Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm việc với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Thứ sáu, 12/08/2016 17:20
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chiều ngày 12/8/2016, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng gặp mặt và làm việc với Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Đỗ Đức Duy, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam, đại diện các đơn vị trực thuộc Hiệp hội BĐS Việt Nam, đại diện một số Doanh nghiệp (DN) BĐS tiêu biểu; đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện chức năng Bộ Xây dựng. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà chủ trì Hội nghị.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị, thay mặt Hiệp hội BĐS Việt Nam, ông Nguyễn Trần Nam đã trình bày Báo cáo về hoạt động của Hiệp hội BĐS Việt Nam trong thời gian qua. Theo đó, cùng với sự phát triển của thị trường BĐS Việt Nam, các hoạt động của Hiệp hội được thể hiện qua công tác phản biện xã hội, các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, hoạt động kết nối, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển, góp phần định hướng phát triển thị trường bất động sản theo hướng lành mạnh, chuyên nghiệp. Trong giai đoạn vừa qua, Hiệp hội đã phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành trong việc hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các văn bản dưới luật như các Nghị định, Thông tư…liên quan đến thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đã tổ chức và đồng tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo để góp phần làm rõ chính sách cho thị trường BĐS, kiến nghị các vướng mắc của thị trường đối với các cơ quan quản lý Nhà nước.

Đánh giá về thị trường BĐS trong giai đoạn hiện nay, ông Nguyễn Trần Nam cho rằng trong 6 tháng đầu năm 2016, thị trường bất động sản đã phát triển một cách ổn định, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ như: cơ cấu hàng hóa có sự mất cân đối, thiếu vắng sản phẩm ở phân khúc giá trung bình và thấp; việc phát triển nhà ở xã hội có xu hướng chậm lại; phân khúc nhà ở cho thuê chưa có điều kiện phát triển; thông tin trên thị trường chưa thực sự đầy đủ, hệ thống và toàn diện; năng lực của phần lớn các chủ đầu tư còn yếu cả về tài chính, năng lực quản lý và triển khai các dự án…

Phát biểu tại Hội nghị, các ý kiến và kiến nghị của đại diện một số doanh nghiệp BĐS tiêu biểu như: Công ty CEO Group, Công ty BĐS Toàn cầu, Tập đoàn FLC, Công ty Hoàng Quân…cũng như của đại diện Hội BĐS Du lịch Việt Nam, Hiệp hội môi giới BĐS Việt Nam tập trung chủ yếu vào các vấn đề như: minh bạch thông tin thị trường BĐS; các Luật và văn bản ban hành liên quan đến BĐS và nhà ở còn chồng chéo, chưa thống nhất; việc hình thành thị trường vốn trung và dài hạn cho thị trường BĐS còn chậm; vấn đề thời gian, thủ tục cấp giấy phép xây dựng; nguồn vốn cho phát triển NƠXH; vấn đề bán nhà ở cho người nước ngoài; cải tạo chung cư cũ; bảo lãnh các dự án BĐS hình thành trong tương lai, vấn đề cung cấp VLXD cho các DA NƠXH...

Tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Đỗ Đức Duy đã giải đáp bước đầu những kiến nghị của các đại biểu và ghi nhận Bộ Xây dựng sẽ tiếp thu để bổ sung sửa đổi các Luật và các văn bản có liên quan đến nhà ở và bất động sản.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đánh giá cao các hoạt động tích cực, có hiệu quả của Hiệp hội BĐS Việt Nam trong vấn đề phát triển thị trường BĐS lành mạnh và bền vững, nhất là tư tưởng phản biện xã hội của Hiệp hội, sự tham gia đóng góp của Hiệp hội cho công tác quản lý nhà nước về nhà ở và thị trường BĐS của Bộ Xây dựng.

Toàn cảnh Hội nghị.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đánh giá thị trường BĐS trong nửa đầu năm 2006 khá tốt, duy trì xu hướng tăng trưởng và phát triển ổn định. Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, tuy thị trường BĐS trong nước chưa có hiệu bất thường, nhưng đã có sự lệch pha cao hơn về cung - cầu trong phân khúc nhà ở thương mại (NƠTM) và NƠXH, có khả năng cuối 2016, đầu 2017 có thể xảy ra thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, thiếu NƠXH vì hiện nay cung NƠXH rất thấp. Hiện cả nước có nhu cầu 10 triệu m2 NƠXH nhưng mới chỉ đáp ứng được 3 triệu m2.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết,hiện nay tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng cho thị trường BĐS vẫn trong giới hạn an toàn, nhưng các doanh nghiệp BĐS cần chú ý vấn đề này vì phần lớn tín dụng tập trung vào một số dự án BĐS cao cấp và một số nhà đầu tư nên nhiều khả năng sẽ tiềm ẩn rủi ro thanh khoản cung – cầu sản phẩm. Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng lưu ý các doanh nghiệp là trên thị trường đã có biểu hiện tăng giá sản phẩm BĐS do tác động của các nhà đầu tư thứ cấp, các sàn giao dịch BĐS, các cá nhân trung gian môi giới.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đề nghị các thành viên Hiệp hội BĐS VN và các doanh nghiệp chú ý bảo đảm các yếu tố cung – cầu sản phẩm; thanh khoản; phòng ngừa rủi ro; chủ động lường trước việc thắt chặt cung tín dụng đối với các sản phẩm BĐS cao cấp. Bộ trưởng đề nghị Hiệp hội BĐS VN cần chú trọng quan tâm đến thúc đẩy phát triển NƠXH để phục vụ cho nhu cầu của đại đa số người dân còn đang có mức thu nhập trung bình và thấp.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, trước tình hình phát triển thị trường BĐS VN hiện nay, Bộ Xây dựng đã đề ra 6 giải pháp cơ bản để kiểm soát tốt hơn thị trường BĐS, đó là: thực hiện việc minh bạch hóa thông tin thị trường BĐS; tăng cường công tác tập huấn, phổ biến, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực bất động sản; tiếp tục nghiên cứu và có một số cơ chế chính sách mới để phát triển thị trường BĐS; tăng cường, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước trong công tác quản lý thị trường BĐS, giảm thiểu thủ tục hành chính trong cấp phép xây dựng; đẩy mạnh phát triển NƠXH để giải quyết bài toán lệch pha cung - cầu sản phẩm BĐS, vấn đề giải quyết NƠXH cho người thu nhập thấp phải được coi là trụ cột trong chính sách an sinh xã hội; thực hiện tốt Luật pháp và các quy định để đảm bảo lợi ích cho các bên tham gia thị trường BĐS; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thị trường BĐS nhưng không làm cản trở hoạt động của các DN, chấm dứt sự chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà  mong muốn các doanh nghiệp BĐS ngoài việc gửi những ý kiến đóng góp, kiến nghị bằng văn bản về Bộ Xây dựng thì có thể gửi ý kiến trực tiếp đến Bộ trưởng để công tác chỉ đạo, điều hành được nhanh chóng và kịp thời hơn./.


Ninh Hạnh

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)