1. Việc tính phụ cấp không ổn định sản xuất, lương phụ vào đơn giá nhân công xây dựng trong Quyết định số 15/2009/QĐ-UBND ngày 29/6/2009 của UBND tỉnh Lai Châu:
Đơn giá nhân công xây dựng trong lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình giai đoạn trước thời điểm có hiệu lực của Thông tư số 01/2015/TT-BXD ngày 20/3/2015 của Bộ Xây dựng được xác định theo mặt bằng thị trường lao động phổ biến của từng khu vực, theo từng ngành nghề sử dụng. Tuy nhiên, tỷ lệ, hệ số các khoản phụ cấp, lương phụ, các khoản khoán theo lương tính trong đơn giá nhân công xây dựng vẫn do cơ quan có thẩm quyền quy định, cụ thể:
- Đối với hệ số lương phụ trong đơn giá nhân công xây dựng:
Căn cứ Phụ lục 4 Thông tư số 05/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 của Bộ Xây dựng, khoản lương phụ trong đơn giá nhân công xây dựng được tính bằng 12% lương cơ bản. Như vậy, việc tính hệ số lương phụ cho khu vực 0,7 vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lai Châu với mức 13,2% như nêu tại văn bản số 281/UBND-XD ngày 24/2/2017 của UBND tỉnh Lai Châu là không đúng quy định.
- Đối với phụ cấp không ổn định sản xuất trong đơn giá nhân công xây dựng:
Phụ cấp không ổn định sản xuất là phụ cấp mang tính ngành nghề để bảo đảm cho công nhân xây dựng ổn định cuộc sống, bởi do đặc thù của ngành xây dựng là người lao động thường xuyên không có việc làm liên tục. Phụ cấp này được Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội có ý kiến trong văn bản số 4076/LĐTBXH-TL ngày 29/11/1993 về giải quyết chế độ tiền lương cho công nhân xây dựng gửi Bộ Xây dựng, nội dung văn bản đã nêu: do điều kiện sản xuất xây dựng cơ bản thường xuyên không ổn định, nên được tính vào đơn giá tiền lương hệ số không ổn định sản xuất với các mức cụ thể khác nhau tùy từng công trình, nhưng tối đa không quá 15% lương cấp bậc, chức vụ.
Ngày 09/01/2002, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 03/2002/TT-BLĐTBXH ngày 09/1/2002 quy định phụ cấp không ổn định sản xuất được tính trong chi phí tiền lương để lập dự toán công trình xây dựng và quy định trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc hướng dẫn xác định chi phí tiền lương trong giá trị dự toán công trình xây dựng. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 07/2003/TT-BXD ngày 17/6/2003 hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng, trong đó quy định đơn giá nhân công xây dựng được tính thêm phụ cấp không ổn định sản xuất bằng tối thiểu 10% tiền lương cơ bản.
Ngày 14/12/2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 205/2004/NĐ-CP quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước, theo đó phụ cấp không ổn định sản xuất không được quy định trong Nghị định này. Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị làm rõ hiệu lực của việc áp dụng phụ cấp không ổn định sản xuất vào đơn giá nhân công xây dựng nêu trong văn bản số 4076/LĐTBXH-TL ngày 29/11/1993. Ngày 30/12/2005, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có văn bản số 4508/LĐTBXH-TL trả lời Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội tỉnh Yên Bái về việc phụ cấp không ổn định sản xuất, trong đó khẳng định văn bản số 4076/LĐTBXH-TL ngày 29/11/1993 là vẫn còn hiệu lực. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời các địa phương về việc tính phụ cấp không ổn định sản xuất trong đơn giá nhân công xây dựng là phù hợp.
Trước tình hình hiện nay, các cơ quan thanh tra, kiểm toán có ý kiến về việc tính phụ cấp không ổn định sản xuất vào đơn giá nhân công xây dựng là không đúng quy định của Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 1759/BXD-KTXD ngày 01/8/2017 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc áp dụng phụ cấp không ổn định sản xuất vào đơn giá nhân công xây dựng trong tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình đối với các dự án đầu tư xây dựng phê duyệt trước thời điểm có hiệu lực của Thông tư số 01/2015/TT-BXD của Bộ Xây dựng về hướng dẫn xác định đơn giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Bộ Xây dựng sẽ có văn bản trả lời chính thức về việc tính phụ cấp không ổn định sản xuất vào đơn giá nhân công xây dựng sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
2. Về hướng dẫn điều chỉnh đơn giá nhân công, máy thi công, đơn giá khảo sát tại văn bản số 332/SXD-KT ngày 11/9/2012 của Sở Xây dựng tỉnh Lai Châu:
Căn cứ theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại văn bản số 1730/BXD-KTXD ngày 20/10/2011 thì đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình thực hiện việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình theo quy định tại Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 và Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình thì việc điều chỉnh dự toán xây dựng công trình do Chủ đầu tư thực hiện nhưng không được vượt tổng mức đầu tư phê duyệt.
Do vậy, văn bản số 332/SXD-KT ngày 11/9/2012 của Sở Xây dựng tỉnh Lai Châu có nội dung hướng dẫn chưa đúng và đủ theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại văn bản số 1730/BXD-KTXD và nguyên tắc xác định đơn giá nhân công xây dựng là “tính đúng, tính đủ phù hợp với mặt bằng thị trường lao động phổ biến của từng khu vực, tỉnh, theo từng ngành nghề sử dụng”, cụ thể thiếu các nội dung hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện như sau:
- Trường hợp đơn giá nhân công xây dựng trong dự toán xây dựng công trình được phê duyệt đã phù hợp với mặt bằng giá nhân công xây dựng trên thị trường tại khu vực nơi xây dựng công trình và đảm bảo theo đúng quy định của Chính phủ về mức lương tối thiểu vùng thì không phải điều chỉnh dự toán công trình. Trường hợp có điều chỉnh thì dự toán xây dựng công trình không được vượt tổng mức đầu tư đã phê duyệt.
- Đơn giá nhân công tại thời điểm điều chỉnh phải tính đến tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến lương nhân công xây dựng trên thị trường như: mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định, trình độ tay nghề, nhu cầu lao động trên thị trường của từng khu vực, bảo hiểm của người lao động phải nộp, các loại hệ số lương, phụ cấp lương được hưởng theo quy định tương ứng với từng địa điểm lao động,…
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 2023/BXD-KTXD.