Tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Lê Quang Hùng trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch năm 2018 của ngành Xây dựng. Theo đó, Bộ Xây dựng xác định 2018 là năm bản lề để thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, đồng thời quán triệt quan điểm chỉ đạo, phương châm hành động của Chính phủ với chủ đề của năm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Vì vậy, ngay từ đầu năm, Bộ Xây dựng đã xây dựng kịch bản tăng trưởng năm 2018 của Ngành và ban hành Chương trình hành động với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 85 nhiệm vụ cụ thể để triển khai các Chương trình, kế hoạch, Nghị quyết quan trọng của Chính phủ và Quốc hội.
Với sự nỗ lực và quyết tâm hoàn thành mọi mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, trong năm 2018, ngành Xây dựng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó nổi bật là: Duy trì mức tăng trưởng khá với tốc độ 9,16% cho lĩnh vực xây lắp và khoảng 4% cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản; tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 38,4% (tăng 0,9% so với năm 2017), đạt xấp xỉ cận dưới của các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XII (38-40%), hiện cả nước có 819 đô thị (tăng 6 đô thị so với năm 2017); tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt khoảng 78% (tăng 1% so với năm 2016), quy hoạch chi tiết đạt khoảng 39% (tăng 2% so với năm 2017); quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 100% (tăng 0,6% so với năm 2017); tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 86% (tăng 1,5% so với 2017); tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải tại đô thị đạt khoảng 86% (tăng 0,5% so với 2017); tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch giảm còn khoảng 21,5% (giảm 1,5% so với 2017); diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 24m2 sàn/người, tăng 0,6m2 sàn/người so với 2017; tổng sản lượng xi măng tiêu thụ khoảng 95 triệu tấn, tăng 17% so với năm 2017, đạt 113% kế hoạch năm.
Năm 2018, Bộ Xây dựng chú trọng đặc biệt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, xây dựng hành lang pháp lý hoàn chỉnh nhằm tạo lập, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng. Bộ đã hoàn thành dự thảo và trình Chính phủ, Quốc hội 3 dự án Luật: Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Kiến trúc; Luật Sửa đổi bổ sung các Luật: Xây dựng, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Quy hoạch đô thị. Hiện nay, Bộ đang nghiên cứu, đề xuất các nội dung sửa đổi Luật Nhà ở để thực hiện chính sách nhà ở đối với các bộ công chức theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ (Nghị quyết số 26-NQ/TW). Bộ cũng đã trình và được Chính phủ ban hành 1 Nghị định, 1 Nghị quyết, 6 Quyết định, 2 Chỉ thị và ban hành theo thẩm quyền 9 Thông tư.
Đặc biệt, trong năm 2018, Bộ Xây dựng đã trình và được Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16/7/2018 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, trong đó đã bãi bỏ 41,3%, đơn giản hóa 47,3% và giữ nguyên 15% số điều kiện đầu tư kinh doanh trên tổng số 215 điều kiện đầu tư kinh doanh.
Bên cạnh đó, công tác quản lý đầu tư xây dựng tiếp tục được Bộ Xây dựng dành nhiều sự quan tâm, tạo chuyển biến tích cực, chất lượng công trình cơ bản được kiểm soát; các nhiệm vụ cụ thể về thanh tra, kiểm tra, thẩm tra, thẩm định thiết kế, nghiệm thu công trình và quản lý năng lực các chủ thể hoạt động xây dựng được thực hiện nghiêm túc. Công tác thanh tranh, kiểm tra trật tự xây dựng được chú trọng đẩy mạnh. Năm 2018, Thanh tra xây dựng toàn Ngành đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 37.360 lượt công trình; số công trình vi phạm tiếp tục giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó công trình sai phép giảm 2,7%, công trình không phép giảm 4,2%.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị
Bên cạnh các hoạt động thường xuyên, Bộ Xây dựng và các địa phương cũng đã tích cực thực hiện cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng; tăng cường ứng dụng thông tin trong cấp phép xây dựng (mức độ 3,4). Riêng Bộ Xây dựng năm 2018 xây dựng và triển khai thực hiện Đề án thành lập Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính. Bộ Xây dựng là Bộ đầu tiên trong tổng số 22 Bộ, ngành chính thức triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính theo mô hình một cửa đặt tại Văn phòng Bộ, thực hiện tiếp nhận và trả kết quả xử lý thủ tục hành chính của toàn bộ 41 thủ tục hành chính cấp Bộ. Bộ cũng thực hiện đúng tiến độ Đề án “Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng”. Trong năm 2018, Bộ đã rà soát 14.448 định mức do Bộ Xây dựng công bố, kết quả loại bỏ 993 định mức lạc hậu, sửa đổi 2.879 định mức và bổ sung 1249 định mức; đã thẩm định và công bố 90 tiêu chuẩn xây dựng.
Công tác phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở phục vụ an sinh xã hội tiếp tục có kết quả khả quan. Thị trường Bất động sản ổn định, phát triển tốt. Các chương trình nhà ở phục vụ an sinh xã hội như Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công, Chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn, Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt, Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long, Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân khu công nghiệp tiếp tục được quan tâm, thực hiện cơ bản đúng tiến độ. Đặc biệt Chính phủ và Quốc hội đã bố trí đủ vốn để thực hiện dứt điểm Chương trình nhà ở cho người có công. Cả nước cũng đã, hoàn thành khoảng 5.800 căn nhà ở xã hội với tổng diện tích sàn khoảng 290.000m2.
Thị trường Bất động sản cơ bản được kiểm soát, tiếp tục tăng trưởng, chưa có dấu hiệu bất thường, cực đoan lớn. Cơ cấu hàng hoá ngày càng đa dạng và được điều chỉnh từng bước hướng tới đáp ứng yêu cầu của nhiều tầng lớp người dân và thị trường. Trong 9 tháng đầu năm 2018, doanh số thị trường Bất động sản tăng 4,12% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp bất động sản đăng ký mới 3.300 doanh nghiệp tăng 44,2%. Tổng vốn đầu tư vào các dự án bất động sản đang triển khai đạt khoảng 3,5 - 4 triệu tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tính đến tính đến quý III/2018 là 465.688 tỷ đồng (giảm 2,84% so với quý II/2018). Tính đến ngày 20/12/2018, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 22.825 tỷ đồng, so với lúc đỉnh điểm ở Quý I/2013 đã giảm 105.723 tỷ đồng (giảm 82,24%); so với 20/12/2017 giảm 2.557 tỷ đồng (giảm 10,07%); so với 20/10/2018 giảm 150 tỷ đồng.
Công nghiệp vật liệu xây dựng phát triển mạnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước về một số vật liệu xây dựng chủ yếu và mở rộng thị trường xuất khẩu. Hoạt động quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng tiếp tục được tăng cường. Sản lượng xi măng đạt 95 triệu tấn, vượt 113% kế hoạch năm. Gạch ốp lát: sản xuất và tiêu thụ đạt gần 705 triệu m2, tăng 5 triệu m2 so với năm 2017; Sứ vệ sinh dự kiến đạt khoảng 16 triệu sản phẩm, tăng 10% so với năm 2017; sản lượng sản xuất và tiêu thụ vôi đạt trên 2,5 triệu tấn, tương đương năm 2017. Bộ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng” theo Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ; đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm túc Chương trình 567 của Thủ tướng chính phủ về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung. Năm 2018, tổng sản lượng gạch không nung cả nước sản xuất ước đạt 8 tỷ viên (QTC), chiếm 30% tổng sản lượng gạch xây; gạch nung sản xuất ước đạt 18 tỷ viên (QTC), chiếm 70% tổng sản lượng gạch xây.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng phát biểu tại Hội nghị
Trên cơ sở những kết quả đạt được trong năm 2018, ngành Xây dựng đề ra các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu năm 2019 như sau: Giá trị sản xuất xây dựng toàn Ngành (theo giá hiện hành) tăng khoảng 9%-10% so với năm 2018; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 39,2%; tỷ lệ quy hoạch vùng tỉnh đạt 100%, tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đạt khoảng 78,3%; tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết đạt khoảng 39,5% so với diện tích đất xây dựng đô thị; quy hoạch xây dựng nông thôn (số lượng xã có quy hoạch chung) đạt 99,8%; tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 88%; tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm xuống còn 20%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt khoảng 86-86,5%; diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 24,5m2 sàn/người; sản lượng sản phẩm xi măng khoảng 98 triệu tấn.
Tham dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả ngành Xây dựng đã đạt được trong năm 2018, đặc biệt là những kết quả trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, năm 2019 được Chính phủ xác định là năm bứt phá về hoàn thiện thể chế, đổi mới sáng tạo, huy động nguồn lực, do đó ngành Xây dựng cần phát huy những kết quả đã đạt được, tập trung cho công tác hoàn thiện thể chế, công cụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, rà soát hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của ngành; chú trọng tạo bứt phá về chất lượng các sản phẩm của ngành Xây dựng trong phát triển nhà ở, công trình xây dựng, vật liệu xây dựng; bứt phá về phát triển nhà ở xã hội và về xử lý tro, xỉ.
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, Bộ Xây dựng sẽ nghiêm túc thực hiện những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong triển khai thực các nhiệm vụ năm 2019.
Nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch năm 2019, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng quán triệt sâu sắc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc của Chính phủ với các địa phương ngày 28/12/2018, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về yêu cầu phát triển ngành Xây dựng trong tình hình mới tại lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Xây dựng Việt Nam tháng 4/2018, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị “Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2018, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2019 của ngành Xây dựng”, qua đó tạo quyết tâm, nghị lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thực hiện thắng lợi kế hoạch công tác năm 2019, với tinh thần: Quyết liệt hơn, sáng tạo hơn, đạt được những kết quả cụ thể cao hơn năm 2018 và tạo ra được sự bứt phá mới theo chủ đề hành động năm 2019 của Chính phủ.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà giao Vụ Kế hoạch tài chính chủ trì trình lãnh đạo Bộ Xây dựng phê duyệt Kế hoạch hành động các nghị quyết của Chính phủ, như: Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019; Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, với tinh thần cụ thể, bứt phá, rõ người rõ việc, rõ tiến độ thực hiện và trình lãnh đạo Bộ trước ngày 15/1/2019. Trên cơ sở Kế hoạch hành động của Bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ chủ động xây dựng kế hoạch hành động của đơn vị mình, gửi về Bộ trước ngày 20/1/2019;
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ chuyển biến mạnh mẽ trong việc nghiên cứu, hình thành các công cụ quản lý, cơ chế chính sách mới để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về: Quy hoạch kiến trúc; hoạt động xây dựng; phát triển đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhà ở; thị trường bất động sản; vật liệu xây dựng; tái cơ cấu ngành và doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp; hoàn thiện thể chế về xây dựng để đến cuối nhiệm kỳ đảm bảo sự đồng bộ, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và yêu cầu phát triển đất nước của hệ thống quy định pháp luật về xây dựng; theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai Luật Quy hoạch, Luật Sửa đổi bổ sung các Luật có nội dung liên quan tới quy hoạch; kịp thời đề xuất với Chính phủ những giải pháp thực hiện tốt quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, sai quy hoạch, triển khai thực hiện có hiệu quả đề án đô thị thông minh; đề xuất các giải pháp tổng thể về phát triển đô thị để tạo động lực mới cho phát triển kinh tế xã hội năm 2019 và các năm tiếp theo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Toàn cảnh Hội nghị
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phòng chống tham những, tham nhũng vặt theo kế hoạch của Bộ, thực hiện nghiêm Luật Tiếp cận thông tin, tiếp công dân, giải quyết những vướng mắc, khiếu nại của công dân, từng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ phải xây dựng kế hoạch giải quyết dứt điểm những vướng mắc nội bộ, không để phát sinh vướng mắc, khiếu kiện, tố cáo; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành và thực hiện nhiệm vụ, phấn đấu cải thiện xếp hạng chỉ số cải cách hành chính của Bộ trong năm 2019;
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh nội dung phát huy vai trò hạt nhân trong lãnh đạo của các tổ chức Đảng, đoàn thể trong tổ chức đời sống của cán bộ, công nhân viên trong các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng nhằm tạo sự đoàn kết nội bộ, từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của các cơ quan đơn vị, đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Xây dựng và các Bộ, ban ngành Trung ương, các Sở Xây dựng địa phương cũng như tiếp tục mở rộng đối thoại giữa Bộ Xây dựng với doanh nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp, người dân và phát huy vai trò các tổ chức truyền thông trong thực hiện vai trò, nhiệm vụ.
Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, sự phối hợp và giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương, các tổ chức, hiệp hội trong nước, quốc tế và người dân… đối với Bộ Xây dựng, giúp Bộ hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ, vài trò, chức năng của Bộ năm 2018 và những năm tiếp theo.
Trần Đình Hà