Mặc dù đồng tình sửa Luật Nhà ở theo hướng mở cho kiều bào được mua và sở hữu nhà ở trong nước nhưng trong phiên họp giữa Thường trực Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội (QH) ngày 10-3, vẫn có ý kiến cho rằng chỉ nên cho những đối tượng trên sở hữu một nhà ở để tránh tình trạng sử dụng nhà sai mục đích hoặc đầu cơ, mua đi bán lại bất động sản. Tuy nhiên, Ban soạn thảo dự án luật này đề nghị được giữ nguyên quy định cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhiều nhà ở tại Việt Nam.
Theo đó, người được quyền sở hữu nhà ở như công dân trong nước (tức không hạn chế số lượng) là người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam hoặc là người gốc Việt Nam thuộc các đối tượng về đầu tư trực tiếp, có công đóng góp cho đất nước, hoạt động trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, có bằng đại học hoặc tương đương trở lên về Việt Nam làm việc; người có kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu và người kết hôn với công dân Việt Nam ở trong nước…
Đại diện Ban soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam còn cho biết, dự án luật có một số điểm chỉnh sửa quan trọng trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp. Theo đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ có thêm quyền cho thuê và ủy quyền quản lý nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhưng không được quyền góp vốn bằng nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất. Quy định này xuất phát từ quan điểm sửa đổi Luật Nhà ở là tạo điều kiện để cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài có chỗ ở ổn định chứ không phải để họ kinh doanh nhà ở. Hiệu lực thi hành của luật (nếu được QH thông qua tại kỳ họp tới) sẽ bắt đầu từ 1-9-2009 để có thời gian cho Chính phủ chuẩn bị và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành.
Theo Hà Nội Mới