Tham dự Hội thảo có TS. Trần Văn Huynh - Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam; nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Mạnh Kiểm; nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Tống Văn Nga - Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Xây dựng, lãnh đạo các Sở Xây dựng địa phương, lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng; các doanh nghiệp chế biến, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) trong nước và nước ngoài ...
Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam Tống Văn Nga khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam Tống Văn Nga cho biết, Hội thảo được tổ chức để giới thiệu những công nghệ tiên tiến trong khai thác đá sản xuất xi măng, đá ốp lát, đá cho các ngành VLXD khác nhằm mục đích tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh cho các sản phẩm VLXD và doanh nghiệp.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, trong thời gian qua, Việt Nam có những bước phát triển trong các mặt, đặc biệt về kinh tế, nước ta là một trong những nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, trong thời gian dài, được bạn bè thế giới và nhân dân trong nước ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, theo phân tích của nhiều nhà kinh tế, cũng như Đảng và Nhà nước ta nhận định, sự tăng trưởng của nước ta dựa nhiều vào việc đầu tư vốn, chiếm đến 42-46% GDP, dựa nhiều vào xuất khẩu tài nguyên ở dạng thô, chưa được chế biến, dựa nhiều vào nguồn lao động rẻ tiền. Mô hình tăng trưởng như vậy rõ ràng là chưa bền vững, nhưng đó là việc chúng ta phải chấp nhận ở nước nghèo trong giai đoạn đầu của sự phát triển. Chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2020, nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, và cũng chính thức bước qua ngưỡng thu nhập trên 1.000USD/người. Vì thế mô hình tăng trưởng được xác định sẽ có sự thay đổi từ đầu tư theo chiều rộng sang chiều sâu, tăng hàm lượng công nghệ trong các sản phẩm hàng hóa và sử dụng hợp lý hơn các nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước.
Trong lĩnh vực VLXD của nước ta có sự tăng trưởng rất nhanh. Trong vòng 5-6 năm gần đây, công suất sản xuất xi măng đã tăng gấp hai lần, sử dụng công nghệ tiên tiến, tiệm cận trình độ thế giới. Các sản phẩm khác như ceramic, kính ... cũng tăng trưởng nhanh, trở thành nước hàng đầu Đông Nam Á và thế giới về các sản phẩm này. Tuy nhiên, ngay trong ngành sản xuất VLXD, mặc dù tiềm năng khoáng sản sản xuất VLXD rất lớn, nhưng chúng ta sử dụng còn lãng phí, công nghệ sản xuất được đầu tư tốt, nhưng hầu hết các nhà sản xuất của chúng ta chưa quan tâm đến công nghệ khai thác nguyên liệu, chưa đầu tư đúng mức, tổ chức khai thác phân tán, nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, trong quá trình khai thác làm ảnh hưởng nhiều đến môi trường, cảnh quan, tài nguyên rừng...
Trong bối cảnh như vậy, thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng - một trong hai Bộ bảo trợ cho Hội thảo - hoan nghênh Hội VLXD đã tổ chức một hội thảo quốc tế mang tính khoa học công nghệ, tính thực tiễn và tính thời sự rất cao và mong rằng qua Hội thảo này, các doanh nghiệp sản xuất VLXD, khai thác chế biến khoáng sản tham dự sẽ thu được nhiều thông tin bổ ích về công nghệ, thiết bị, định hướng khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD một cách hợp lý, để cho ngành khoáng sản VLXD của chúng ta phát triển đúng hướng, bền vững, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước, đồng thời gìn giữ môi trường cho con cháu mai sau và cũng như vì sự nghiệp môi trường toàn cầu.
Các đại biểu dự Hội thảo
Trong buổi sáng ngày 23/2, các đại biểu dự Hội thảo đã được nghe tham luận của TS. Trần Văn Huynh - Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam về tổng quan tình hình khai thác khoáng sản làm VLXD ở nước ta hiện nay và các giải phải bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái; tham luận của PGS.TS Đỗ Cảnh Dương - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục địa chất và khoáng sản - Bộ Tài nguyên và Môi trường về vấn đề cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản; tham luận của Công ty TNHH Holcim Việt Nam về khai thác và chế biến đá vôi theo công nghệ cắt tầng sâu; tham luận của Cty Siam xi măng - Thái Lan giới thiệu công nghệ khai thác mỏ bán lộ thiên thân thiện môi trường; tham luận của Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam về quản lý hiệu quả quá trình khai thác đá vôi sản xuất xi măng của TCty; tham luận của Công ty Chinfon Việt Nam về khai thác đá sản xuất xi măng; tham luận của Công ty Sông Đà 7 - Tập đoàn Sông Đà về khai thác và chế biến cát nghiền cho xây dựng.
Buổi chiều hôm nay, các đại biểu dự Hội thảo sẽ nghe thêm 07 báo cáo của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài giới thiệu về các công nghệ tiên tiến trong khai thác đá làm vật liệu ốp lát, khai thác, chế biến cao lanh, fenspat và tiến hành thảo luận, trao đổi với các diễn giả để tìm hiểu kỹ hơn về tính tiên tiến và ưu điểm của các công nghệ. Ngày mai 24/2, các đại biểu dự Hội thảo được Ban tổ chức Hội thảo đưa đi tham quan, khảo sát mỏ khai thác đá vôi theo phương pháp cắt tầng bắn mìn visai sản xuất xi măng và mỏ khai thác đá trắng và mỏ fenspat ở tỉnh Yên Bái./.
Minh Tuấn