Hội đồng đã mời ông Đinh Quang Huy - Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng Việt Nam và TS. Nguyễn Quang Cung - Phó Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam tham gia phản biện dự án.
Báo cáo trước Hội đồng nghiệm thu, Chủ nhiệm Dự án Nguyễn Minh Quỳnh cho biết, công nghiệp gốm sứ xây dựng và đá ốp lát có vị trí và vai trò quan trọng trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, đồng thời đã và đang phát triển rất nhanh, với tổng công suất hiện nay khoảng 435 triệu m2 gạch gốm ốp lát, 14,7 triệu sản phẩm sứ vệ sinh và 13,7 triệu m2 đá ốp lát/năm
Qua khảo sát, nghiên cứu cơ sở sản xuất hiện nay trên cả nước cho thấy, các doanh nghiệp sản xuất gốm sứ xây dựng và đá ốp lát được hình thành và phát triển nhanh chóng tại nhiều địa phương trong cả nước, với nhiều hình thức sở hữu khác nhau. Cả nước có 82 cơ sở sản xuất gốm sứ ốp lát, tương ứng 201 dây chuyền, sứ vệ sinh có 27 cơ sở sản xuất, đá ốp lát có 206 tổ chức, cá nhân tham gia khai thác, chế biến đá ốp lát tự nhiên. Nhìn chung các dây chuyền sản xuất gạch gốm ốp lát và sứ vệ sinh đạt trình độ công nghệ tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới, riêng lĩnh vực đá ốp lát công nghệ khai thác và chế biến vẫn còn ở trình độ thấp. Do quá trình phát triển nhanh nên có tình trạng đầu tư tự phát, phân tán, quy mô nhỏ nên không tạo điều kiện cho việc tập trung chuyên môn hóa cao trong sản xuất, dẫn đến chi phí sản xuất cao, lãng phí tài nguyên và năng lượng, hiệu quả sản xuất thấp. Đặc biệt trong những năm gần đây, do khủng hoảng kinh tế và sự trầm lắng của thị trường bất động sản, nên hầu hết các cơ sở sản xuất không phát huy được công suất. Do đó, việc xây dựng quy hoạch sắp xếp và định hướng phát triển gốm sứ xây dựng và đá ốp lát Việt Nam đến năm 2020 là hết sức cần thiết.
Nhận xét về báo cáo tổng kết của Dự án, các chuyên gia phản biện và các thành viên Hội đồng cho rằng, báo cáo đã được soạn thảo công phu, khoa học, dựa trên các số liệu phong phú đã thu thập được đồng thời cho thấy được bức tranh tổng thể về lĩnh vực sản xuất gốm sứ xây dựng và đá ốp lát của Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, các chuyên gia phản biện và các thành viên của Hội đồng cũng đóng góp nhiều ý kiến để nhóm nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện báo cáo, trong đó có việc bổ sung các căn cứ pháp lý, phân tích rõ hiện trạng để chỉ ra những bất cập cần khắc phục, làm rõ các căn cứ tính toán để đưa ra dự báo nhu cầu về các sản phẩm gốm sứ xây dựng và đá ốp lát đến năm 2015 và 2020, đề xuất các giải pháp cho việc nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm sản xuất trong nước, khuyến khích phát triển các cơ sở chế biến nguyên liệu....
Thay mặt Hội đồng nghiệm thu, Chủ tịch Hội đồng - Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam đã đánh giá cao những nỗ lực của nhóm nghiên cứu, nhất trí với các ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng. Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng yêu cầu nhóm nhiên cứu phân tích kỹ hơn phần hiện trạng để làm nổi bật những điểm mạnh, điểm yếu và những bất cập trong lĩnh vực sản xuất gốm sứ xây dựng và đá ốp lát hiện nay, trong đó chú trọng đến các chỉ tiêu hiệu quả sản xuất, từ đó xây dựng các giải pháp phát huy thế mạnh, khắc phục điểm yếu một cách cụ thể và khả thi. Về các căn cứ để dự báo nhu cầu tiêu thụ gốm sứ xây dựng và đá ốp lát, nhóm nghiên cứu cần tham khảo thêm Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu các ý kiến của Hội đồng, chỉnh sửa báo cáo theo hướng ngắn gọn và súc tích hơn.
Dự án đã được Hội đồng nhất trí thông qua với kết quả xếp loại Khá./.
Minh Tuấn