Theo đó, ĐHQGHN phía Bắc cách sân bay Hòa Lạc khoảng 1 km, phía Nam giáp đường Lạc – Hòa Lạc kéo dài (bao gồm cả hành lang bảo vệ và cây xanh cách ly), phía Đông giáp đường 21 A, phía Tây giáp núi Thằn Lằn, quy mô 1130 ha, trong đó bao gồm khu vực dự án xây dựng ĐHQGHN 1.000ha, khu vực cây xanh dọc QL21 và đường Láng Hòa Lạc khoảng 130 ha.
Trong khuôn viên 1000 ha, khu trung tâm bố trí tại trung điểm khu đại học, là tâm điểm liên kết các trường đại học thành viên. Khu học tập bố trí xung quanh khu trung tâm và chia làm 3 khối: Khối khoa học tự nhiên đặt ở phía Nam và Đông Nam. Khối khoa xã hội – nhân văn đặt ở phía Bắc. Khối đại học quốc tế và hợp tác quốc tế đặt ở phía Tây Nam. Khu các viện và trung tâm nghiên cứu, khai thác ứng dụng bố trí tiếp giáp với các trường đại học thành viên. Khu ký túc xá bố trí phân tán thành 6 khu vực và gắn kết thuận tiện với các trường đại học thành viên. Vị trí, diện tích đất của Trung tâm thể dục thể thao và Trung tâm giáo dục quốc phòng được giữ nguyên. Ngoài ra, đồ án quy hoạch còn kế thừa các nghiên cứu, áp dụng một số tiêu chuẩn quốc tế về xây dựng công trình theo đồ án quy hoạch chung xây dựng đã được phê duyệt năm 2004.
Ưu điểm của đồ án điều chỉnh là dành 130 ha thuộc giải cây xanh cách ly nằm giữa diện tích xây dựng của trường với đường 21A và đường Láng – Hòa Lạc kéo dài được dành cho không gian cây xanh, hạ tầng giao thông, công trình dịch vụ công cộng đầu mối phục vụ dân cư lân cận.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Bùi Đức Hưng - Giám đốc BQLDA Đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng ĐHQGHN là rất cần thiết, nhất là khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô nhằm liên kết giữa ĐHQGHN với đô thị trung tâm và một số đô thị vệ tinh xung quanh về chức năng đô thị, giao thông, hạ tầng kỹ thuật. Đồ án mới cũng khắc phục nhược điểm so với đồ án năm 2004 về đấu nối giao thông chính của ĐHQGHN với đường 21A và đường Láng – Hòa Lạc kéo dài. Hơn thế, trong kế hoạch phát triển ĐHQGHN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, ĐHQGHN dự kiến thành lập thêm một số trường, khoa, trung tâm, viện mới. Dự kiến, quy mô đào tào của ĐHQGHN sẽ tăng 60.000 vào năm 2020 và 100.000 sinh viên vào năm 2050, do vậy có nhu cầu điều chỉnh quy hoạch chung để bố trí các đơn vị mới.
Một lý do quan trọng không kém là đến thời điểm này cần rà soát lại quy hoạch sử dụng đất cũng như tiêu chuẩn sử dụng đất, mật độ xây dựng, cơ cấu công trình cần đầu tư của các dự án thành phần theo quy hoạch đã lập... để đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả sử dụng và kiến trúc cảnh quan.
Phối cảnh quy hoạch chung xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050
Sau lễ công bố quy hoạch, Ban quản lý dự án sẽ triển khai cắm mốc giới tại thực địa và quảng bá thông tin giới thiệu đồ án công khai đến đông đảo nhân dân.
Còn đại diện chính quyền địa phương cũng cam kết sẽ tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn và mong muốn dự án ĐHQGHN giải quyết tốt bài toán di dân, tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng của dự án.
Theo đại diện Viện Kiến trúc Quy hoạch Đô thị và nông thôn (đơn vị tư vấn nghiên cứu đồ án điều chỉnh quy hoạch chung ĐHQGHN): Đồ án đã được điều chỉnh phù hợp với quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội do tư vấn PPJ nghiên cứu và đang trong giai đoạn hoàn thiện. Theo đồ án QHC Hà Nội, Hòa Lạc là đô thị vệ tinh lớn nhất, là đô thị khoa học và công nghệ cao, đô thị được được xây mới hoàn toàn và hiện đại, được kết nối với trung tâm bằng hàng lang giao thông. Trong đô thị vệ tinh Hòa Lạc, ĐHQGHN là một nhân tố quan trọng.
Theo : Báo Xây dựng điện tử