Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị dự Hội nghị điều phối Vùng Đông Nam bộ

Thứ tư, 19/07/2023 14:55
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngày 18/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị điều phối Vùng Đông Nam Bộ với sự điều hành của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Hội đồng. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tham gia Hội nghị với tham luận “Giải pháp điều phối, xây dựng và phát triển các đô thị lớn trong Vùng Đông Nam Bộ trở thành các thành phố hiện đại mang tầm cỡ khu vực. Các nhiệm vụ triển khai hoạt động điều phối Vùng liên quan đến ngành Xây dựng trong 6 tháng cuối năm 2023”. Cổng Thông tin điện tử Bộ Xây dựng trân trọng chuyển tới bạn đọc bài tham luận của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề xuất nhiều vấn đề để Vùng Đông Nam Bộ phát triển bền vững.

Về phát triển đô thị trong Vùng

Trong bối cảnh phát triển của vùng Đông Nam Bộ giai đoạn hiện nay có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, phát triển đô thị luôn được coi là động lực phát triển kinh tế - xã hội của toàn Vùng. Theo đó, Nghị quyết 06 -NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ, và các Nghị quyết số 148/NQ-CP và 154/NQ-CP của Chính phủ triển khai hai Nghị quyết của Bộ Chính trị nêu trên đã xác định các chỉ tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ rất cụ thể đối với lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị. Trên cơ sở này, để điều phối xây dựng và phát triển các đô thị lớn trong Vùng Đông Nam bộ trở thành các thành phố hiện đại mang tầm cỡ khu vực, Bộ Xây dựng xác định một số nhiệm vụ giải pháp sau:

Về quy hoạch phát triển hệ thống đô thị Vùng Đông Nam bộ

Quy hoạch Vùng Đông Nam bộ, Quy hoạch Hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia và các quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị là cơ sở rất quan trọng để thực hiện điều phối, liên kết phát triển Vùng. Do đó, cần bám sát định hướng phát triển Vùng Đông Nam bộ với mô hình tập trung đa cực, đảm bảo sự thống nhất, cân bằng trong phát triển vùng và thích ứng với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Phát huy vai trò của các vùng đô thị lớn, đô thị lớn, trục hành lang kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm, hình thành các cực tăng trưởng quốc gia có tính cạnh tranh quốc tế, kết nối thuận lợi với các đô thị lớn trong khu vực và trên thế giới; phát triển bền vững về môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng.

Hạn chế mở rộng phát triển đô thị trên diện rộng, đặc biệt tại các khu vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tập trung đầu tư nâng cao chất lượng đô thị, cấu trúc đô thị hài hòa với cảnh quan tự nhiên, ưu tiên hình thành các vùng không gian xanh; duy trì và bảo vệ các vùng sinh thái, cảnh quan tự nhiên đặc trưng, nguồn nước, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và các hành lang xanh trong vùng. Trong đó, bảo tồn nghiêm ngặt các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và vùng cửa sông, đặc biệt là khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai… để bảo vệ nguồn nước, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.

Tập trung phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại và các công trình hạ tầng cấp vùng; trọng tâm là hệ thống giao thông đường bộ, mạng lưới đường sắt đô thị nội vùng nhằm tăng cường kết nối vùng đô thị trung tâm và các cực tăng trưởng.

Phát triển có trọng tâm, trọng điểm việc xây dựng hệ thống đô thị ven biển của vùng trở thành các trung tâm kinh tế trên địa bàn vùng, là các hạt nhân lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế của cả vùng và các vùng lân cận.

Các nội dung trên cần được cập nhật, cụ thể hóa trong quá trình lập các quy hoạch Quốc gia, quy hoạch Vùng và quy hoạch tỉnh, trong đó phải đặc biệt quan tâm định hướng phát triển một cách đúng đắn, rõ vai trò, rõ lợi thế cạnh tranh đối với từng loại đô thị:

Hệ thống đô thị trung tâm cấp vùng và cấp tỉnh (bao gồm cả đô thị tỉnh lỵ và các đô thị chuyên ngành) có vai trò tạo động lực trong vùng nhằm tăng cường sự liên kết và khai thác hiệu quả hệ thống đường vành đai 3 và 4 của Vùng Thành phố Hồ chí Minh và các trục, hành lang kinh tế gắn kết Thành phố Hồ Chí Minh - với Vũng Tàu, Bình Dương - Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh - Mộc Bài.

Hệ thống đô thị trong đô thị trung tâm và vệ tinh của vùng Thành phố Hồ Chí Minh; hệ thống đô thị thuộc các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu; Bình Phước; Tây Ninh.

Về chính sách phát triển nhà ở, công trình xã hội:

Nhu cầu nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội tại Vùng Đông Nam bộ là lớn nhất cả nước. Do đó, cần đưa các chỉ tiêu về phát triển nhà ở, trong đó có chỉ tiêu bắt buộc về phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hằng năm của các tỉnh trong vùng. Hình thành các đô thị gắn với phát triển các khu công nghiệp tại các tỉnh xung quanh Thành phố Hồ Chí Minh nhằm chia sẻ, giảm áp lực gia tăng dân số tại khu vực đô thị trung tâm Thành phố.

Nâng cấp, cải tạo, xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội hiện đại tại đô thị và mạng lưới cung cấp dịch vụ hạ tầng xã hội. Thực hiện lồng ghép các mục tiêu và định hướng phát triển hệ thống công trình dịch vụ hạ tầng xã hội và nguồn lực thực hiện vào quá trình lập và phê duyệt chương trình phát triển đô thị. Tiếp tục có chính sách khuyến khích, ưu đãi đặc biệt về thuế đối với các dự án cung cấp dịch vụ xã hội đô thị ở các khu kinh tế của khẩu, các vùng công nghiệp lớn.

Về đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, phát triển đô thị thông minh, hiện đại, quản lý đô thị:

Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng cần tăng cường kết nối dữ liệu số về quy hoạch đô thị, sử dụng đất đai, quản lý phát triển đô thị nhằm đẩy mạnh hợp tác, phát triển, hỗ trợ xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng đô thị vùng Đông Nam bộ, thực hiện đồng bộ các chính sách giải nén, giảm tải cho các đô thị lớn, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh vùng Đông Nam bộ.

Chú trọng đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật đầu mối, các dự án cấp nước, xử lý nước, rác thải liên vùng theo quy hoạch vùng. Đầu tư khép kín các đường vành đai, đường xuyên tâm, hệ thống giao thông công cộng đồng bộ.

Tại các đô thị cấp tỉnh, tập trung hoàn thiện các tiêu chuẩn đô thị về hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hóa cấp đô thị của các đô thị loại III trở lên nhằm chia sẻ các chức năng cấp vùng với Thành phố Hồ Chí Minh.

Các nhiệm vụ triển khai hoạt động điều phối Vùng liên quan đến ngành Xây dựng trong 6 tháng cuối năm 2023

Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 3101/BXD-QHKT ngày 17/7/2023 về việc chuẩn bị Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trong đó đã nêu cụ thể, chi tiết các nhiệm vụ ngành Xây dựng cần làm trong 6 tháng cuối năm 2023 để thúc đẩy điều phối vùng Đông Nam bộ. Một số nhiệm vụ chính là:

Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao để thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị về Vùng Đông Nam bộ, Thành phố Hồ Chí Minh, về quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Luật Xây dựng năm 2014 về lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng trong khuôn khổ dự án Luật sửa một số Luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư. Trong đó, trọng tâm xây dựng chính sách nhằm: Thu hút các dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, có khả năng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị hiện đại và các khu công nghiệp công nghệ cao. Nâng cao chất lượng đô thị; thực hiện đồng bộ các chính sách giảm tải cho các đô thị lớn, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh.

Tập trung xây dựng dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) theo đúng kế hoạch, trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2023).

Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định về thí điểm phân cấp và trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh theo nhiệm vụ được xác định tại Nghị quyết 98 của Quốc hội về các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Tổ chức lập, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đề xuất nguyên tắc tổ chức, phân bố đô thị, dân cư nông thôn; giải pháp liên kết phát triển giữa các đô thị, giữa phát triển đô thị và phát triển nông thôn; công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật có tính liên vùng, liên tỉnh có vai trò quan trọng đối với phát triển hệ thống đô thị và nông thôn tại vùng Đông Nam bộ.

Đôn đốc, hướng dẫn, điều phối lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch cấp Vùng, lập kế hoạch phát triển đô thị, phát triển nhà ở tại các tỉnh trong Vùng Đông Nam bộ.

Toàn cảnh Hội nghị.

Các đề xuất

Đề nghị quan tâm, dành nguồn lực thoả đáng trong công tác lập quy hoạch, tập trung hoàn thành phê duyệt quy hoạch Vùng Đông Nam bộ, quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng trong Vùng. Rà soát điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, quy hoạch xây dựng không còn phù hợp để đảm bảo yêu cầu đầu tư phát triển, thống nhất đồng bộ các cấp độ quy hoạch.

Đề nghị Chính phủ và các địa phương quan tâm, dành đủ nguồn lực đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, trong đó tập trung cho kết cấu hạ tầng giao thông, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải. Cân đối bố trí đủ nguồn lực đầu tư cho các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, đặc biệt là các công trình hạ tầng kỹ thuật trọng điểm tại các đô thị lớn.

Để đảm bảo mục tiêu của Đề án Phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030, các cấp chính quyền, địa phương phải căn cứ các nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể tại Đề án để triển khai lập, phê duyệt kế hoạch cho việc đầu tư các dự án nhà ở xã hội theo từng năm và theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030 đảm bảo nhu cầu của địa phương; quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; xây dựng các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng...rà soát, phối hợp với các Bộ ngành liên quan giải quyết các dự án còn gặp vướng mắc về pháp lý trong giai đoạn vừa qua nhằm giải phóng các nguồn lực này, đặc biệt là các dự án đã có đất sạch, có thể chuyển sang giai đoạn xây dựng được ngay, tạo nguồn cung cho thị trường.

Nguồn: Báo Xây dựng

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)