Ngày 5/11/2015 tại Bộ Xây dựng đã diễn ra cuộc họp của Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc Dự án “Đầu tư xây dựng Trường Đại học Khoa học tự nhiên (QG-HN07)” – xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. ThS. Nguyễn Công Thịnh – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ & Môi trường (Bộ Xây dựng) được ủy quyền chủ trì cuộc họp thẩm định.
Theo Quyết định số 1110/QĐ-BXD ngày 30/9/2013 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ xem xét, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án QG-HN07, chịu trách nhiệm về các kết quả thẩm định và báo cáo Lãnh đạo Bộ trước khi phê duyệt.
Tại cuộc họp, đại diện Chủ đầu tư (Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội) và đại diện đơn vị tư vấn (Công ty TNHH Tư vấn & chuyển giao công nghệ môi trường Thăng Long) đã mô tả tóm tắt Dự án và các nội dung Báo cáo. Theo đó, Dự án có diện tích quy hoạch 651 nghìn m2 nằm ở phía Nam trong Quy hoạch tổng thể xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc; phía bắc giáp khu Trung tâm Đại học Quốc gia; phía đông và phía nam giáp các Viện, Trung tâm nghiên cứu khoa học và khu ký túc xá sinh viên; phía tây giáp Trường Đại học Quốc tế. Mục tiêu của Dự án nhằm xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và khớp nối đồng bộ, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khu vực Dự án. Thông qua việc đánh giá các điều kiện môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội trong phạm vi quy hoạch, với phân kỳ cho từng giai đoạn cụ thể (giai đoạn chuẩn bị Dự án, giai đoạn thi công xây dựng, giai đoạn hoạt động); trong Báo cáo, tư vấn cũng đưa ra các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực và phòng ngừa, ứng phó với các rủi ro, sự cố của Dự án theo các phân kỳ (các biện pháp giảm thiểu liên quan đến chất thải như bụi và khí thải, chất thải rắn; các biện pháp giảm thiểu không liên quan đến chất thải như tiếng ồn, độ rung, giao thông, an ninh trật tự khu vực, các rủi ro đối với hệ thống đường ống cấp thoát nước, tác động cộng hưởng của Dự án đối với các Dự án thành phần trong giai đoạn hoạt động…). Trong Báo cáo, tư vấn cũng đề xuất chương trình quản lý và giám sát môi trường, đưa ra những cam kết tích cực cho từng phân kỳ của Dự án.
Qua nhận xét và ý kiến phản biện của các thành viên Hội đồng từ các Sở ngành liên quan, ThS. Nguyễn Công Thịnh đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa Chủ đầu tư và đơn vị tư vấn trong việc hoàn thành các nội dung, và nhất trí thông qua Báo cáo. Tuy nhiên, để Báo cáo có tính thuyết phục cao, Chủ đầu tư cần chỉ đạo tư vấn nhanh chóng tiếp thu các ý kiến của Hội đồng, bổ sung vào Báo cáo các văn bản quy định của thành phố Hà Nội; bổ sung một số sơ đồ, biểu đồ; làm rõ hơn cơ sở các tính toán, các phương pháp tính toán và một số thông tin trong Báo cáo. Hội đồng thẩm định trên cơ sở đó sẽ trình Lãnh đạo Bộ Xây dựng xem xét, phê duyệt, sớm đưa Dự án vào thực hiện./.
Lệ Minh