Chiều 26-10, tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương, ông Võ Văn Minh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp nghe báo cáo phân tích kết quả Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2020 (PAPI 2020); tình hình triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và kế hoạch triển khai trong thời gian tới. Tham dự có lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thị, thành phố.
Triển khai giải pháp cải thiện Chỉ số PAPI
Năm 2020, Chỉ số PAPI được đánh giá dựa trên 08 chỉ số nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình của người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử.
Theo kết quả công bố Chỉ số PAPI năm 2020, tỉnh Bình Dương đạt tổng điểm 40,76/80 điểm, xếp trong nhóm thấp điểm nhất, đứng thứ 57/63 tỉnh, thành. So với năm 2019, Chỉ số PAPI của Bình Dương có 2 nội dung tăng điểm (trách nhiệm giải trình của người dân, thủ tục hành chính công), còn lại 6 nội dung đều giảm. Ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng kết quả sụt giảm xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Cụ thể, Bình Dương có tỷ lệ lao động nhập cư rất lớn, phần đông chú trọng vào lao động mưu sinh ít quan tâm đời sống chính trị địa phương. Địa bàn tiến hành khảo sát chưa đa dạng. Thực trạng một số nơi chính quyền cơ sở còn hạn chế trong quản lý điều hành công việc của địa phương; kỹ năng hành chính và thái độ phục vụ trong bộ phận cán bộ, công chức cấp cơ sở chưa cao. Công khai, minh bạch trong một số chính sách tại địa phương chưa được quan tâm nhiều; tình hình an ninh trật tự tại một số địa bàn còn diễn biến phức tạp…
Cán bộ bộ phận một cửa phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một giải quyết thủ tục hành chính cho người dân
Để cải thiện Chỉ số PAPI trong thời gian tới, Sở Nội vụ đề ra một số giải pháp. Trong đó tập trung cải thiện các lĩnh vực nằm trong nhóm đạt điểm thấp, nâng cao chất lượng phục vụ người dân trong việc giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng bồi thường, giải phóng mặt bằng, dịch vụ khám, chữa bệnh, giáo dục, giải quyết việc làm, an ninh trật tự… Các cấp, các ngành thường xuyên rà soát cập nhật đơn giản hóa, công bố, công khai đầy đủ TTHC. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các nội dung, nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến PAPI, giải quyết kịp thời các kiến nghị của người dân, nâng cao hiệu quả phục vụ các dịch vụ công; phổ biến giáo dục pháp luật tại cộng đồng dân cư, đảm bảo người dân hiểu biết và thực hiện các quy định pháp luật…
Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4
Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Tuấn Anh – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, Bình Dương hiện có tổng số 1.928 TTHC (cấp tỉnh 1.549, cấp huyện 252, cấp xã 120). Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là 1.598 TTHC (mức độ 3: 93; mức độ 4: 1.505). Tích hợp lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia 719 dịch vụ công.
Hiện có 344 dịch vụ công mức độ 2 cần tích hợp lên mức độ cao hơn và 93 dịch vụ công cần nâng lên mức độ 4. Văn phòng UBND tỉnh đã giao các sở ngành căn cứ theo hướng dẫn tiến hành quy trình rà soát xem xét, đánh giá đưa ra con số cụ thể về số lượng TTHC đủ điều kiện tiêu chí để nâng lên cấp độ 3,4 và phải hoàn tất trước ngày 31/10/2021.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh chủ trì cuộc họp
Về lộ trình nâng cấp dịch vụ công trong thời gian tới, theo ông Lê Tuấn Anh, trước tiên cần hướng dẫn người dân, doanh nghiệp khai thác Cổng Dịch vụ công của tỉnh thông qua các kênh đoàn thể, chính trị. Ban hành chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các hệ thống thông tin của tỉnh; chính sách trong thanh toán chi phí cho các đơn vị thu hộ, trung gian thanh toán để phục vụ thanh toán trực tuyến. Đối với nội bộ cơ quan nhà nước phải triệt để ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong nghiệp vụ, chuyển từ ứng dụng theo nhu cầu sang ứng dụng CNTT bắt buộc để giải quyết nghiệp vụ… Tích hợp, đấu nối Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử và các phần mềm nghiệp vụ, cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ cho người dân, doanh nghiệp. Kiểm tra, giám sát thực thi tiếp nhận của công chức tại bộ phận một cửa, đánh giá mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng các hệ thống của tỉnh…
Ông Lê Tuấn Anh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo tình hình triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh yêu cầu các đơn vị cơ sở tập trung cải tiến các chỉ số thấp, có giải pháp cụ thể nâng cao từng chỉ số thành phần của Chỉ số PAPI. Phát huy vai trò MTTQ và Hội đoàn thể ở địa phương để kết nối người dân với chính quyền nhằm nâng cao chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở. Tập trung thực hiện tốt công tác tiếp dân; trợ giúp pháp lý; cải tiến hoạt động bộ phận một cửa ở cơ sở…
Đối với dịch vụ công trực tuyến, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh yêu cầu các ngành, địa phương nhanh chóng rà soát, triển khai nâng 93 dịch vụ công mức 3 lên mức 4. Khẩn trương làm 500 E-form (biểu mẫu điện tử) cho các TTHC mức độ 3, 4 còn lại, đảm bảo E-form thân thiện, dễ nhập liệu. Đồng thời nâng 344 TTHC mức độ 2 lên mức độ 3, khẩn trương triển khai App tương tác, tra cứu thông tin để thuận lợi cho người dân. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các cấp, các ngành cần nâng cao công tác phối hợp, triển khai thực hiện để tiếp tục cải thiện và nâng cao mức dịch vụ công trực tuyến trong thời gian tới.