Tiếp theo chuyến kiểm tra tại Đồng Nai, ngày 27/8, Đoàn công tác của Bộ Xây dựng kiểm tra việc cung cấp nước sạch, việc ứng cứu chống ngập, việc duy trì thu gom xử lý rác thải tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo của lãnh đạo Nhà máy nước Thủ Đức, nhà máy có công suất thiết kế 750.000 m3/ngày.
Số liệu ghi nhận được, tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ khoảng 2 triệu m3/ngày đêm, trong đó Sawaco cung cấp 90% lượng nước sạch tiêu thụ của thành phố, với tỷ lệ thất thoát 19%. Trong đó nhu cầu tiêu thụ nước sạch trong thời điểm giãn cách giảm 10 - 15%.
Theo báo cáo của lãnh đạo Nhà máy nước Thủ Đức, nhà máy có công suất thiết kế 750.000 m3/ngày, hiện đang duy trì hoạt động sản xuất 03 tại chỗ để cung cấp cho thành phố 650.000 m3/ngày đêm.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhà máy đã lập và triển khai phương án 03 tại chỗ từ giữa tháng 06/2021 đến nay cho bộ phận phân xưởng điều hành tại nhà máy.
Kiểm tra thực địa, Đoàn đã có đánh giá tốt về khả năng đáp ứng nhu cầu nước sạch của Sawaco. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Nam – Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng cho biết, ngoài việc thực hiện nguyên tắc 5K thì Sawaco cũng cần chủ động dự phòng các biện pháp ứng phó đối với các sự cố của mạng lưới truyền tải, đặc biệt là hệ thống cấp 2, 3 để đảm bảo cung cấp liên tục nước sạch phục vụ người dân.
Đoàn kiểm tra khu vực bố trí ăn ở cho nhân viên phải làm việc 3 tại chỗ của Nhà máy nước Thủ Đức.
Kiểm tra công tác phòng chống ngập tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn công tác ghi nhận sự chủ động của thành phố trong công tác chống ngập trước mùa mưa. Theo báo cáo của Trung tâm Chống ngập thành phố, hiện thành phố có 1.200 điểm thoát nước ra sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, để tăng cường, thành phố đã lắp đặt thêm 26 tổ máy bơm chống ngập, đã góp phần giải quyết 18 tuyến trục chính thường xuyên ngập do mưa lớn và 04 tuyến ngập do triều. Sau khi kiểm tra tại các trạm bơm chống ngập, Đoàn lưu ý Trung tâm Chống ngập cần có phương án ứng cứu khi xảy ra ngập lụt.
Về vấn đề thu gom và xử lý rác thải, hiện Thành phố Hồ Chí Minh thải ra 8-10 ngàn tấn rác/ngày. Trong đó, rác thải y tế 120 tấn/ngày (tăng hơn 5 lần so với thời điểm trước giãn cách).
Đoàn kiểm tra tại bãi rác Đa Phước.
Theo lãnh đạo Công ty Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày dịch bệnh tăng mạnh, người lao động tại công ty cũng như các công ty trong lĩnh vực môi trường phải căng mình làm việc. Gần 2.000 công nhân của công ty vẫn ngày đêm tỏa vào các con hẻm nhỏ để thu gom rác thải mặc dù đang trong thời gian giãn cách, đã có 1 số công nhân bị dương tính với Covid-19.
Sau khi thực địa, Đoàn đánh giá cao và ghi nhận người lao động của Công ty Môi trường đô thị, mặc dù đang trong thời gian giãn cách nhưng công nhân vẫn ngày đêm để thu gom rác thải. Cạnh đó, việc thu gom và xử lý rác y tế bằng cách đốt trên 1.000 độ theo đúng quy định.
Công nhân đang phun khử khuẩn trước khi đốt rác thải y tế tại khu vực xử lý rác thải y tế của Công ty Xử lý bùn thải Sài Gòn Xanh.
Buổi chiều cùng ngày, Đoàn công tác đã làm việc với Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh. Theo báo cáo, hiện Thành phố Hồ Chí Minh có 17 bệnh viện dã chiến và 03 bệnh viện có chức năng điều trị cấp độ 3, đáp ứng khoảng 71.000 giường bệnh. Trong số này có 05 khu hồi sức cấp cứu. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang triển khai 04 bệnh viện hồi sức cấp cứu với khoảng 1.750 giường bệnh.
Đoàn đang làm việc với Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Quang Hùng đề nghị Sở Xây dựng cần làm tốt các vấn đề quản lý chuyên ngành, đặc biệt trong thời điểm hiện nay cần đảm bảo triển khai nhanh các bệnh viện dã chiến còn dang dở, các trạm cung cấp oxy cho các bệnh viện dã chiến. Thứ trưởng cũng lưu ý, việc duy trì đảm bảo cung cấp đầy đủ các dịch vụ, tiện ích hạ tầng kỹ thuật cho người dân của Thành phố Hồ Chí Minh là hết sức quan trọng trong bối cảnh giãn cách xã hội.
Về đề nghị của Sở Xây dựng cần có cơ chế tháo gỡ cho đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ công tác chống dịch theo lệnh khẩn cấp sử dụng vốn đầu tư công, Thứ trưởng Hùng ghi nhận và sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền sớm giải quyết việc này.