Ngày 10/10/2024, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị chuyên đề Công nghệ chuyển đổi nhiệt khí thải thành điện và chuyển đổi rác thải sinh hoạt thành nhiên liệu trong các nhà máy xi măng. Đây là một trong những sự kiện của Bộ Xây dựng nhằm hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 28/CT-TTg về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng. Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh; đại diện các bộ, ngành Trung ương, địa phương; lãnh đạo các hội, hiệp hội nghề nghiệp chuyên ngành; đại diện các tổ chức khoa học trong nước và quốc tế.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của ngành sản xuất xi măng đối với phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội của đất nước, đồng thời cho biết, hiện nay, toàn quốc có 92 dây chuyền sản xuất xi măng (công nghệ lò quay), tổng công suất 122 triệu tấn/năm. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã tích cực đầu tư, áp dụng công nghệ chuyển đổi nhiệt, khí thải thành điện năng, tiết kiệm rất nhiều chi phí điện cho hoạt động sản xuất, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, giảm giá thành sản phẩm, bảo vệ môi trường, mang lại những kết quả nhất định.
Vụ trưởng Lê Trung Thành phát biểu tại hội nghị
Để hội nghị đảm bảo kết quả theo kế hoạch đề ra, Thứ trưởng đề nghị các chuyên gia, đại biểu khách mời tích cực trao đổi, thảo luận những vấn đề, giải pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh áp dụng công nghệ chuyển đổi nhiệt khí thải thành điện và chuyển đổi rác thải sinh hoạt thành nhiên liệu trong các nhà máy xi măng, góp phần hiện thực hóa các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 28/CT-TTg, đồng thời đẩy mạnh áp dụng các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng trong thời gian tới.
Tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lực - Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay, cả nước đã có 34/92 dây chuyền đầu tư lắp đặt và đưa vào hoạt động hệ thống phát điện nhiệt dư với tổng công suất khoảng 248 MW (34/63 dây chuyền có công suất từ 2.500 tấn clinker/ngày trở lên).
Về tình hình triển khai các hoạt động về sử dụng rác thải làm nhiên liệu thay thế, Ông cho biết, tại Việt Nam hiện phát sinh khoảng 60.000 tấn rác mỗi ngày (trong đó có 60% là rác thải sinh hoạt). Toàn quốc hiện có các nhà máy điện rác như: Nhà máy điện rác Sóc Sơn, công suất 4.000 tấn rác/ngày; Nhà máy xỷ lý chất thải rắn Cần Thơ, công suất 400 tấn rác/ngày; Nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ cao ở Bắc Ninh, công suất 180 tấn rác /ngày... Rác thải sử dụng làm nhiên liệu thay thế trong các Nhà máy xi măng được sử dụng chủ yếu là rác thải công nghiệp như vải vụn, mảnh nhựa, cao su vụn, dầu thải và các dung môi... (Xi măng Insee, Xi măng Bút Sơn; Xi măng Sông Thao; Xi măng Bình Phước…).
Chuyên gia trao đổi, thảo luận, phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc giới thiệu các công nghệ đồng xử lý trong lò nung xi măng; hệ thống phát điện nhiệt dư trong ngành xi măng; công nghệ nung Clinker xi măng của Công ty Sinoma. Các chuyên gia đến từ ngành xi măng Trung Quốc cũng giới thiệu Chỉ dẫn công nghệ về giảm phát thải carbon trong ngành xi măng.
Quang cảnh hội nghị
Kết luận hội nghị, thay mặt Bộ Xây dựng, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng Lê Trung Thành cảm ơn các đại biểu, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã tham dự và thông tin chia sẻ nhiều giải pháp công nghệ tiên tiến về chuyển đổi nhiệt khí thải thành điện và chuyển đổi rác thải sinh hoạt thành nhiên liệu trong các nhà máy xi măng; đồng thời tích cực thảo luận làm rõ tính khả thi, khả năng tiếp cận, hiệu quả khi áp dụng tại Việt Nam. Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp làm cơ sở nghiên cứu trong quá trình tham mưu, xây dựng và ban hành các chính sách điều hành, quản lý nhà nước, nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ, phát triển bền vững ngành xi măng trong thời gian tới.