Quy chế Tổ chức Giải thưởng Quốc gia về chất lượng công trình xây dựng vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Công trình được đăng ký tham dự Giải thưởng bao gồm các loại công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi và hạ tầng kỹ thuật có quy mô từ cấp III trở lên.
Công trình tham dự xét thưởng là công trình đã được nghiệm thu hoàn thành, đưa vào sử dụng tối thiểu hết thời gian bảo hành tính đến thời điểm đăng ký tham dự xét thưởng.
Công trình vi phạm các quy định của pháp luật về xây dựng, đất đai, đấu thầu, bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật có liên quan không được xem xét giới thiệu, đăng ký để xét thưởng.
Tổ chức, cá nhân đăng ký công trình tham dự xét thưởng là chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư hoặc nhà thầu thi công xây dựng công trình (có sự thỏa thuận của chủ đầu tư).
6 tiêu chí xét thưởng
Các công trình tham dự Giải thưởng Quốc gia về chất lượng công trình xây dựng được đánh giá theo 6 tiêu chí: 1- Chất lượng công trình (an toàn chịu lực, công năng sử dụng và kiến trúc); 2- An toàn trong thi công xây dựng, an toàn phòng, chống cháy, nổ và việc thực hiện cam kết về bảo vệ môi trường; 3- Công tác quản lý chất lượng của các chủ thể tham gia xây dựng công trình; sự tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng, các quy trình, quy phạm trong xây dựng; 4- Việc thực hiện đúng tiến độ xây dựng công trình đã được cơ quan, cấp có thẩm quyền phê duyệt; 5- Ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới, tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong xây dựng; 6- Đánh giá của người quản lý, sử dụng công trình và dư luận xã hội về chất lượng công tình tham dự Giải thưởng.
Giải thưởng được trao dưới các hình thức gắn biển công trình được Giải thưởng Quốc gia về chất lượng công trình xây dựng; Giấy chứng nhận Giải thưởng và Cúp lưu niệm.
Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì tổ chức Giải thưởng Quốc gia về chất lượng công trình xây dựng. Cơ quan Thường trực của Giải thưởng là Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng.
Theo : Chinhphu.vn