1.1. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành: Ngay khi ban hành Chương trình xây dựng văn bản QPPL, Bộ Xây dựng đã tập trung thực hiện các nội dung của Chương trình; trong tháng 3 và Quý I năm 2015 đã triển khai được một số nội dung sau:
- Đã hoàn thành trình Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Tính trong Quý I/2015, Bộ Xây dựng đã được Chính phủ ban hành 01 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 04 Quyết định.
- Đã ban hành theo thẩm quyền 03 Thông tư về: hướng dẫn xác định đơn giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng; sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2013/TT-BXD về hướng dẫn một số nội dung về lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình thủy điện Lai Châu; hướng dẫn công tác thi đua khen thưởng ngành Xây dựng.
- Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các nhiệm vụ tại Chương trình xây dựng văn bản QPPL; Tiếp tục hoàn thiện các đề án, văn bản QPPL đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: gồm 06 Nghị định, 03 đề án và 02 Quyết định.
1.2. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý đầu tư xây dựng, nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí, nâng cao chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế, kỹ thuật:
Tiếp tục kiểm tra, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng trên cả nước, đặc biệt là đối với các công trình, dự án sử dụng vốn nhà nước; Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng tiếp tục thực hiện kiểm tra các công trình trong kế hoạch hoạt động, trong tháng 3 thực hiện kiểm tra tại 03 công trình trọng điểm quốc gia: Cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải; Hầm Đèo Cả; Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng tại 06 công trình của một số Bộ, ngành và địa phương: Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai; Chợ Cốc Lếu (Lào Cai); Trung tâm thương mại Chợ Mơ; Nhà ở cao tầng lô CT1 (Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội), Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị; Tháp giữa, tháp Bắc, tháp Nam (dự án Bảo tồn, tôn tạo nhóm tháp Chăm Dương Long - Bình Định).
Tiếp tục tham gia, chỉ đạo xử lý một số sự cố công trình như: vỡ đường ống nước Sông Đà (vị trí vỡ lần thứ 10 của tuyến đường ống), Vỡ đập phụ công trình Hồ chứa nước Đầm Hà Động tại Quảng Ninh, Sập đường hầm công trình Thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo (Lâm Đồng), Sự cố ngạt khí tại công trình Big C The Garden.
Tiếp tục thực hiện kiểm tra an toàn hồ đập trên cả nước, Bộ Xây dựng đang tiến hành kiểm tra 03 công trình tại tỉnh Hòa Bình: Hồ Trọng, Thủy điện Suối Nhạp, Thủy điện Đồng Chum II. Tiếp tục đôn đốc, theo dõi, quản lý chất lượng công trình tại một số dự án do Bộ làm Chủ đầu tư như công trình Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới), Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tiếp tục hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư và nhà thầu xử lý các tình huống vướng mắc trong quản lý các dự án, quản lý hợp đồng xây dựng, điều chỉnh tổng mức đầu tư; hướng dẫn, xử lý các vướng mắc do biến động giá. Tiếp tục triển khai lập và công bố chỉ số giá xây dựng. Tập trung rà soát, sửa đổi hệ thống các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật.
1.3. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; hoàn thành công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới:
Tiếp tục rà soát các quy hoạch vùng, quy hoạch chung các đô thị trên phạm vi cả nước, đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng quan trọng theo phân cấp; đã hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Quy hoạch chung xây dựng Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030; Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận tỉnh Bình Định đến năm 2035; đã tổ chức hội nghị thẩm định Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tiếp tục tham gia công tác quản lý quy hoạch và kiến trúc tại các công trình trọng điểm quốc gia như: Khu Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, trụ sở Chính phủ và Văn phòng Chính phủ. Tiếp tục cho ý kiến về Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị tại các đô thị trên cả nước, các công trình kiến trúc trọng điểm, các dự án đầu tư xây dựng quy mô lớn và có yêu cầu đặc biệt tại các địa phương. Đẩy nhanh tiến độ rà soát, xây dựng Báo cáo về tình hình thực hiện công tác quản lý quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị tại các vùng, tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương.
Tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới. Đôn đốc hướng dẫn các địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình Quy hoạch xây dựng nông thôn của Chính phủ.
1.4. Phát triển đô thị theo hướng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội; tăng cường quản lý và kiểm soát chặt chẽ các dự án phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch:
Tiếp tục triển khai thực hiện quản lý đầu tư phát triển đô thị theo Nghị định số 11/2013/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn; tiếp tục hướng dẫn các địa phương thành lập các Khu vực phát triển đô thị và các Ban quản lý khu vực phát triển đô thị; tiếp tục cho ý kiến về chủ trương chấp thuận đầu tư và chuyển quyền sử dụng đất đối với khu vực đã đầu tư hạ tầng tại các dự án phát triển đô thị trong cả nước; tính đến 20/3/2015, đã có 27 hồ sơ dự án xin chấp thuận đầu tư, 157 hồ sơ dự án xin chuyển quyền sử dụng đất.
Tiếp tục triển khai công tác thẩm định, nâng loại đô thị theo các quy định tại Nghị định 42/2009/NĐ-CP về phân loại đô thị và Thông tư 34 hướng dẫn một số nội dung về phân loại đô thị, Bộ Xây dựng đã thẩm định nâng loại cho 4 đô thị: Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) là đô thị loại II; Thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) là đô thị loại III; Thị trấn Plei Kần mở rộng (Gia Lai), Thị trấn Chư Sê (Gia Lai) là đô thị loại IV.
Tiếp tục triển khai lập các Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật: Quy hoạch cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long, Quy hoạch chất thải rắn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tiếp tục triển khai thực hiện các Chương trình phát triển hạ tầng, đô thị: Chương trình phát triển đô thị quốc gia, Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia, Chương trình phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, Chương trình chống thất thoát nước sạch, Chương trình quốc gia đầu tư xử lý chất thải rắn.
1.5. Thực hiện các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển theo hướng ổn định, bền vững; tập trung thực hiện các Chương trình phát triển nhà ở, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội:
Tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Chính sách quản lý và phát triển nhà ở xã hội, Chính sách quản lý và sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, Chính sách quản lý và phát triển nhà ở tái định cư, Chính sách quản lý, bố trí cho thuê nhà ở công vụ của Chính phủ.
Tiếp tục đôn đốc các địa phương đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 61/NQ-CP ngày 21/08/2014 của Chính phủ; thực hiện giải ngân gói 30.000 tỷ đồng: đến ngày 15/3/2015 đã cam kết cho vay là 10.967 tỷ đồng, đã giải ngân 6.285 tỷ đồng. Đẩy nhanh việc phát triển nhà ở xã hội, chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, điều chỉnh cơ cấu nhà ở thương mại; hiện có 88 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ (tăng 14 dự án so với cuối năm 2014), với số lượng căn hộ ban đầu là 36.113 căn hộ xin điều chỉnh thành 49.199 căn hộ (tăng 13.086 căn hộ); 62 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội (tăng 02 dự án so với cuối năm 2014) với quy mô xây dựng khoảng 41.769 căn hộ.
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các chương trình phát triển nhà ở cho các đối tượng xã hội: Chương trình nhà ở cho người có công; Chương trình tôn nền vượt lũ đồng bằng sông Cửu Long – Giai đoạn 2; Chương trình nhà ở sinh viên; Chương trình nhà ở công nhân; Chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị.
Trong Quý I năm 2015, thị trường bất động sản tiếp tục phục hồi, thể hiện ở dư nợ tín dụng và lượng giao dịch tăng trong lĩnh vực bất động sản, cụ thể như sau:
- Về giá cả: Giá nhà ở tương đối đối ổn định, một số dự án tại các khu vực hạ tầng đầy đủ, triển khai đúng tiến độ giá chào bán tăng nhẹ. Tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư phần lớn giữ giá ổn định, một số dự án đang hoàn thiện, có vị trí tốt tăng khoảng 1-3%. Tại Tp.Hồ Chí Minh, giá nhà ở tương đối ổn định, không có nhiều biến động, tăng nhẹ ở một số dự án sắp hoàn thành có hạ tầng tốt.
- Về giao dịch: Lượng giao dịch thành công giữ được mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm ngoái; tại Hà Nội trong Quý I/2015 có 4.250 giao dịch thành công (gấp 3 lần số giao dịch thành công của Quý I/2014) tập trung chủ yếu vào các dự án đang thi công, các dự án hoàn thành có vị trí tốt ; tại Tp.Hồ Chí Minh trong Quý I/2015 có khoảng 3.950 giao dịch thành công (gấp 3 lần số giao dịch thành công của Quý I/2014) chủ yếu tập trung vào các căn hộ có diện tích trung bình và nhỏ (70-90m2).
- Về tồn kho bất động sản: tồn kho bất động sản tiếp tục giảm; tính đến 20/3/2015, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 70.703 tỷ đồng, giảm 57.845 tỷ đồng (giảm 45%) so với Quý I/2013. Trên địa bàn Hà Nội, đến 20/3/2015 tổng số tồn kho bất động sản khoảng 9.006 tỷ đồng, giảm 8.054 tỷ đồng (giảm 47,21%) so với Quý I/2013. Trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh, đến 20/3/2015, tổng giá trị tồn kho khoảng 14.057 tỷ đồng, giảm 14.685 tỷ đồng (giảm 51,09%) so với Quý I/2013.
- Dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản: tính 31/01/2015 đạt 316.578 tỷ đồng, tăng 20,7% so với thời điểm 31/12/2013 và tăng 4,8% so với thời điểm 31/12/2014.
1.6. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án, quy hoạch, chương trình phát triển vật liệu xây dựng, đáp ứng nhu cầu thị trường; tăng cường kiểm tra, thực hiện cân đối cung, cầu bình ổn thị trường vật liệu xây dựng:
Tiếp tục kiểm tra việc thực hiện Quy hoạch xi măng, quy hoạch khoáng sản làm nguyên liệu xi măng, khoáng sản làm vật liệu xây dựng; kiểm tra các dự án xi măng dự kiến vận hành năm 2015 và các dự án xi măng dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2016-2020. Tiếp tục kiểm tra việc thực hiện Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020.
Chỉ đạo, đôn đốc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức nghiên cứu, lập và phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của địa phương đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030.
Tiếp tục hướng dẫn xuất khẩu cát nhiễm mặn và xuất khẩu đá khối ở các địa phương. Kiểm tra chất lượng sản phẩm VLXD sản xuất trong nước và nhập khẩu tuân thủ theo QC11:2014 và Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
Các nhiệm vụ khác trong Chương trình hành động được ban hành tại Quyết định số 50/QĐ-BXD ngày 20/01/2015 của Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai theo kế hoạch, tiến độ đã đề ra.
2. Tình hình thực hiện sản xuất kinh doanh và đầu tư tháng 3 và Quý I năm 2015 của các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng
Bước sang năm 2015, ngay từ đầu năm các doanh nghiệp thuộc Bộ đã có nhiều nỗ lực, tập trung khắc phục khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tháng 2 năm 2015 cả nước đón tết Nguyên đán, sau thời gian dài nghỉ tết, các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh. Sau đây là một số tình hình chủ yếu về thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh tháng 3 và quý I năm 2015 của các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng:
Tháng 3 năm 2015 sản lượng xi măng tiêu thụ nội địa đạt thấp, ước tiêu thụ nôi địa tháng 3 đạt 3,91 triệu tấn, quý I năm 2015 tổng tiêu thụ đạt 13,85 triệu tấn bằng 19,2% so với kế hoạch năm, trong đó tiêu thụ nội địa đạt 10,6 triệu tấn; xuất khẩu clinker và xi măng ước đạt 3,25 triệu tấn.
+ Giá trị tư vấn: Ước thực hiện tháng 3 đạt 117 tỷ đồng, quý I năm 2015 đạt 337 tỷ đồng bằng 23,7% so kế hoạch năm và bằng 124,2% so cùng kỳ năm 2014.
+ Giá trị SXKD khác: Ước thực hiện tháng 3 đạt 2.936 tỷ đồng, quý I năm 2015 đạt 5.973 tỷ đồng bằng 19,5% so kế hoạch năm và bằng 119,4% so cùng kỳ năm 2014.
- Nhập khẩu: Ước thực hiện tháng 3 đạt 6,3 triệu USD, quý I năm 2015 đạt 16 triệu USD, bằng 8,5% so với kế hoạch năm.
- Xuất khẩu: Ước thực hiện tháng 3 đạt 8,9 triệu USD, quý I năm 2015 đạt 32,7 triệu USD bằng 12,8% so với kế hoạch năm.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Báo cáo 21/BC-BXD.