Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Trưởng Ban Điều phối Dự án, ông Yamamoto Kenichi, Phó trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam. Ngoài ra còn có các thành viên là đại diện các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia tư vấn Việt Nam, đối tác của Dự án…
Hiệu quả dự án
Thời gian qua, Bộ Xây dựng Việt Nam nhận được nhiều sự hợp tác, hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản thông qua các cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA. Sự hợp tác hỗ trợ này thể hiện thông qua các lĩnh vực như thoát nước, xử lý nước thải, đào tạo nhân lực, phát triển đô thị và quản lý chất lượng công trình xây dựng (CLCTXD) với một số dự án quan trọng, trong đó có dự án tăng cường năng lực trong công tác đảm bảo chất lượng xây dựng.
Tại hội nghị, ông Tsuneo Kato, Trưởng nhóm chuyên gia tư vấn JICA trình bày báo cáo tổng kết cuối kỳ, trong đó nhấn mạnh quá trình thực hiện, dự án tăng cường năng lực trong công tác đảm bảo chất lượng xây dựng đã có một số kết quả nhất định, được áp dụng trong việc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trong lĩnh vực quản lý CLCTXD và quản lý dự án đầu tư xây dựng, cũng như đề xuất một số công nghệ quản lý Dự án tiên tiến.
Bổ sung thêm ý kiến của tư vấn Nhật Bản, thay mặt BQLDA, ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng, Giám đốc dự án đã trình bày đánh giá, nhận xét kết quả thực hiện các nội dung công việc của tư vấn Nhật Bản và Việt Nam thực hiện trong thời gian qua.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh: Dự án tăng cường năng lực trong công tác đảm bảo chất lượng xây dựng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Thứ nhất, là hỗ trợ xây dựng Nghị định 15 và những thông tư hướng dẫn cho Nghị định này.
Hai là, áp dụng thành công một số phương pháp tiên tiến trong quản lý CLCTXD như xây dựng hệ thống quản lý, lựa chọn và đánh giá nhà thầu, áp dụng sổ tay quản lý trong an toàn xây dựng, xây dựng khung sát hạch kỹ sư giám sát công trường, chỉ huy trưởng công trường. Các phương pháp này đang từng bước đưa vào các VBQPPL.
Ba là, đề xuất một số phương pháp công nghệ mới trong đầu tư xây dựng công trình.
Bốn là, cung cấp một số thí nghiệm kiểm định cho trung tâm công nghệ quản lý CLCTXD Việt Nam trực thuộc Cục Giám định.
Năm là, tổ chức khóa đào tạo tại Nhật Bản cho cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Xây dựng và một số bộ ngành địa phương và phổ biến kết quả dự án trên các tỉnh thành của cả nước.
Sáu là, tổ chức một số hội thảo trong nước và quốc tế nhằm phổ biến một số nội dung của dự án.
Ông Yamamoto Kenichi, Phó trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản – Việt Nam chúc mừng dự án đã đi đến cuối chặng đường. Ông cho biết: Tất cả những hợp tác kỹ thuật của JICA trong thời gian qua, có nhiều dự án chưa có nhiều kết quả đáng kể.
Vì vậy, trong việc xem xét tiếp theo giữa hai bên, JICA cần xem xét về những lợi ích, thành tựu mà Dự án đã mang lại, đồng thời, dựa trên những cam kết của chính phủ 2 bên trong thực hiện hợp tác này.
Có lộ trình cụ thể đưa kết quả vào thực tiễn
Theo PGS.TS Trần Chủng - người tham gia xây dựng dự án, thì sản phẩm dự án đã vượt trên mong muốn ban đầu. Sản phẩm dự án khá đầy đủ, nhưng để đưa kết quả vào thực tiễn là trách nhiệm của Việt Nam nên phải có lộ trình cụ thể.
PGS.TS Chủng đưa ra những kiến nghị để JICA giúp Việt Nam thay đổi nhận thức về vai trò của KHCN trong vấn đề đảm bảo chất lượng công trình xây dựng. Đầu tư cho nghiên cứu khoa học, đón trước, đi đầu…
Thay đổi về nhận thức phương pháp bảo trì, để công tác này được quan tâm ngay trong khâu thiết kế. Hy vọng, trong giai đoạn tới, JICA sẽ giúp Việt Nam xây dựng mô hình về quản lý chất lượng giai đoạn thi công xây dựng (vai trò của người giám sát và kiểm định).
Theo PGS.TS Trần Chủng, nếu có giai đoạn hai, Việt Nam mong muốn JICA giúp đỡ để đưa lộ trình những kết quả vào thực tiễn. Đồng thời, kiểm tra hiệu quả này trong xây dựng thể chế, hoạt động xây dựng ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Long, đại diện Hội kỹ thuật cầu đường Việt Nam cho rằng: Đây là dự án có tính tổng hợp, vĩ mô, thể hiện trình độ quản lý Nhà nước, tầm nhìn rộng của Bộ Xây dựng và sự am hiểu sâu sắc của nhóm chuyên gia JICA.
Từ kết quả của Dự án có thể xây dựng những kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn đối với tất cả các hoạt động kể từ điều hành đến hoàn thiện hệ thống VBPL nhằm tăng cường năng lực quản lý nhà nước, đảm bảo CLCTXD.
Sau khi nghe kết quả với những khuyến nghị cụ thể của dự án, báo cáo kết của dự án áp dụng vào thực tế của Việt Nam, các đề xuất trong thời gian tới và các ý kiến thảo luận, góp ý của ban điều phối, chuyên gia 2 phía, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cảm ơn những ý kiến cuộc họp ban điều phối lần thứ 4 này; đồng thời ghi nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ hợp tác giữa hai Chính Phủ Việt Nam – Nhật Bản, JICA và những người thực hiện dự án.
Thứ trưởng cho biết: Sau gần 44 tháng triển khai, đến nay, hầu hết các hoạt động Dự án hoàn thành khối lượng theo kế hoạch, đáp ứng mục tiêu và được đánh giá vượt hơn mong muốn.
Kết quả Dự án có thể áp dụng vào thực tế Việt Nam nhằm cải thiện về thể chế, ứng dụng những phương pháp, công nghệ tiên tiến trong quản lý góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về CLCTXD tại Việt Nam.
Để tiếp tục hoàn thiện và phát huy các kết quả của dự án lên tầm cao mới, Thứ trưởng cũng đề xuất Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ giai đoạn tiếp theo của dự án nhằm mở rộng một số nội dung liên quan đến hoạt động 1 của dự án là sửa đổi Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn, hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng một số mô hình quản lý xây dựng tiên tiến của Nhật Bản.
Đối với hoạt động 3 là tiếp tục chuyển giao phần mềm về đăng ký nhà thầu thi công, hệ thống cơ sở dữ liệu gói thầu thi công, hệ thống đánh giá kết quả thực hiện công việc của nhà thầu cho các đơn vị liên quan của Bộ Xây dựng.
Liên quan đến hoạt động thứ 5 của dự án, đề nghị hoàn tất tài liệu hướng dẫn cho tư vấn lọc quá trình bảo trì công trình công trình dân dụng.
Liên quan đến hoạt động thứ 7của dự án, mong dự án hỗ trợ các khóa đào tạo để nhân rộng kết quả dự án cho các chủ thể liên quan. Dự án tiếp tục hỗ trợ trong việc xác định các danh mục trong quản lý thực hiện các hoạt động đầu tư xây dựng.
Dự án Tăng cường năng lực đảm bảo chất lượng xây dựng được thỏa thuận và ký kết vào ngày 26/03/2010 là kết quả của quá trình đàm phán và làm việc giữa Bộ Xây dựng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Hội nghị là phiên họp thứ 4 và cuối cùng của Ban Điều phối chung nhằm đánh giá lại kết quả đạt được so với mục tiêu đạt ra và kiến nghị những nội dung công việc cho đến khi kết thúc Dự án; cũng như mở ra những hợp tác trong thời gian tới. Đồng thời, rút ra kinh nghiệm trong quá trình triển khai Dự án, trong hợp tác giữa hai bên và trong thời gian tới có sự hợp tác thiết thực hơn nữa. |
Theo Báo Xây dựng điện tử