Trình bày lý do và sự cần thiết lập Đề án, đại diện UBND thành phố Bắc Giang, ông Đỗ Xuân Huấn, đã nêu rõ: Thành phố Bắc Giang là thành phố tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Bắc Giang; là đô thị hạt nhân trong hệ thống các đô thị của tỉnh, cũng như trong tổng hệ thống các đô thị của toàn quốc. Với vị trí thuận lợi về giao thông (cách Thủ đô Hà Nội 50 km về phía Bắc, vị trí trung lộ trên tuyến giao thông huyết mạch nối Thủ đô Hà Nội và thành phố Lạng Sơn và cửa khẩu Đồng Đăng), những năm qua, Thành phố Bắc Giang đã từng bước xây dựng để trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ của Tỉnh và khu vực miền núi, trung du phía Bắc, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của toàn khu vực. Sau 10 năm (kể từ khi được công nhận là đô thị loại III năm 2003) đầu tư xây dựng và phát triển, dưới sự quan tâm của Trung ương và sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Thành phố Bắc Giang đã có những bước tăng trưởng và đạt được những thành tựu đáng kể về kinh tế, văn hóa - xã hội, công tác quy hoạch xây dựng phát triển mạnh, các khu dân cư được sắp xếp lại, ổn định các khu tái định cư, kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư đồng bộ. Về chức năng đô thị, Thành phố Bắc Giang tự đánh giá đạt 12,45/15 điểm, trong đó chỉ tiêu về vị trí và tính chất của đô thị đạt 4/5 điểm, chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đạt 8,45/10 điểm với các tiêu chí tổng thu ngân sách trên địa bàn Thành phố năm 2013 đạt 695,49 tỉ đồng, cân đối thu chi ngân sách năm 2031 dư, thu nhập bình quân đầu người năm 2013 bằng 1,45 lần so với cả nước, mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất là 17,1%, tỉ lệ hộ nghèo toàn Thành phố năm 2013 là 1,5%. Tỉ lệ dân số khu vực nội thành được cấp nước sạch là 96,93%; tỉ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý đạt 65%; 100% các cơ sở sản xuất mới được xây dựng có trạm xử lý nước thải... Như vậy, về cơ bản, Thành phố Bắc Giang đã đạt và vượt các tiêu chí của đô thị loại II, căn cứ theo Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 7/5/2009 của Chính phủ về việc Phân loại đô thị và Thông tư số 34/2009/TT-BXD ngày 30/9/2009 của Bộ Xây dựng về việc Quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định 42/2009/NĐ-CP. Việc công nhận Thành phố Bắc Giang là đô thị loại II hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển đô thị quốc gia, tạo cho đô thị Bắc Giang thế và lực mới trong xu thế hội nhập, góp phần tác động đến sự phát triển của Tỉnh và Vùng Thủ đô Hà Nội.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, ông Dương Văn Thái, phát biểu tại Hội nghị
Báo cáo thẩm định của Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) đánh giá cao những kết quả mà Thành phố Bắc Giang đã đạt được kể từ khi được công nhận là đô thị loại III (năm 2003) đến nay. Trong quá trình phấn đấu trở thành đô thị loại II, thành phố Bắc Giang đã đạt và vượt 32 chỉ tiêu, đặc biệt là các chỉ tiêu về kinh tế xã hội, nhà ở, đất xây dựng công trình công cộng, xử lý nước thải, chất thải rắn khu vực nội thành... Báo cáo phản biện của Bộ Nội vụ khẳng định nhìn chung Thành phố Bắc Giang đã đạt được các tiêu chuẩn của đô thị loại II, tuy nhiên, cần quan tâm đẩy nhanh các dự án chỉnh trang đô thị, thu hút vốn đầu tư, đảm bảo trật tự đô thị và vệ sinh môi trường. Các thành viên Hội đồng đã thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến xác đáng để UBND Thành phố Bắc Giang khắc phục một số chỉ tiêu chưa đạt so với tiêu chuẩn đô thị loại II như dân số toàn đô thị, số nhà tang lễ khu vực nội thành, hệ thống đường giao thông.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh nhất trí với toàn thể Hội đồng, công nhận Thành phố Bắc Giang là đô thị loại II với số điểm trung bình là 86,5 điểm. Thứ trưởng đặc biệt ghi nhận thành tích ấn tượng của Thành phố Bắc Giang trong vấn đề cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, và xây dựng trạm xử lý nước thải; và nhấn mạnh việc công nhận thành phố Bắc Giang là đô thị loại II là sự ghi nhận đối với những thành quả mà chính quyền và nhân dân Thành phố Bắc Giang nói riêng và toàn tỉnh Bắc Giang nói chung đã đạt được trong 10 năm qua, là động lực và cũng là thách thức để Thành phố phát triển hơn nữa, xứng đáng với lịch sử lâu đời của vùng đất nằm kề bên dòng sông Thương.
Thu Huyền