Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Trịnh Định Dũng khẳng định: Công tác phát triển đô thị luôn được xác định là một trong những lĩnh vực hoạt động trọng tâm của ngành xây dựng. Tính đến tháng 10/2015, Việt Nam đã có 788 đô thị với tỷ lệ đô thị hoá đạt 35,2%. Diện mạo đô thị có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, qua đó đã tạo dựng được những không gian đô thị mới, từng bước đáp ứng nhu cầu về môi trường sống và làm việc có chất lượng.
Bộ trưởng cho rằng, TPHCM là đô thị đặc biệt của cả nước và cũng là một trong những đô thị lớn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thời gian qua, thành phố luôn khẳng định được vị trí, vai trò là đô thị hạt nhân, đầu tàu, chủ đạo của vùng và khu vực, đóng góp tích cực vào quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư xây dựng, ngày càng hình thành rõ nét đô thị văn minh, hiện đại. Không gian đô thị không ngừng được mở rộng. Nhiều công trình được chỉnh trang, xây dựng mới có quy mô hiện đại, đáp ứng được yêu cầu mỹ quan, thân thiện môi trường.
Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng cao. Thành phố cũng là đô thị đi đầu trong cả nước thí điểm chính quyền đô thị, tập trung có trọng điểm và trọng tâm xây dựng các khu đô thị mới hiện đại văn minh xứng tầm khu vực (như khu đô thị mới Thủ Thiêm, Phú Mỹ Hưng...), các dự án cải tạo đô thị và môi trường (như dự án Kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè...), các dự án khai thác thế mạnh và tiềm năng không gian ngầm; đặc biệt chú trọng phát triển nhà ở xã hội, từng bước xóa các khu nhà ổ chuột. Đây là những kết quả rất đáng tự hào.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã làm được của thành phố thì chính tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng do xu hướng tập trung hóa đo thị đã khiến thành phố phải đối mặt với nhiều thách thức về quản lý đô thị.
“Việc gia tăng ùn tắc giao thông, tai nạn do cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và dịch vụ giao thông công cộng thiếu, không đáp ứng đủ nhu cầu dân cư đông đúc. Tình trạng úng ngập nước, ô nhiễm môi trường diễn ra ngày càng nghiêm trọng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; hệ thống hạ tầng xã hội, nhà ở chưa đáp ứng nhu cầu. Trên quan điểm khoa học, để phát triển một cách có hiệu quả và giảm thiểu các rủi ro, việc phát triển thành phố cần có sự liên kết phát triển trong vùng TPHCM do đây là khu vực có tầm quan trọng đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội, giao thương quốc tế và đảm bảo an ninh - quốc phòng ở nước ta”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, thời gian qua, để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển bền vững các đô thị Việt Nam, đặc biệt là các đô thị lớn, Bộ Xây dựng đã tập trung xây dựng đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị như Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Nghị định 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị...
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đang tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các định hướng, Chương trình do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Định hướng Phát triển hệ thống đô thị Quốc gia đến năm 2020, Chương trình phát triển đô thị quốc giai đoạn 2012 – 2020, Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia đến năm 2020 và Đề án Phát triển đô thị Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu...
Bộ Xây dựng đã và đang phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với UBND TPHCM và các tỉnh trong vùng tập trung hoàn thiện Quy hoạch xây dựng vùng TPHCM làm cơ sở xây dựng những định hướng lớn cho việc phát triển toàn diện vùng thành phố. Việc phát triển có tính liên kết thông qua kết nối hệ thống hạ tầng, chia sẻ tiềm năng và lợi thế sẽ góp phần tạo ra các động lực tương hỗ, tạo nền tảng tốt cho mục tiêu phát triển bền vững của cả khu vực.
Bộ trưởng mong muốn thành phố tập trung thực hiện nhiều vấn đề trọng tâm trong quản lý quy hoạch - kiến trúc. “Thành phố cần làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch; tập trung chỉ đạo và có những giải pháp đủ mạnh để huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước; đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông. Giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông, úng ngập nước; kết nối hạ tầng các tỉnh, thành phố trong vùng; tăng cường quản lý và bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng, hạn chế tác hại biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tổ chức lại đời sống dân cư đồng thời với việc quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu đô thị vệ tinh theo hướng văn minh, hiện đại; tập trung phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo.
Qua hội thảo này, Bộ trưởng đánh giá cao sáng kiến hợp tác giữa UBND TPHCM và Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam trong việc tổ chức Hội thảo chuyên đề “Quản lý Quy hoạch - kiến trúc TPHCM” đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Đô thị Việt Nam 8/11.
“Với nhiều chủ đề có ý nghĩa, liên quan đến phát triển thành phố cả trước mắt và lâu dài sẽ là những đóng góp thiết thực cho việc làm sâu sắc thêm các luận cứ, cơ sở khoa học phục vụ việc phát triển toàn diện TPHCM nói riêng và vùng TPHCM nói chung, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố đến năm 2020 và Nghị quyết Đại hội đại biểu đảng bộ thành phố lần thứ X”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ của Hội thảo, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp xây dựng cho các cá nhân là lãnh đạo UBND TPHCM qua các thời kỳ.
Thanh Nhân