Chiều 11/6, trong chương trình thực hiện công tác kiểm tra, rà soát phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai trên cả nước năm 2022 của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng - Ủy viên Ban chỉ đạo, làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) thành phố Hải Phòng.
Thành viên Đoàn bao gồm các đơn vị Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Xây dựng và Vụ Đê điều - Tổng cục Phòng, chống thiên tai; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng - Ủy viên Ban chỉ đạo, làm Trưởng đoàn làm việc với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Hải Phòng.
Làm việc với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Hải Phòng, Đoàn công tác tập trung trao đổi về: Công tác thực hiện pháp luật liên quan đến phòng, chống thiên tai; Công tác kiện toàn, phân công nhiệm vụ của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN và Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp năm 2022; Công tác xây dựng và triển khai kế hoạch PCTT cho giai đoạn 2021-2025, kế hoạch PCTT năm 2022.
Bên cạnh đó, là trao đổi công tác xây dựng và triển khai thực hiện phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai theo Sổ tay hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định số 02/QĐ-TWPCTT ngày 18/02/2020 của Trưởng Ban Chỉ đạo. Công tác khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai, kết quả đạt được, những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực tế, đặc biệt là triển khai kinh phí hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai từ nguồn dự phòng ngân sách được Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ và giải pháp khắc phục; công tác bố trí chỗ ở phục vụ di dời tái định cư vùng thiên tai…
Kết quả thực hiện phương châm 4 tại chỗ tại các địa phương, đặc biệt là xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích PCTT cấp xã theo Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 09/7/2021 và triển khai thực hiện nội dung tiêu chí 3.2 “Đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng, chống thiên tai tại chỗ” trong xây dựng nông thôn mới…
Đoàn cũng trao đổi về công tác PCTT ở khu vực đô thị và điểm dân cư nông thôn; đối với các công trình xây dựng, đặc biệt các công trình có tác dụng PCTT, công trình dân dụng, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, công trình dạng tháp, công trình đang thi công xây dựng. Công tác PCTT đối với các loại hình thiên tai mới xuất hiện như: lốc xoáy, giông sét...
Đoàn công tác thị sát một số địa điểm xung yếu trong PCTT tại Hải Phòng.
Hải Phòng là thành phố ven biển, thường xuyên chịu ảnh hưởng của các yếu tố thiên tai, bão, lũ, triều cường, mưa lớn, thời tiết nguy hiểm trên biển và các hệ quả thiên tai như sóng, nước dâng do bão, ngập lụt, bồi lắng, xói lở, xâm nhập mặt… gây ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Hàng năm, trung bình Hải Phòng chịu ảnh hưởng 3-5 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, trong đó, có 1-2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ trực tiếp. Các sông khu vực Hải Phòng chịu ảnh hưởng của lũ thượng nguồn, mưa lớn; triều cường, sóng lớn và nước dâng do bão.
Báo cáo với Đoàn công tác, đại diện Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Hải Phòng cho biết: Thành phố rất chủ động trong việc thực hiện công tác PCTT&TKCN trên địa bàn, như: Phương án huy động nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ, tổ chức thực hiện tốt công tác phòng ngừa trước mùa bão lũ và trong ứng phó các tình huống thiên tai. Thực hiện nghiêm túc công tác sơ tán dân ở khu vực nguy hiểm. Thực hiện tốt công tác di chuyển, bố trí neo đậu tàu thuyền thủy sản khi có bão. Bố trí tái định cư cho nhân dân vùng ảnh hưởng thiên tai. Phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ thực hiện có hiệu quả hoạt động tìm kiếm cứu nạn người và phương tiện gặp sự cố trên biển. Công tác dự báo, cảnh báo bão và thời tiết nguy hiểm đã từng bước được tăng cường về chất lượng và tần suất thông tin.
Toàn thành phố đã xây dựng 36 phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu. Đến nay, có 217/217 xã, phường, thị trấn thành lập và củng cố Đội xung kích phòng chống thiên tai. Các quận, huyện đã tổ chức kiện toàn bộ máy tổ chức, rà soát quy chế hoạt động. Kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, các ngành…
Trong công tác phòng chống thiên tai ngành Xây dựng, Sở Xây dựng Hải Phòng đã xây dựng, cập nhật, bổ sung phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro và kế hoạch PCTT&TKCN năm 2022 của Ngành… Hàng năm, Sở đã thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, nâng cấp đầu tư các công trình điện chiếu sáng công cộng; công viên cây xanh; cấp thoát nước. Trước mùa mưa bão, chỉ đạo các đơn vị cắt tỉa cây xanh đô thị, kiểm tra hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống cấp thoát nước… Hiện nay, Sở Xây dựng đang hoàn thiện Dự thảo trình UBND thành phố ban hành Kịch bản ứng phó với tình huống mưa to trên diện rộng, kéo dài kết hợp với triều cường trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Sở cũng xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống thiên tai đối với các công trình dạng tháp, công trình đang thi công xây dựng…
Tuy vậy, vẫn còn những bất cập về đội ngũ nhân lực làm công tác PCTT cấp tỉnh, huyện, xã. Nguồn lực tài chính, vật tư, phương tiện cho PCTT&TKCN còn hạn chế. Hệ thống đê điều của thành phố còn nhiều vị trí xung yếu chưa đảm bảo an toàn phòng chống lụt bão. Trên bờ biển Hải Phòng thường xuyên có 6.000 tàu thuyền thủy sản hoạt động, đồng thời là cảng biển chính của khu vực phía Bắc có lưu lượng tàu thuyền lớn, thường xuyên xảy ra sự cố tai nạn trên biển…
Do đó, Ban chỉ huy PCTT và TKCN thành phố kiến nghị Ban chỉ đạo quốc gia về PCTT, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN các Bộ, ngành Trung ương quan tâm: Ban hành hướng dẫn về tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách làm công tác PCTT các cấp địa phương. Đầu tư xây dựng Trung tâm tìm kiếm cứu nạn tại đảo Bạch Long Vỹ. Đầu tư kinh phí xây dựng, nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển và các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão…
Ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Hải Phòng cho biết: Những năm gần đây, công tác PCTT của Hải Phòng được triển khai rất tốt. Trong kế hoạch, từ 2022-2025, Hải Phòng sẽ rà soát các điểm cấp thoát nước trên địa bàn, chỉ ra những điểm đen để xử lý nhằm đảm bảo trong mùa mưa bão, triều cường. Tổ chức diễn tập tìm kiếm cứu nạn trên biển với những phương tiện hiện đại. Các nội dung khác liên quan đến “Bốn tại chỗ” cũng đang được triển khai tích cực.
Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Hải Phòng tiếp thu ý kiến trao đổi của Đoàn công tác và đưa ra các kiến nghị đến Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai để thực hiện tốt công tác PCTT&TKCN trong mùa mưa bão diễn biến ngày một phức tạp.
Đầu tư kinh phí xây dựng, nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển là yêu cầu cấp thiết.
Sau buổi làm việc, Đoàn công tác đã kiểm tra thực địa công trình Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm; xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ và đường dẫn và xây dựng đường đê tả sông Cấm và một số vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão của Hải Phòng.
Trước đó, ngày 10/6, thực hiện nội dung kiểm tra theo phân công, Đoàn công tác đã có buổi làm việc với Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Thành phố Hà Nội và kiểm tra thực địa công trình Trạm bơm Yên Sở (phố Nguyễn Khoái, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội).