Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết: Trên cơ sở các văn bản pháp luật, đặc biệt Luật Nhà ở và Luật kinh doanh BĐS ra đời vào các năm 2005 và 2006 đã tạo dựng cho thị trường BĐS những thành tựu ban đầu, đóng góp đáng kể vào công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Bộ mặt các đô thị Việt Nam thay đổi nhanh chóng với nhiều công trình mới, khang trang; đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân và các doanh nghiệp. Bên cạnh việc thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động; thị trường BĐS năm 2011 còn nhiều bất cập, phát triển lệch lạc, một trong những nguyên nhân – theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam – là khả năng chi trả thực sự của các doanh nghiệp. Thứ trưởng cho biết: nhiều doanh nghiệp đổ xô vào lĩnh vực này song không đủ năng lực quản lý, không có năng lực tài chính. Dư nợ BĐS tăng nhanh, trong khi quy hoạch của chúng ta lại thiếu kế hoạch; sử dụng đất tùy tiện dẫn đến thiếu năng lực cân đối cung cầu, thiếu cơ sở pháp lý thực hiện, rủi ro nhiều ...là những bất cập, những khó khăn mà thị trường BĐS phải đối mặt trong năm qua. Điều này càng trầm trọng thêm bởi nguyên nhân khách quan là cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, Chính phủ buộc phải thực hiện một loạt biện pháp chống lạm phát, thắt chặt tiền tệ...Do đó, lòng tin của xã hội, của các doanh nghiệp và người dân vào thị trường BĐS có giảm sút, ảnh hưởng trực tiếp không những tới các doanh nghiệp và nhu cầu người dân, mà còn tới cả khả năng trả nợ cho ngân hàng. Thứ trưởng nêu rõ: thị trường BĐS chủ yếu vẫn phụ thuộc nguồn vốn ngân hàng. Với động thái giảm lãi suất cho vay, con đường tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng đã rộng mở hơn rất nhiều. Còn về phần mình, các doanh nghiệp BĐS đã biết linh hoạt điều chỉnh hoạt động của mình theo hướng đưa ra các sản phẩm đúng với khả năng thanh toán của thị trường hơn (ví dụ: các căn hộ nhỏ). Những động thái tích cực như vậy - Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam chia sẻ - cùng với sự lãnh đạo kinh tế đúng hướng và sáng suốt cho phép chúng ta dự đoán thị trường BĐS sẽ ấm dần và hồi phục trong tương lai không xa. Thứ trưởng cho biết thêm: những khó khăn hiện thời cũng là dịp để các chủ thể tham gia thị trường BĐS có cơ hội điều chỉnh hành vi của mình đối với thị trường này.
Toàn cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe và cùng thảo luận về thực trạng và giải pháp phát triển thị trường BĐS tại Việt Nam – tham luận của TS. Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà & TTBĐS. Trong tham luận chỉ rõ: nguồn vốn cho thị trường BĐS chủ yếu từ hệ thống ngân hàng và tiết kiệm người dân. Nguồn tín dụng trung và dài hạn hầu như không có, trong khi lãi suất vay ngắn hạn rất cao, dẫn tới khi ngân hàng xiết chặt cho vay sẽ tác động tới kế hoạch triển khai dự án của các chủ đầu tư, gây lãng phí, giảm nguồn cung cho thị trường. Bên cạnh đó, hiện tượng đầu cơ, kích giá, "tâm lý đám đông" còn diễn ra phổ biến làm méo mó mất ổn định thị trường. Để chấn hưng thị trường BĐS – nhân tố quan trọng trong phát triển kinh tế và xã hội của đất nước, bài tham luận kiến nghị cần một ý chí kiên định trong việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, và Chỉ thị số 2196/CT-TTg ngày 6/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý thị trường BĐS.
Các tham luận của các cơ quan quản lý nhà nước ( Bộ Tài chính, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW, Sở Xây dựng Hà Nội...) và của các tổ chức tín dụng (Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam...) thực sự là những tiếng nói chung, những gợi mở về chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong vấn đề vay vốn; các thức lựa chọn kênh huy động vốn có hiệu quả đối với doanh nghiệp BĐS. Tất cả để nói lên một điều: xã hội, doanh nghiệp và người dân đều mong muốn thị trường BĐS sẽ lại khởi sắc trong những năm tới đây, đóng góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế xã - hội của cả nước.
Lệ Minh