Hướng dẫn một số thủ tục về đầu tư xây dựng công trình của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc

Thứ sáu, 18/04/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bộ Xây dựng đã có công văn 714/BXD-HĐXD hướng dẫn một số thủ tục về đầu tư xây dựng công trình của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.

Việc xác định chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước bao gồm cả nguồn vốn ODA và việc sắp xếp các Ban quản lý dự án chưa tuân thủ theo quy định của pháp luật về xây dựng, cụ thể:

1. Về xác định chủ đầu tư và thành lập Ban quản lý dự án cải thiện môi trường đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc đầu tư từ nguồn vốn ODA Nhật Bản:

- Căn cứ Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cải thiện môi trường đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc đầu tư từ nguồn ODA Nhật Bản thông qua Ngân hàng quốc tế Nhật Bản JBIC cho thấy mục tiêu đầu tư là xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, lưới điện, …. Do vậy, tên của dự án không phù hợp với nội dung của dự án; đề nghị xem xét điều chỉnh lại cho phù hợp.

- Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư tại văn bản số 1068/TTg-CN ngày 02/8/2005; Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc là cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án này. Như vậy, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ, dự án do Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc quyết định đầu tư thì Uỷ ban nhân dân tỉnh không làm chủ đầu tư các dự án này, mà Uỷ ban nhân dân tỉnh giao cho đơn vị quản lý, sử dụng làm chủ đầu tư; trường hợp đơn vị quản lý, sử dụng không đủ điều kiện để làm chủ đầu tư thì Uỷ ban nhân dân tỉnh giao cho Sở chuyên ngành thích hợp làm chủ đầu tư. Đơn vị quản lý, sử dụng phải cử người tham gia cùng đơn vị được giao làm chủ đầu tư để quản lý thực hiện dự án và nhận bàn giao công trình đưa vào sử dụng.

- Cũng theo quy định tại khoản 16 Điều 4 Nghị định số 131/2006/NĐ-CP thì chủ đầu tư là đơn vị được cơ quan chủ quản Uỷ ban nhân dân Tỉnh giao trực tiếp quản lý, sử dụng vốn ODA và vốn đối ứng để thực hiện dự án và quản lý sử dụng công trình sau khi dự án kết thúc.

Đối chiếu với các quy định nêu trên thì dự án cải thiện môi trường đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc do Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc là cấp quyết định đầu tư đồng thời là chủ đầu tư, nhưng không phải là đơn vị quản lý, sử dụng công trình là không đúng với quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời tại khoản 13 Điều 1 của Quyết định số 2632/QĐ-CT ngày 20/9/2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc giao cho Ban quản lý dự án cải thiện môi trường đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm vụ quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA và vốn đối ứng để thực hiện dự án như vai trò chủ đầu tư; sau khi hoàn thành Uỷ ban nhân dân tỉnh giao cho các đơn vị sử dụng, vận hành được xác định tại khoản 14 Điều 1 của Quyết định số 2632/QĐ-CT như: Công ty cấp thoát nước và môi trường số 1, Công ty điện lực 1 là không đúng với quy định hiện hành.

2. Về thành lập Ban quản lý dự án công trình giao thông 2 thuộc Sở Giao thông vận tải: Theo quy định tại khoản 2 Điều 45 Luật Xây dựng và khoản 11 Điều 1 Nghị định số 112/2006/NĐ-CP, người quyết định đầu tư chỉ quyết định hình thức quản lý dự án. Trường hợp người quyết định đầu tư cho phép áp dụng hình thức chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án thì chủ đầu tư quyết định thành lập Ban quản lý dự án để giúp mình quản lý thực hiện dự án. Theo khoản 12 Điều 1 Nghị định số 112/2006/NĐ-CP, Ban quản lý dự án thực hiện nhiệm vụ do chủ đầu tư giao và quyền hạn do chủ đầu tư uỷ quyền.

Tuy nhiên, căn cứ Quyết định số 131/QĐ-CT ngày 18/01/2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về việc thành lập Ban quản lý dự án công trình giao thông 2 thuộc Sở Giao thông vận tải cho thấy Ban quản lý dự án này không phải là đơn vị thuộc chủ đầu tư nhất định nào, mà là đơn vị sự nghiệp có thu, tự trang trải hoàn toàn kinh phí hoạt động, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng có chức năng quản lý dự án các công trình giao thông là chấp nhận được.

Song, tên gọi cần nghiên cứu điều chỉnh lại cho phù hợp, tránh sự nhầm lẫn với Ban quản lý dự án do chủ đầu tư thành lập. Ban quản lý dự án này không được giao làm chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Hoạt động của Ban quản lý dự án như đối với tư vấn quản lý dự án. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban quản lý dự án này do chủ đầu tư giao, thông qua hợp đồng. Đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, trường hợp không thành lập Ban quản lý dự án, chủ đầu tư vẫn phải có bộ phận để theo dõi việc thực hiện hợp đồng đã ký kết với tư vấn quản lý dự án hoặc Ban quản lý dự án hoạt động như tư vấn quản lý dự án.

3. Về thành lập Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Vĩnh Yên và một số Ban quản lý dự án công trình xây dựng cấp huyện:  Việc thành lập Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Vĩnh Yên và một số Ban quản lý dự án công trình xây dựng cấp huyện như Ban QLDA công trình huyện Vĩnh Tường để làm chủ đầu tư một số dự án là không đúng với quy định hiện hành. Ban quản lý dự án phải do chủ đầu tư thành lập để giúp chủ đầu tư quản lý thực hiện dự án, nên Ban quản lý dự án không thể đồng thời là chủ đầu tư.

Với những ý kiến nêu trên, Bộ Xây dựng đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc: Xem xét lại việc xác định chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước bao gồm cả vốn ODA theo đúng quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trên nguyên tắc chủ đầu tư là đơn vị quản lý, khai thác sử dụng công trình. Đối với dự án cấp nước thực hiện theo quy định của Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; đối với dự án thoát nước đô thị và khu công nghiệp thực hiện theo quy định của Nghị định số 88/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 của Chính phủ.

Trường hợp đơn vị quản lý, sử dụng không đủ điều kiện làm chủ đầu tư thì Uỷ ban nhân dân tỉnh giao cho Sở chuyên ngành thích hợp làm chủ đầu tư; đơn vị quản lý, sử dụng phải cử người tham gia cùng đơn vị được giao làm chủ đầu tư để quản lý thực hiện dự án và nhận bàn giao công trình đưa vào sử dụng.

Sắp xếp lại các Ban quản lý dự án theo quy định của Nghị định số 112/2006/NĐ-CP của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Thông tư số 02/2007/TT-BXD ngày 14/02/2007 và văn bản giải thích của Bộ Xây dựng số 1394/BXD-PC ngày 28/6/2007; Nghị định số 131/2006/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/2007/TT-BKH ngày 12/3/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với dự án sử dụng vốn ODA theo nguyên tắc Ban quản lý dự án do chủ đầu tư thành lập giao nhiệm vụ và quyền hạn; Ban quản lý dự án không làm chủ đầu tư các dự án.

 

 

Trung tâm Tin học

Toàn văn công văn 714/BXD-HĐXD

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)