Hoà Bình là tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc, là cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội. Trong định hướng phát triển không gian, tỉnh nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội.Với hơn 317,7 km đường bộ, trong đó có 121,3 km đường phố chính, đặc biệtquốc lộ 6 đi qua các huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn, thành phố Hòa Bình, huyện Tân Lạc, Mai Châu., Hòa Bình có vị trí địa lý quan trọng của vùng chuyển tiếp từ đồng bằng lên miền núi, là điểm trung chuyển quan trọng giữa các tỉnh Tây Bắc và thủ đô Hà Nội.
Hòa Bình là tỉnh có nguồn tài nguyên khá phong phú về đất đai, rừng và đất rừng, nước và thuỷ năng, đặc biệt có nhà máy thủy điện Hòa Bình – nơi cung cấp, đảm bảo an ninh năng lượng lớn cho quốc gia. Tỉnhcó vai trò hết sức quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo về rừng đầu nguồn đối với cả nước. Hoà Bình có nhiều điểm du lịch cảnh quan sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hoá dân tộc và nông nghiệp chất lượng cao tại Kim Bôi, hồ tích nước thủy điện Hòa Bình, Mai Châu….
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình tại buổi làm việc: tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2012 của tỉnh đạt khá (10,2%); trong đó: Ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,9%; công nghiệp - xây dựng tăng 15,2% (công nghiệp tăng 15,7%, xây dựng tăng 13,8%); dịch vụ tăng 9,8%. Lạm phát được kiềm chế ở mức một con số, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng 5,16% so với tháng 12 năm 2011.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 1.847 tỷ đồng, bằng 116% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, vượt 1,17% Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 6.150 tỷ đồng, trong đó đầu tư từ ngân sách nhà nước là 2.038 tỷ đồng. Năm 2012 đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 43 dự án (trong đó có 04 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đăng ký trên 174 triệu USD và 39 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký 2.230 tỷ đồng)….
Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân được quan tâm, chú trọng và đạt kết quả khá. Những năm qua, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo thực hiện các chính sách xã hội trên địa bàn, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; công tác cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh; quốc phòng, an ninh được giữ vững và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Thực hiện có hiệu quả chương trình nhà ở
Những năm qua, công tác quản lý nhà nước ngành xây dựng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình luôn được quan tâm thực hiện. Cùng với việc triển khai, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về chuyên ngành xây dựng, tỉnh đã chú trọng công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng, quy định về cơ chế chính sách ưu đãi với các chủ đầu tư, quy chế quản lý sử dụng, khai thác và các đối tượng, điều kiện được mua, thuê, thuê mua nhà ở thu nhập thấp tại khu vực đô thị.
Trong năm 2012, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 6.150 tỷ đồng, trong đó đầu tư từ ngân sách nhà nước là 2.038 tỷ đồng. Năm 2012 đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 43 dự án (trong đó có 04 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đăng ký trên 174 triệu USD và 39 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký 2.230 tỷ đồng).
Tỉnh đã chú trọng làm tốt công tác thẩm định thiết kế cơ sở và tham gia ý kiến thẩm định dự án đầu tư, báo cáo kinh tế kỹ thuật, chủ trương đầu tư trên địa bàn tỉnh theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng hiện hành; Tổ chức thực hiện công tác cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh và cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng cho các cá nhân có đủ điều kiện theo quy định.
Việc thực hiện các Chương trình nhà ởtại Hòa Bình đã đạt được những kết quả tích cực. Số căn nhà đã hoàn thành tính đến nay là 18.272 căn, đạt 100% so với số hộ thực tế cần hỗ trợ. Tỉnh Hòa Bình đăng ký 01 dự án nhà ở cho sinh viên có nhu cầu đầu tư bằng nguồn trái phiếu Chính phủ, đó là Dự án Khu nhà ở cho học sinh, sinh viên các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề tỉnh Hoà Bình. Tổng mức đầu tư của dự án này là 217,8 tỷ đồng với quy mô xây dựng khoảng 395.930 m2 sàn.
Trong công tác quản lý và phát triển vật liệu xây dựng: Hoà Bình là tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản để sản xuất VLXD khá phong phú với50 mỏ, điểm khoáng, bao gồm đá vôi, sét gạch ngói, sét xi măng, đá xây dựng, đá ốp lát, cát sỏi xây dựng, đôlômit, cao lanh, barit,... Năm 2000, tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch VLXD tỉnh Hoà Bình đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Theo Quy hoạch phát triển, dự kiến đến năm 2010, năng lực sản xuất VLXD chỉ nâng cao năng lực của các chủng loại sản phẩm đã có để đáp ứng nhu cầu xây dưng của địa phương.
Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 501 cơ sở sản xuất VLXD, trong đó có 10 cơ sở quốc doanh và 490 cơ sở ngoài quốc doanh. Đáng chú ý có một số nhà máy xi măng lò đứng công suất tổng cộng 230.000tấn /năm (xi măng Sông Đà, Hòa Bình, xi măng 18,...); đá xây dựng có 9 cơ sở với tổng công suât 510.000 m3/năm, sản xuất gạch ngói khoảng 150 triệu viên/năm,...
Tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình kiến nghị: Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh và ban hành đồng bộ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực chuyên ngành xây dựng cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương; Trình Chính phủ bố trí vốn cho dự án nhà ở học sinh, sinh viên để tỉnh Hoà Bình có điều kiện triển khai thực hiện dự án theo kế hoạch đề ra. Trong trường hợp không bố trí được nguồn vốn đề nghị Bộ Xây dựng cho phép tỉnh Hoà Bình được chuyển đổi dự án nêu trên sang đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp.
Bên cạnh đó, Hòa Bình đề nghị sớm phân bổ nguồn vốn năm 2013 theo Quyết định số 1511/QĐ-TTg ngày 12/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ cho Đề án tăng cường năng lực kiểm định của Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình xây dựng - Đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Xây dựng tỉnh Hoà Bình, để Trung tâm có đủ điều kiện, năng lực phục vụ công tác kiểm định chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo, Hoà Bình là tỉnh cửa ngõ của thành phố Hà Nội, tuy nhiên tốc độ đô thị hoá còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước (mới đạt gần 20%). Vì vậy, lãnh đạo tỉnh đề nghị Bộ Xây dựng có giải pháp hỗ trợ và đề xuất với Chính phủ có các chương trình hỗ trợ tỉnh về nguồn vốn để quy hoạch đầu tư nâng cấp các đô thị hiện có và phát triển các đô thị mới từng bước đưa tỉnh Hoà Bình thành tỉnh trọng điểm về phát triển đô thị , kinh tế - xã hội của vùng thủ đô, cụ thể như đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho các đô thị: Thành phố Hoà Bình, thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn; thị trấn Chi Nê, Thanh Hà, huyện Lạc Thuỷ; thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thuỷ; thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu.
Ngoài ra, tỉnh đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn cơ chế thu các loại phí và thu tiền sử dụng đất đối với các dự án đầu tư của các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nghĩa trang chỉ với mục đích thương mại. Đối với các nghĩa trang cấp vùng nằm trên địa bàn tỉnh trong quy hoạch vùng thủ đô đề nghị chỉ thực hiện quy hoạch cho hình thức cải táng; Có kế hoạch chỉ đạo đầu tư nâng cấp nhà máy nước sạch của Vinaconex tại huyện Kỳ Sơn nhằm tăng công suất cấp nước cho thủ đô Hà Nội lên 600.000 m3/ngày đêm; Báo cáo Chính phủ để có cơ chế hỗ trợ thị trường tiêu thụ vật liệu xây dựng như sử dụng Xi măng vào các dự án xây dựng giao thông, kiên cố hoá kênh mương,đê điều, kè các công trình hạ tầng kỹ thuật khác nhằm giải quyết khó khăn cho ngành Xi măng trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng. Đặc biệt, báo cáo Chính phủ cho phép địa phương được tham gia vận động các nguồn vốn ODA cho các công trình trọng điểm của tỉnh, đồng thời báo cáo Chính phủ xem xét việc phân bổ vốn các chương trình mục tiêu quốc gia theo các dự án cụ thể nhằm đáp ứng được xuất đầu tư của các dự án.
Tại buổi làm việc, đại diện các Cục, Vụ, Viện đã có những giải đáp về những kiến nghị của tỉnh theo thẩm quyền của mình.
Chú trọng phát triển đô thị mang bản sắc Hòa Bình
Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Hòa Bình là tỉnh miền núi Tây Bắc quan trọng cửa ngõ thủ đô Hà Nội. Đây vừa là trách nhiệm nhưng cũng là cơ hội. Những năm qua mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh đã tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn thách thức và đạt được những kết quả tích cực. Trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng, tỉnh đã tập trung làm tốt công tác quy hoạch làm cơ sở xây dựng các Chương trình, kế hoạch phát triển; phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; UBND tỉnhđã phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hòa Bình đến năm 2020, đồng thời tổ chức công bố quy hoạch; Chỉ đạo các huyện trong việc điều chỉnh bổ sung quy hoạch chung xây dựng các thị trấn, huyện lỵ trên địa bàn tỉnh. Hiện tại tỉnh Hòa Bình đang tổ chức lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020.
Ngoài ra, Hòa Bình đã chú trọng công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chung xây dựng dọc hai bên tuyến đường cao tốc Hoà Lạc - thành phố Hoà Bình; quy hoạch chi tiết xây dựng của các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh; Chú trọng công tác quản lý và phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch nhằm từng bước nâng cao chất lượng đô thị. Công tác phát triển nhà ở được quan tâm, đặc biệt là chương trình nhà ở 167. Hòa Bình cũng là địa phương cócơ chế thông thoáng thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn FDI.
Trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, Hòa Bình cần tập trung triển khai các quy định mới về quản lý đầu tư xây dựng, đặc biệt là Nghị định 15/2013/NĐ-CP nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, quản lý chặt chẽ các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước; tăng cường trách nhiệm của người quyết định đầu tư các dự án từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đội ngũ làm công tác đầu tư xây dựng.
Trong công tác QH, tỉnh cần chú trọng đến QH phát triển du lịch, xây dựng đô thị mang bản sắc riêng của Hòa Bình. Bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh các loại quy hoạch phù hợp với thực tế phát triển làm cơ sở thu hút đầu tư; tập trung xây dựng các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; chú trọng phát triển hệ thống đô thị dựa trên lợi thế là tỉnh nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội và các thế mạnh về phát triển du lịch; tập trung đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật; huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cho các hạng mục như khu nhà ở, khu đô thị mới, hạ tầng kỹ thuật đô thị để đảm bảo cho thị trấn Mai Châu và thị trấn Lương Sơn đạt tiêu chuẩn nâng loại đô thị. Ngoài ra, theo Bộ trưởng, Hòa Bình cần khẩn trương xây dựng kế hoạch phát triển đô thị để bảo đảm từng bước thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt; cần xem xét đến ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở đất đối với một số đô thị có nguy cơ cao như TP Hòa Bình, các thị trấn: Đà Bắc huyện Đà Bắc, Kỳ Sơn huyện Kỳ Sơn, Lương Sơn huyện Lương Sơn...
Trong việc thực hiện chiến lược nhà ở, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, tỉnh cần tập trung phát triển chương trình nhà ở 167 (giai đoạn 2) và phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho mọi người dân.
Về lĩnh vực VLXD, theo Bộ trưởng,tỉnh cần tập trung xây dựng quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng làm cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển vật liệu xây dựng; Tăng cường quản lý, tập trung khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng, Hòa Bình cần có chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực cho phát triển ngành xây dựng.
Về các kiến nghị của Hòa Bình, Bộ Xây dựng sẽ báo cáo Chính phủ quan tâm, giải quyết theo thẩm quyền.
Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, ông Hoàng Việt Cường-Bí thư Tỉnh ủy - cảm ơn Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã quan tâm và mong muốn trong thời gian tới, Bộ trưởng tiếp tục quan tâm, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của địa phương trong phát triển kinh tế và cơ chế thu hút đầu tư vào địa bàn...
Trước đó, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác Bộ Xây dựng đã đến thăm và làm việc với Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình.
Theo : Báo Xây dựng điện tử