Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, thực hiện Nghị quyết số 23/2012/QH13 ngày 12/6/2012 của Quốc hội nhiệm kỳ thứ XIII về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, Quyết định số 1229/QĐ-TTg ngày 07/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, Pháp lệnh của Chính phủ thuộc Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2013 của Quốc hội, Bộ Xây dựng đã tổ chức xây dựng dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi, và Hội thảo này được tổ chức nhằm lấy ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh dự thảo Luật trước khi trình xin ý kiến Chính phủ và Quốc hội.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Luật Xây dựng năm 2003 và các văn bản hướng dẫn được ban hành đã tạo ra môi trường pháp lý thông thoáng trong lĩnh vực xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút các nguồn lực đầu tư của các thành phần kinh tế, trong đó có nguồn vốn đầu tư nước ngoài, góp phần tạo ra sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, qua 10 năm áp dụng Luật Xây dựng, bên cạnh những mặt tích cực, cũng cần rà soát, sửa đổi, bổ sung một số nội dung để hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật xây dựng phù hợp với thời kỳ mới.
Mục tiêu của việc sửa đổi Luật Xây dựng nhằm thống nhất với các Luật Quy hoạch đô thị, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Phòng cháy chữa cháy và các Luật khác liên quan ; Phù hợp với thông lệ quốc tế, với các Hiệp định mà Việt Nam đã ký kết tại WTO, ASEAN, APEC, Việt nam - Hoa kỳ,... Cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, hoạt động xây dựng; đồng thời tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong đầu tư xây dựng và hoạt động xây dựng. Tăng cường quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch xây dựng, kiến trúc, cảnh quan, đảm bảo chất lượng, an toàn. Riêng đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước phải được quản lý chặt chẽ hơn trong tất cả các giai đoạn.
Về quan điểm sửa đổi Luật Xây dựng, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, cần phải đổi mới về nội dung và phương thức quản lý hoạt động đầu tư xây dựng theo hướng với các nguồn vốn đầu tư khác nhau thì có cơ chế quản lý khác nhau. Đối với vốn nhà nước cần phải được quản lý chặt chẽ hơn nhằm giảm thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư thông qua việc tăng cường vai trò tiền kiểm của các cơ quan quản lý nhà nước; Chỉ sửa đổi những nội dung không còn phù hợp và những nội dung chồng lấn với các Luật khác; Đảm bảo quản lý xuyên suốt quá trình đầu tư xây dựng, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát của các cơ quan nhà nước; Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; Gắn kết quá trình đầu tư xây dựng với khai thác và sử dụng công trình....
Trong thời gian Hội thảo, có các đại biểu đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, Sở Xây dựng Hà Nội, Sở Xây dựng Lào Cai đã có các bài phát biểu tham luận và đóng góp nhiều ý kiến cho dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi. Thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã giải trình một số nội dung mà các đại biểu có ý kiến, đồng thời chỉ đạo Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật để trình Chính phủ xem xét để trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII vào cuối năm nay./.
Minh Tuấn