiều kinh nghiệm trong khảo sát, thi công, quản lý, vươn lên nhanh chóng làm chủ công nghệ và kỹ thuật hiện đại xây những cây cầu mới có mỹ quan và chất lượng cao, bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Ðúng 10 giờ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham gia cắt băng khánh thành, mở bảng tên cầu Cần Thơ và đoàn xe của Thủ tướng, các bộ, ban ngành, địa phương lăn bánh qua cầu Cần Thơ.
* Sau khi thông xe cầu Cần Thơ, chiều 24-4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã có cuộc gặp mặt cảm động với đông đảo các thế hệ cán bộ, công nhân viên Cụm phà Hậu Giang trên chuyến phà cuối cùng.
Nguyên Giám đốc Cụm phà Hậu Giang Phan Quang Dự báo cáo với Thủ tướng thành tích của tập thể Cụm phà trong 35 năm qua. Ðặc biệt trong năm năm trở lại đây, Cụm phà Hậu Giang đã vận chuyển 1.700 chuyến phà an toàn, chuyên chở 184 triệu lượt hành khách, 38 triệu lượt phương tiện hai bánh, 11 triệu lượt xe ô-tô các loại... thu phí giao thông qua phà đạt 405 tỷ đồng.
Nói chuyện với cán bộ, công nhân viên Cụm phà Hậu Giang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, việc thông xe cầu Cần Thơ, cây cầu dây văng lớn nhất Ðông-Nam Á, cây cầu đẹp nối liền đôi bờ sông Hậu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về nhiều mặt đối với sự phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là niềm vui chung của cả nước mà cũng là niềm vui của cán bộ, công nhân Cụm phà Hậu Giang. Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của tập thể Cụm phà Hậu Giang trong gần 100 năm đưa đón khách qua lại thông suốt và an toàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng tin tưởng Cụm phà Hậu Giang khi tiếp nhận quản lý, khai thác cầu Cần Thơ nhiệm vụ mới nặng nề hơn, yêu cầu cao hơn sẽ phát huy truyền thống tốt đẹp hoàn thành suất sắc nhiệm vụ được giao.
Thay mặt Chủ tịch nước, Thủ tướng đã trao Huân chương Lao động hạng nhì tặng tập thể cán bộ, công nhân viên Cụm phà Hậu Giang vì đã có thành tích xuất sắc bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn trong thời gian qua.
* Chiều cùng ngày, Bộ GTVT và UBND tỉnh Bến Tre khánh thành cầu Hàm Luông. Ðến dự có: Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, các bộ, ban, ngành T.Ư, chính quyền và đông đảo nhân dân các địa phương.
Cầu Hàm Luông bắc qua sông Hàm Luông, trên quốc lộ 60, nối thành phố Bến Tre và bốn huyện của Cù lao Minh (Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú, Chợ Lách). Dự án cầu Hàm Luông khởi công ngày 17-1-2006, trong đó cầu chính được khởi công ngày 1-4-2007, là cầu vĩnh cửu bằng bê-tông cốt thép và bê-tông cốt thép dự ứng lực đúc hẫng cân bằng, cách bến phà Hàm Luông hiện nay 2,3 km về phía thượng lưu. Dự án có chiều dài 8,2 km, trong đó cầu Hàm Luông dài 1.280 m, cầu trên tuyến 450 m, đường hai đầu cầu 6.486 m, tĩnh không thông thuyền 20,5 m, khoảng thông thuyền 80 m, có ba nhịp khẩu độ 150 m, lớn nhất Việt Nam hiện nay, quy mô 4 làn xe, trọng tải H30 và XB80, vốn đầu tư gần 787 tỷ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Quá trình thi công, cầu Hàm Luông đạt được ba kỷ lục: giải phóng mặt bằng nhanh nhất, chỉ trong bốn tháng là giao mặt bằng; lần đầu áp dụng công nghệ đúc hẫng cân bằng với khẩu độ lớn nhất Việt Nam (150 m) và hoàn thành trước thời hạn 2 tháng. Cầu Hàm Luông hoàn thành đưa vào khai thác không chỉ giúp Bến Tre phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng cũng được hưởng lợi: rút ngắn quãng đường Trà Vinh - TP Hồ Chí Minh hơn 60 km, nếu đi theo tuyến quốc lộ 60, so với lộ trình hiện nay.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Cầu Hàm Luông không chỉ tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng cho tỉnh Bến Tre, mà còn cho các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương tỉnh Bến Tre, đặc biệt là nhân dân trong vùng dự án đã tích cực trong việc giải phóng và bàn giao mặt bằng, tạo thuận lợi cho việc xây dựng cầu Hàm Luông. Thủ tướng biểu dương Bộ Giao thông vận tải, ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn, các nhà thầu thi công đã vượt qua nhiều khó khăn, nỗ lực phấn đấu xây dựng hoàn thành cầu Hàm Luông trước thời hạn, bảo đảm an toàn và chất lượng. Thủ tướng mong muốn Ðảng bộ, quân và dân Bến Tre phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống tốt đẹp, vươn lên khắc phục mọi khó khăn, hạn chế, huy động cao nhất và sử dụng tốt nhất các nguồn lực để xây dựng và phát triển địa phương ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với truyền thống của quê hương Bến Tre Ðồng khởi anh hùng, xứng đáng với niềm tin yêu và trông đợi của Ðảng, Nhà nước và nhân dân.
Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Bến Tre thống nhất cầu Hàm Luông là công trình Chào mừng Ðại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Cầu Cần Thơ- cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất khu vực Đông Nam Á (550 m), tổng mức đầu tư gần 5.000 tỉ đồng, từ nguồn viện trợ phát triển chính thức ODA của chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Chiều dài toàn tuyến 15,85 km, dự án chia thành ba gói thầu: Gói thầu số một- đoạn đường dẫn phía Vĩnh Long dài 5,41 km; gói thầu hai- phần cầu chính và nhịp dẫn dài 2,75 km; gói thầu ba- đường dẫn phía Cần Thơ dài 7,69 km. Cầu chính có khổ rộng 23,1 m, gồm bốn làn xe, mỗi làn 3,5 m và hai lề bộ hành, mỗi lề 2,75 m. Độ tĩnh không thông thuyền cao 39 m (với chiều rộng tương ứng 200 m), đảm bảo cho tàu 10.000 DWT qua lại. |
Theo Báo Xây dựng điện tử