Như tin đã đưa, ngay trong tối 15/11, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đã cử đoàn công tác gồm chuyên gia đầu ngành của Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng, Viện Vật lý địa cầu, Viện Địa chất (thuôc Viện Khoa học công nghệ Việt Nam) đã vào huyện Bắc Trà My( Quảng Nam) khu vực vừa chịu ảnh hưởng động đất 4,7 độ richter ở vùng lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2.
Sáng nay, 16/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước và đoàn công tác đã vào khu vực xảy ra động đất để đi kiểm tra tình hình bao gồm đập thủy điện, khu vực dân cư xung quanh, khu vực tái định cư và có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam chỉ đạo khắc phục những ảnh hưởng của trận động đất 4,7 độ richter.
Thị sát công trình sau trận động đất 4,7 độ richter, nhiều chuyên gia thuộc Bộ Xây dựng chung nhận định, đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn đảm bảo an toàn, chưa phát hiện dấu hiệu bất thường ở trong đường hầm, phía thượng lưu cũng như hạ lưu thân đập. Sau khi xử lý sự cố rò rỉ, lưu lượng nước thấm qua thân đập hiện đo được khoảng 3 lít/giây.
Trong cuộc họp với Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phạm Đức Hải bày tỏ lo ngại khi động đất ngày càng lan rộng, cường độ ngày càng lớn không chỉ ở Quảng Nam mà còn gây rung chuyển cả TP Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Động đất dồn dập khiến cả nghìn nhà dân ở gần thủy điện Sông Tranh 2 và khu vực lân cận bị nứt toác, có nguy cơ sập.
Mất an toàn đập thủy điện thì chỉ ngành điện lo lắng, nhưng hàng trăm nghìn hộ dân ảnh hưởng do động đất là nỗi lo lớn của Chính phủ, liên quan đến hàng chục nghìn con người. Do vậy, vấn đề cấp bách hiện nay là cần đặt an toàn hàng trăm nghìn hộ dân lên trên an toàn đập thủy điện", ông Hải đề xuất.
Chia sẻ nỗi lo với chính quyền và nhân dân Quảng Nam, ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thừa nhận, động đất là điều không ai mong muốn. Để đảm bảo an toàn cho người dân, EVN đang tuân thủ nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng chưa tích nước hồ chứa, 6 cửa van ở đập chính luôn ở trạng thái mở.
Hiện tại Tập đoàn đã phối hợp với Viện Vật lý địa cầu lắp đặt 3 trong tổng số 5 trạm quan trắc động đất ở thủy điện Sông Tranh và một số xã lân cận; phối hợp cùng tỉnh Quảng Nam hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại nhà cửa do động đất gây ra; quan tâm công tác dân sinh ở vùng tái định cư thủy điện...
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, dù kiểm tra đập thủy điện Sông Tranh 2 đảm bảo an toàn sau trận động đất 4,7 độ richter, nhưng "vấn đề động đất thì không thể lường hết được". Do vậy, chủ đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học Công nghệ mời chuyên gia giàu kinh nghiệm của thế giới giúp Việt Nam đánh giá tổng thể động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2. Cục Giám định chất lượng xây dựng các công trình cần lập đoàn công tác về tư vấn, hướng dẫn người dân sửa chữa, xây nhà ở vững chắc ứng phó với động đất.
Bộ trưởng nhấn mạnh: "Trong thời gian đợi lời giải từ các chuyên gia, an toàn tính mạng người dân phải là ưu tiên số 1, do đó công trình vẫn chưa thể tích nước. Chỉ khi các nhà khoa học cùng bộ ngành chức năng khẳng định công trình, tính mạng người dân đảm bảo an toàn tuyệt đối thì lúc đó xin phép Chính phủ quyết định cho tích nước”.
Tiến sĩ Lê Huy Minh - Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cũng trao đổi về sự việc này. Theo TS Minh, động đất thì không thể dự báo trước được. Chỉ khi động đất đã xảy ra, người ta mới ghi nhận các số liệu từ những trạm địa chấn này để thông báo, làm các công việc nghiên cứu nhằm xác định độ sâu, độ chấn tâm…cho chính xác. Trên cơ sở quan sát trong một chuỗi thời gian dài, các nhà khoa học sẽ đưa ra nhận định về xu thế chung của động đất trong tương lai. Trên thế giới hiện cũng chưa có một chiếc máy, thiết bị nào có thể dự báo trước các trận động đất cả. Chỉ là, động đất xảy ra rồi, máy móc ghi lại các rung động của nó. Trên cơ sở các ghi nhận đó, người ta đánh giá xem động đất xảy ra ở vị trí nào, tâm tiêu, độ sâu…ra sao. Đập thủy điện Sông Tranh 2 được thiết kế có thể chịu đựng được động đất cấp 8, với gia tốc nền là 150cm2. Thực tế, rung động cảm nhận được ở khu vực đó mới hơn cấp 6 một chút, chứ chưa đạt tới mức gây nguy hiểm cho đập.
Từ trước tới nay, ở khu vực này rất ít khi xảy ra động đất. Do vậy, người dân chưa chuẩn bị tinh thần kịp. Ngay cả chuyện xây dựng nhà cửa, người ta cũng chưa tính tới chuyện chống động đất. Như một lẽ tất yếu, khi động đất xảy ra sẽ gây tâm lý lo sợ, hoang mang trong người dân.
Dù chưa làm bất cứ ngôi nhà nào đổ, nhưng chúng cũng gây nứt nhà cửa, phải có những biện pháp phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra. Khi động đất xảy ra, cần phải có những ứng xử cho hợp lý để tránh những thiệt hại, rủi ro không đáng có do thiếu hiểu biết”.
TS Minh cũng khuyên là bà con nên bình tĩnh, có những ứng xử hợp lý khi xảy ra động đất.
Theo : Báo Xây dựng điện tử