Cùng tham dự có Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự và lãnh đạo các cục, vụ liên quan thuộc Bộ Xây dựng.
Tại đây, đại diện đơn vị tư vấn đã trình bày về nội dung của 2 đồ án. Theo đó, đồ án QHVT Hà Tĩnh giai đoạn 2030, tầm nhìn 2050 đã tập trung đánh giá tổng hợp thực trạng và nguồn lực, đưa ra tiền đề phát triển, định hướng phát triển không gian, hạ tầng…
Với tầm nhìn vùng tỉnh Hà Tĩnh sẽ là trung tâm kinh tế biển, cửa khẩu thịnh vượng và là một vùng có môi trường đầu tư, môi trường sống cao của vùng Bắc Trung Bộ, đơn vị tư vấn lập đồ án đưa ra chiến lược vùng này sẽ trở thành vùng công nghiệp, du lịch và các đô thị mới; chiến lược hợp tác với các đô thị và nông thôn.
QHVT định hướng phát triển không gian chia làm 3 vùng rõ ràng là vùng đồng bằng ven biển (với tuyến hành lang chính là QL1A, đường bộ, đường sắt cao tốc, quốc lộ ven biển); vùng đồng bằng và một phần vùng núi phía Bắc với hành lang tuyến chính là QL8 xuyên Á; vùng miền núi phía Tây với hành lang tuyến chính là đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc Nam…
Còn với đồ án Điều chỉnh QHC TP Hà Tĩnh và vùng phụ cận đến 2030, tầm nhìn 2050, đơn vị tư vấn đưa ra 9 lý do và mục tiêu điều chỉnh QHC.
Tư vấn nhấn mạnh: Đồ án cũ chưa xác định được tầm nhìn dài hạn và tính hợp lý của các cụm công nghiệp trong TP; chưa đề xuất được quy hoạch không gian cảnh quan kết hợp phát triển du lịch. Các xu hướng mới phát triển đô thị như đô thị xanh, đô thị thông minh… cần phải được cập nhật. Do vậy, việc điều chỉnh QHC là hợp lý để khẳng định vị thế mới của Hà Tĩnh khi trở thành đô thị loại II và đô thị trung tâm cấp vùng.
Góp ý với nội dung của 2 đồ án này, các ý kiến cho rằng đồ án đã nghiên cứu công phu, có những bước tiến tốt, bám sát nhiệm vụ đặt ra. Phương pháp tiếp cận, cách đặt vấn đề đồ án QHVT rất tốt, bám sát quy hoạch được duyệt về diện tích, dân số, đất đai, hạ tầng khung… và đã lồng ghép được phát triển đô thị xanh trong quy hoạch này.
Đối với đồ án QHC TP Hà Tĩnh, nội dung đề xuất khá thỏa đáng về cấu trúc, hướng phát triển, điều chỉnh chức năng đô thị. Tuy nhiên, cả 2 đồ án vẫn cần tìm ra tính chất đặc trưng nhất của vùng tỉnh để tạo nét riêng cho Hà Tĩnh.
Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn lưu ý: Đồ án cần nêu bật được những lợi thế của Hà Tĩnh, tạo được mô hình đô thị đặc trưng, làm rõ nguồn vốn đầu tư; tập trung phát triển những công trình cần thiết như trường học, bệnh xá, trung tâm văn hóa - thể thao…
Bên cạnh đó, với nguồn lực lao động mạnh, Hà Tĩnh cần hình thành trung tâm đào tạo nhân lực để cung cấp cho các vùng lân cận. Đặc biệt, lợi thế du lịch biển, làng nghề sẽ giúp Hà Tĩnh phát triển nếu biết quy hoạch tốt vào lĩnh vực này.
Thứ trưởng đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh và đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh đồ án để sớm trình Hội đồng thẩm định.
Theo : Báo Xây dựng điện tử