Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng kế hoạch hành động biến đổi khí hậu cho các thành phố tại Việt Nam, đặc biệt là xây dựng mô hình tại 3 đô thị điển hình là Quy Nhơn, Huế và Lào Cai.
Đây là chương trình khá mới mẻ tại Việt Nam, giúp cho các nhà quản lý hiểu vấn đề liên quan tới khí hậu và thành phố. Đô thị là một đối tượng vô cùng quan trọng trong việc hứng chịu biến đổi khí hậu. Và Việt Nam là 1 trong 5 nước tại Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu. Nhằm ứng phó với tình trạng này, Đề án Phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2623/QĐ-TTg, ngày 31/12/2013.
Đề án được lập cho giai đoạn từ nay đến 2020, tầm nhìn sau năm 2020 được chia làm 3 giai đoạn:
Giai đoạn I: (từ 2013-2015), thực hiện tại 6 đô thị gồm Tp Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng và tỉnh Cà Mau.
Giai đoạn II: (từ 2016-2020), thực hiện cho 35 đô thị, trong đó có 24 đô thị thuộc 15 tỉnh vùng duyên hải Bắc bộ, duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long, 11 đô thị thuộc 10 tỉnh vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Giai đoạn III: sau 2020, thực hiện trên hệ thống đô thị ven biển, đồng bằng có nguy cơ ngập lụt và hệ thống các đô thị có nguy cơ cao chịu tác động của lũ quét, sạt lở đất tại các vùng miền núi phía Bắc, duyên hải ven biển miền Trung, Đông Nam bộ và Tây Nguyên.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Trần Thị Lan Anh - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị khẳng định: “Ứng phó biến đổi khí hậu là vấn đề sống còn trong phát triển đô thị. Để các đô thị Việt Nam có khả năng chống chịu, ứng phó với biến đổi khí hậu cần nguồn lực lớn và sự quan tâm của các cấp các ngành và toàn thể cộng đồng, đặc biệt kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế, giúp cho các đô thị Việt Nam phát triển bền vững”.
Theo : Báo Xây dựng điện tử