Trong những năm qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) tại Bình Dương đạt được những kết quả đáng tự hào, được đông đảo người dân, doanh nghiệp đánh giá cao. Đó là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự đồng tâm, hiệp lực của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đã quyết tâm chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ CCHC…
Người dân được hướng dẫn thực hiện dịch vụ công mức độ 4 tại UBND phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một. (Ảnh Hồ Văn).
Cụ thể: triển khai hiệu quả cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, đáp ứng được nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp.
Bình Dương luôn xem công tác CCHC là một trong những nhiệm vụ cấp thiết để thực hiện mục tiêu xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp và hiện đại. Các cấp, các ngành đã chủ động tham mưu cho tỉnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm theo chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2025…
Ngay từ đầu năm 2022, kế hoạch CCHC của tỉnh đã xác định nhiều nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong công tác CCHC. Trong đó, điểm nhấn quan trọng là triển khai dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 tại tất cả 91 xã, phường, thị trấn. Thực hiện các nhiệm vụ này, các địa phương đã quyết liệt triển khai và thi đua lập thành tích chào mừng Bình Dương 25 năm xây dựng và phát triển.
Thực hiện nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính (TTHC), kiểm soát TTHC, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch, như: Kế hoạch hoạt động kiểm soát TTHC năm 2022, kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC năm 2022… Trên cơ sở những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, các đơn vị, địa phương tập trung xây dựng kế hoạch cụ thể hóa các nhiệm vụ theo tình hình thực tế của đơn vị, địa phương. Về công khai TTHC, 100% TTHC sau khi công bố đều được cập nhật, đăng tải công khai vào cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC theo quy định; đồng thời thực hiện niêm yết công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, bộ phận một cửa của 20/20 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 9/9 đơn vị hành chính cấp huyện, 91/91 đơn vị hành chính cấp xã, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức thuận tiện trong thực hiện TTHC qua dịch vụ công trực tuyến.
Cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông được triển khai đồng bộ theo quy định của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Trung tâm Hành chính công tỉnh, bộ phận “một cửa” hiện đại cấp huyện, cấp xã tiếp tục được kiện toàn, mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC, đặc biệt là việc tổng kết thí điểm và nhân rộng Trung tâm Phục vụ hành chính công TP. Thủ Dầu Một cho 8 huyện, thị, thành phố còn lại của tỉnh.
Điểm đáng ghi nhận trong năm 2021 và 2 tháng năm 2022 là toàn tỉnh đã từng bước hiện đại hóa nền hành chính. Tính đến nay, tỉnh đã ban hành khung kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh phiên bản 2.0; hoàn thành, đưa vào khai thác, vận hành nhiều dự án kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản từ cấp tỉnh đến cấp xã; trục liên thông văn bản được đầu tư nâng cấp, bảo đảm điều kiện kết nối liên thông văn bản đến 4 cấp.
Công tác CCHC đã đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác xây dựng nền tảng hạ tầng phục vụ phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước được chuẩn bị tốt, bảo đảm an toàn thông tin; hệ thống hội nghị trực tuyến đã được triển khai đồng bộ. UBND cấp huyện, cấp xã và triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Ngoài ra, tỉnh đã ban hành khung kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Bình Dương, đây là nền tảng để phát triển, xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Bình Dương trong tương lai.
Trong năm 2022, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, các cơ quan ngành dọc trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt mọi công tác về CCHC, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, như: Tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch CCHC Nhà nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, theo dõi việc thực hiện các nhiệm vụ CCHC. Song song đó là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật để cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội nhận thức đúng, đồng thuận và chấp hành các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ CCHC của Đảng, Nhà nước và của tỉnh.
Tỉnh tập trung cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp, TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính Nhà nước; rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC liên quan đến đầu tư, điều kiện kinh doanh, đất đai, xây dựng; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với 100% TTHC đủ điều kiện theo quy định của pháp luật trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh và được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Cùng với đó, tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, gắn với xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương./.