Viện Vật liệu Xây dựng kỷ niệm 45 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất

Thứ tư, 05/11/2014 11:57
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chiều ngày 4/11 tại Hà Nội, Viện Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) đã long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 45 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đến dự và trao Huân chương cho tập thể cán bộ, viên chức Viện Vật liệu Xây dựng.

PGS.TS Lương Đức Long - Viện trưởng đọc diễn văn kỷ niệm 45 năm thành lập Viện VLXD

Tới dự và chia vui với cán bộ, viên chức của Viện VLXD có ông Cao Lại Quang – Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng; ông Nguyễn Trần Nam – Thứ trưởng Bộ Xây dựng; ông Nguyễn Văn Bình – Chủ tịch Công đoàn XDVN và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các viện nghiên cứu, các cơ quan doanh nghiệp là đối tác của Viện VLXD; lãnh đạo Bộ Xây dựng và Viện VLXD qua các thời kỳ và toàn thể cán bộ, viên chức của Viện VLXD.

Tại buổi Lễ, ông Lương Đức Long – Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng đã có bài diễn văn khai mạc và ôn lại truyền thống 45 năm xây dựng và trưởng thành của Viện.

Theo đó, Viện VLXD - tiền thân là Viện Khoa học kỹ thuật và thiết kế Silicat (gọi tắt là Viện Silicat) được thành lập ngày 4/11/1969, nhằm đáp ứng nhu cầu bức bách về vật liệu xây dựng trong thời kỳ chiến tranh lúc bấy giờ. Viện đã nghiên cứu, thiết kế công nghệ sản xuất ngói xi măng, chế tạo gạch chịu a xít phục vụ cho việc xây dựng các nhà máy: Hóa chất Việt Trì, Supe phốt phát Lâm Thao, Đạm Hà Bắc, Dệt Nam Định, Dệt 8-3; nghiên cứu chế tạo sứ cách điện cao tần phục vụ cho ngành điện lực, nghiên cứu công nghệ sản xuất và thiết bị xây dựng nhà máy gạch chịu lửa Tam Tầng - cơ sở sản xuất gạch chịu lửa đầu tiên ở nước ta.
 

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Viện VLXD
 

Ngày 16/01/1974, Viện Silicat được bổ sung thêm cán bộ và đổi tên thành Viện VLXD. Trong giai đoạn từ 1974-1993, Viện đã có những thay đổi về cơ cấu tổ chức, phát triển lực lượng. Viện triển khai nhiều hoạt động phục vụ công tác quản lý nhà nước: nghiên cứu đánh giá tiềm năng và quy hoạch sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản làm VLXD; lập quy hoạch VLXD cho các huyện điểm để thực hiện chương trình xây dựng 600 huyện trong cả nước thành 600 pháo đài của chủ nghĩa xã hội; xây dựng quy hoạch tổng thể ngành công nghiệp VLXD Việt Nam và quy hoạch VLXD cho các vùng kinh tế, các tỉnh, thành phố. Các hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ tiêu biểu trong giai đoạn này là: triển khai các chương trình cấp nhà nước về VLXD; nghiên cứu khôi phục các cơ sở sản xuất VLXD ở miền Nam sau giải phóng; nghiên cứu đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp sản xuất VLXD ở miền Bắc: công nghệ sản xuất gạch tuy-nen; công nghệ sử dụng đất đồi, đất nhiễm phèn, nhiễm mặn để sản xuất gạch; nghiên cứu sản xuất men và màu cho gạch gốm ốp lát, sứ vệ sinh; nghiên cứu công nghệ sản xuất gạch chịu lửa kiềm tính, gạch chịu lửa cao nhôm, công nghệ sản xuất kính màu, kính chống nắng, thủy tinh cách điện; công nghệ sản xuất xi măng trắng, xi măng giếng khoan dầu khí, sản xuất các loại vật liệu hữu cơ, phụ gia hóa học cho bê tông; thiết kế, xây dựng nhiều nhà máy sản xuất VLXD trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Viện cũng mở rộng quan hệ hợp tác nghiên cứu với nước ngoài (Liên Xô, Ấn Độ, Cu-ba), cử cán bộ giúp Lào, Cam-pu-chia trong việc lập quy hoạch phát triển ngành VLXD, thiết kế và vận hành một số nhà máy xi măng.

Giai đoạn từ 1994-2004 là giai đoạn chuyển mình vươn lên mạnh mẽ của các ngành công nghiệp trong cả nước, trong đó có ngành VLXD. Ngay từ 1998, Viện đã triển khai nghiên cứu lập quy hoạch tổng thể phát triển VLXD Việt Nam và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 01/8/2001. Đây là quy hoạch tổng thể đầu tiên của ngành VLXD được Thủ tướng phê duyệt và là cơ sở pháp lý cho việc thống nhất quản lý nhà nước theo ngành trên tầm vĩ mô và là cơ sở để điều chỉnh quy hoạch các vùng lãnh thổ và các tỉnh, thành phố, giúp các doanh nghiệp sản xuất VLXD có kế hoạch đầu tư sản xuất.

Trong 10 năm trở lại đây, thị trường VLXD có những bước chuyển biến mới, đột phá về chất lượng, chủng loại, mẫu mã và sản lượng tiêu thụ. Nhu cầu thị trường là yếu tố quan trọng thúc đẩy ngành công nghiệp VLXD phát triển bùng nổ. Trong giai đoạn này, tốc độ đầu tư mở rộng sản xuất của hầu hết các loại VLXD đều rất lớn. Tổng công suất thiết kế của nhiều loại VLXD của Việt Nam đã đứng trong tốp 10 thế giới, ví dụ như: xi măng, kính xây dựng, gạch ốp lát. Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, các hoạt động của Viện VLXD đã có nhiều đổi mới về chất và lượng. Đối với công tác quy hoạch, thay vì xây dựng phương án dựa trên lợi thế về tài nguyên khoáng sản là chính thì các phương án quy hoạch hiện nay đã được xây dựng dựa trên lợi thế cạnh tranh. Ngoài quy hoạch tổng thể phát triển xi măng và quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm VLXD, gần đây, Viện đã được giao làm các quy hoạch về phát triển các VLXD khác như quy hoạch tổng thể phát triển gạch gốm, đá ốp lát, sản xuất vôi.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành VLXD, Viện VLXD đã kịp thời biên soạn các giáo trình đào tạo cán bộ kỹ thuật, công nhân vận hành, tổ chức đào tạo cán bộ kỹ thuật và công nhân cho nhiều nhà máy xi măng, nhà máy sản xuất gốm, sứ xây dựng. Nhiều sản phẩm VLXD mới được Viện nghiên cứu và chuyển giao công nghệ đã đi vào cuộc sống, góp phần làm phong phú chủng loại sản phẩm VLXD và giảm nhập khẩu.

Trải qua 45 năm xây dựng và trưởng thành, Viện VLXD đã phát triển thành một viện nghiên cứu đầu ngành về lĩnh vực VLXD. Những đóng góp của Viện trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Xây dựng và các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể Trung ương, các địa phương đánh giá cao và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động các hạng Nhất, Nhì, Ba; Bằng khen, Cờ thi đua của Chính phủ, Bộ Xây dựng, Công đoàn XDVN… Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập, Viện VLXD đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất./.
 

Minh Tuấn
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)