Đối với Nghị định 15, ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, cho biết: Nội dung chính của Nghị định quy định về QLCLCTXD biểu hiện trong các khâu: Khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình, quản lý chất lượng thi công xây dựng, bảo hành công trình xây dựng, sự cố trong quá trình thi công xây dựng công trình, quản lý nhà nước về chất lượng xây dựng công trình... Nghị định này quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý CLCTXD.
Theo ông Hùng, so với Nghị định 209 cũ về quản lý CLCTXD thì Nghị định 15 có những điểm mới như: Tăng cường sự kiểm soát về chất lượng và công tác quản lý CLCTXD thông qua việc thẩm tra thiết kế sau thiết kế cơ sở đối với công trình từ cấp 3 trở lên, kiểm tra công tác nghiệm thu trước khi đưa công trình vào sử dụng; công khai thông tin về năng lực của các tổ chức cá nhân tham gia hoạt động xây dựng (nhà thầu, tư vấn); thay đổi theo hướng đơn giản hơn về thủ tục nghiệm thu và hồ sơ nghiệm thu… Nghị định này làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, tư vấn giám sát và nhà thầu trong quản lý chất lượng thi công xây dựng. Yêu cầu chủ đầu tư phải tổ chức lập chỉ dẫn kỹ thuật để phục vụ công tác lập hồ sơ mời thầu, thực hiện công tác giám sát, thi công và nghiệm thu công trình xây dựng.
Phân định rõ trách nhiệm của các bên có liên quan từ chủ đầu tư, nhà thầu và Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng trong việc giải quyết sự cố công trình xây dựng. Ngoài ra, Nghị định 15 còn quy định các giải thưởng về chất lượng công trình xây dựng nhằm kịp thời động viên và tôn vinh các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn và nhà thầu có thành tích góp phần nâng cao chất lượng công trình xây dựng…
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm của Cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý CLCTXD. Cụ thể, ở Trung ương, Bộ Xây dựng thống nhất quản lý nhà nước về CLCTXD trong phạm vi cả nước, các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành. Ở địa phương, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý nhà nước về CLCTXD trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của Sở Xây dựng trên địa bàn.
Ông Hùng cũng nhấn mạnh, để Nghị định áp dụng có hiệu quả, cần có sự triển khai đồng bộ của các bên liên quan. Đồng thời cần xử lý nghiêm các chủ thể tham gia hoạt động có hành vi vi phạm.
Hội nghị triển khai Nghị định 15 được tổ chức lần này, là cơ hội để các Cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động xây dựng có dịp trao đổi, đóng góp ý kiến từ kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình hoạt động của mình nhằm thực hiện tốt các quy định tại Nghị định. Vì vậy, ngoài việc phổ biến về những vấn đề mới, cần chú trọng trong công tác quản lý CLCTXD thì các đại biểu cũng thẳng thắn bày tỏ ý kiến cần được làm rõ để Nghị định đi vào thực tiễn không gây khó khăn thực hiện như: Phân loại, phân cấp công trình trong trường hợp một dự án có nhiều loại và cấp công trình thì loại và cấp công trình được xác định như thế nào? Đầu mối thẩm tra là ai; Liên quan đến thẩm tra thiết kế, thì cần phải làm rõ ranh giới giữa chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước; Hay các nội dung liên quan đến cung cấp thông tin nhà thầu…
Ngày 6/02/2013, Chính phủ ban hành NĐ15/2013/NĐ-CP về QLCLCTXD. Các Thông tư hướng dẫn đi kèm dự kiến sẽ ban hành trong tháng 5/2013 gồm: Thông tư hướng dẫn về thẩm tra thiết kế của cơ quan QLNN về xây dựng. Thông tư hướng dẫn một số điều khác của Nghị định số 15/2013/NĐ-CP. Thông tư về phân cấp công trình để quản lý CLCTXD. Thông tư hướng dẫn về giải thưởng chất lượng công trình xây dựng. Một số thông tư khác dự kiến ban hành trước tháng 9/2013: Thông tư về đăng ký và công bố thông tin về năng lực nhà thầu và sử dụng thông tin năng lực để lựa chọn nhà thầu. Thông tư về giám định tư pháp trong xây dựng. Thông tư về quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ Ngoài ra: Sửa đổi Nghị định 12, Nghị định 23, dự kiến cuối năm 2013 ban hành. Sửa đổi Luật xây dựng, dự kiến cuối năm 2014 ban hành. |
Theo : Báo Xây dựng điện tử