Quảng Ninh luôn tích cực, có nhiều đổi mới về cải cách hành chính (CCHC), không ngừng nâng cao chất lượng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giữ vững vị trí nhóm đầu về các chỉ số đo lường chất lượng phục vụ hành chính.
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tiếp nhận hồ sơ TTHC của công dân.
Những năm gần đây, Quảng Ninh trở thành ngôi sao sáng trong CCHC của cả nước khi liên tiếp dẫn đầu về các chỉ số đo lường chất lượng phục vụ hành chính. Trong 3 năm liên tiếp (2017-2019), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của Quảng Ninh đứng đầu cả nước; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) luôn đứng trong nhóm đầu và đứng thứ nhất năm 2019; Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) từ chỗ đứng thứ 62/63 tỉnh, thành phố năm 2016 vươn lên vị trí thứ 3 toàn quốc năm 2019; Chỉ số về độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển CNTT-TT (ICT Index) năm 2019 đứng thứ 3/63 trong cả nước sau 3 năm liên tiếp giữ vị trí thứ 4. Thành quả đạt được minh chứng cho sự thống nhất, đoàn kết, tư duy đột phá và những nỗ lực không ngừng của các cấp chính quyền tỉnh để hướng tới nền hành chính phục vụ.
Không ngủ quên trên chiến thắng, tỉnh Quảng Ninh khẳng định vẫn còn nhiều dư địa để cải cách phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn. Do đó phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác CCHC, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ.
Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh đã xác định CCHC là một trong 3 đột phá chiến lược và phấn đấu hằng năm giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI. Đây là lần đầu tiên, các chỉ số này được đưa vào thành một chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh cũng là địa phương duy nhất trong nước đưa các chỉ số này vào văn kiện Đại hội. Điều đó thể hiện sự cam kết của tỉnh với nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân về xây dựng một chính quyền phục vụ, do nhân dân, vì nhân dân, hoạt động hiệu lực hiệu quả. Đồng thời, trở thành nội dung có tính chất bắt buộc với tất cả hệ thống chính trị toàn tỉnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ hằng năm của các cấp chính quyền trong tỉnh.
Để hiện thực hóa quyết tâm của tỉnh, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung thực hiện cải cách quyết liệt, hiệu quả TTHC; thực hiện có hiệu quả nguyên tắc “5 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, trung tâm hành chính công cấp huyện; cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Đến nay, trung bình các TTHC đưa vào Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã được cắt giảm tới 45% thời gian giải quyết so với quy định của Trung ương; 74% TTHC được giải quyết theo quy trình "5 tại chỗ" ở cấp tỉnh và có 90-100% ở cấp huyện.
Nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt nhất trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tăng tỷ lệ người dùng. Hiện trên Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Quảng Ninh đã cung ứng 1.552 TTHC mức độ 3, 4 (đạt 92,99%), trong đó có 625 TTHC mức độ 4 (đạt 36%); trên 70% số người dân, doanh nghiệp trong tỉnh sử dụng các dịch vụ chính quyền điện tử... Thời gian giải quyết TTHC được rút ngắn, tạo sự thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp, người dân. Nhờ đó, mức độ hài lòng của người dân, tổ chức tiếp tục có sự cải thiện đáng kể, đạt 99,7% ở cấp tỉnh và 99,9% ở cấp huyện.
Sở GTVT tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Từ đầu năm 2020 đến nay, trước tình hình dịch Covid-19, tỉnh và các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn lao động, hỗ trợ các doanh nghiệp FDI đưa các chuyên gia, lao động chất lượng cao từ nước ngoài vào làm việc. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, giải quyết TTHC để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư ngoài ngân sách, đặc biệt là các dự án trọng điểm, có quy mô lớn, có sức lan tỏa. Những nỗ lực trên đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đóng góp quan trọng vào hoàn thành "mục tiêu kép" vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa ổn định kinh tế - xã hội, nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng, củng cố niềm tin của người dân và doanh nghiệp với chính quyền tỉnh.
Phát biểu tại buổi gặp mặt CB,CC,VC toàn tỉnh đầu Xuân Tân Sửu, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Chưa bao giờ người dân và doanh nghiệp đặt niềm tin và sự kỳ vọng vào tỉnh lớn như hiện nay. Đây vừa là nguồn lực, động lực cũng là áp lực để thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện chính quyền địa phương liêm chính, phục vụ, thực sự “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”, hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả.
Để giữ vững vị trí nhóm đầu về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI theo đúng mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh, trong năm 2021 Quảng Ninh tiếp tục tạo bước đột phá thực chất và hiệu quả hơn nữa về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; cắt giảm và đơn giản hóa các TTHC, điều kiện kinh doanh, cấp phép; rà soát các dự án ngoài ngân sách có sử dụng đất đã đủ điều kiện khởi công để có kế hoạch cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp; tập trung giải quyết ngay các thủ tục thuộc thẩm quyền cấp tỉnh trong quý I/2021. Từng sở, ngành, địa phương chủ động tháo gỡ dứt điểm các khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhất là ngành Than, công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, xây dựng,… tăng nhanh năng lực sản xuất, sản lượng. Mỗi CB,CC,VC toàn tỉnh cải tiến phương thức làm việc, thích ứng với tình hình, khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý có hiệu quả công việc; tuyệt đối để không lỡ hẹn với người dân và doanh nghiệp.