Làm chậm, làm sai phải... xin lỗi dân
Một buổi sáng cuối tháng 10, chỉ trong chưa đầy một giờ đồng hồ sau khi nhận thông báo thuế và nộp tiền tại kho bạc, anh Trần Đình Đức, ở phường 10, TP Vũng Tàu, đã cầm trên tay Giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất mà anh vừa sang nhượng. Nét mặt hồ hởi, anh chia sẻ: "Trước đây, tôi rất ngại đến các cơ quan hành chính không chỉ bởi thủ tục phức tạp, rườm rà mà còn bởi thái độ cửa quyền, hách dịch của cán bộ. Nay thay đổi nhiều lắm. Nếu TP Vũng Tàu giữ được cung cách làm việc thế này, chắc chắn không có "đất" cho mấy người làm cò mồi, dịch vụ".
Qua theo dõi, khảo sát, sự tín nhiệm và hài lòng của người dân Vũng Tàu đối với các cơ quan hành chính ngày càng tăng, nhất là trong lĩnh vực đất đai, vốn rất "nóng" từ nhiều năm trước. Bà Nguyễn Thị Ba (ngụ 46 Bạch Đằng, TP Vũng Tàu), cho biết: "Tôi đã nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng cho hơn 2.000 m2 đất của gia đình sau nhiều năm gõ cửa cơ quan chức năng. Mặc dù rất bức xúc vì sự chậm trễ đó nhưng khi nhận được lời xin lỗi của chính quyền địa phương, tôi thấy rất vui. Tôi hài lòng vì thấy chính quyền gần dân, thương dân hơn". Chị Trần Thị Ngát (ngụ 286/3/2 đường Trần Phú, TP Vũng Tàu) cũng bất ngờ khi nhận được thư xin lỗi của Bộ phận giải quyết hồ sơ TP Vũng Tàu vào ngày 21-9 vừa qua, khi cơ quan này trễ hẹn trong việc giải quyết hồ sơ của chị. Chị Ngát chia sẻ: "Khi được giải thích nguyên nhân trễ hẹn và biết hồ sơ của mình vẫn đang được xem xét giải quyết, điều đầu tiên tôi cảm nhận là mình được tôn trọng, đồng thời cũng an tâm về cách làm việc có trách nhiệm của cơ quan chức năng. Với cách làm này, người dân hiểu và thông cảm cho cơ quan nhà nước hơn".
Thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 11-2016, TP Vũng Tàu đã giải quyết được gần 15 nghìn hồ sơ hành chính về đất đai, trong đó số hồ sơ giải quyết đúng hạn chiếm tới 75%. Đây là một con số ấn tượng trong bối cảnh nhiều năm trước, số hồ sơ đúng hạn chỉ đạt dưới 50%. Đáng chú ý, từ chỗ có hơn 50% số xã, phường trên địa bàn thành phố có chỉ số CCHC nằm trong nhóm trung bình và yếu, đến nay, số đơn vị đã lọt vào nhóm tốt và khá tăng đáng kể. Điển hình như các phường 1, 2, Thắng Nhì, Thắng Tam... Trong lĩnh vực đất đai, sự chậm trễ chỉ tập trung chủ yếu vào những hồ sơ xin cấp giấy lần đầu. Những hồ sơ làm thủ tục mua bán, sang nhượng hầu hết đều xong trước hoặc đúng hạn.
Tương tự như vậy, tại TP Bà Rịa, qua thống kê, hơn 90% số hồ sơ hành chính của người dân và doanh nghiệp được trả đúng hẹn. Riêng tại phường Kim Dinh, nhiều tháng nay không có hồ sơ tồn đọng hay trễ hẹn. Bác Nguyễn Đức Xuân ở phường Long Tâm cho biết: "Giờ không còn cảnh người dân khúm núm, sợ sệt mỗi khi đến cơ quan công quyền nữa. Chúng tôi tự tin bởi thái độ niềm nở, thân thiện của các cán bộ nơi đây".
Loại bỏ những cán bộ thoái hóa, yếu kém
Để đạt được những kết quả đáng khích lệ nêu trên, theo lãnh đạo TP Vũng Tàu, công tác cán bộ luôn phải được đặt lên hàng đầu. Bí thư Thành ủy Vũng Tàu Mai Ngọc Thuận chia sẻ: "Cán bộ suy thoái, yếu kém chính là rào cản đối với công tác CCHC. Muốn CCHC thành công, tất yếu phải loại khỏi bộ máy những cán bộ này". Đó chính là lý do trong hai năm 2015 và 2016, TP Vũng Tàu đã luân chuyển, điều động, bổ nhiệm hơn 130 trường hợp. Trong đó có hàng chục cán bộ được điều động từ thành phố về phường, xã làm bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch hoặc từ phường, xã lên thành phố. Đồng thời xử lý kỷ luật nhiều cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm quy chế, nội quy làm việc, gây hậu quả xấu.
Tại hội nghị về CCHC với lãnh đạo 82 xã, phường trên địa bàn tỉnh mới đây, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng yêu cầu các địa phương phải báo cáo đầy đủ những khó khăn, bất cập trong công tác CCHC trên địa bàn, đồng thời có hướng xử lý, tháo gỡ cụ thể đối với từng trường hợp, để qua đó chấn chỉnh, quy trách nhiệm cho từng cá nhân, tập thể.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Sầm Văn Mão nhận định: "Vai trò của cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu đơn vị, trong công tác CCHC rất quan trọng. Đây là nhân tố quyết định, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách đã đề ra. Năm 2016, với quyết tâm đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ thoái hóa, biến chất, yếu kém về năng lực, có hành vi, biểu hiện nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng và ban hành 26 văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác CCHC, đồng thời tổ chức nhiều đoàn kiểm tra CCHC, kể cả kiểm tra lưu động, kết hợp giữa giám sát và rà soát việc thực hiện thủ tục hành chính của các cơ quan trên địa bàn. Qua đó, tỉnh đã ban hành 47 quyết định công bố thủ tục hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã với 2.047 thủ tục, trong đó bãi bỏ gần 1.000 thủ tục".
Cũng theo Phó Giám đốc Sầm Văn Mão, năm 2016 là năm thứ ba liên tiếp tỉnh tiến hành xếp hạng và công bố kết quả chỉ số CCHC để đánh giá năng lực của hệ thống cơ quan hành pháp tại địa phương. Kết quả công bố chỉ số CCHC là tiêu chí quan trọng đánh giá thi đua với các tập thể, cá nhân trong thực thi nhiệm vụ; là cơ sở để xem xét, bố trí, sắp xếp và sử dụng đối với đội ngũ cán bộ, công chức. Đơn cử như tại xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc), một trong những xã nhiều năm nằm trong nhóm cuối bảng xếp hạng. Theo Chủ tịch UBND xã Vũ Văn Huân, ngoài những hạn chế như chưa xây dựng lịch công tác tuần, chưa niêm yết công khai danh sách hộ nghèo, quy hoạch sử dụng đất, thì khuyết điểm lớn nhất là xã chưa thực hiện đúng quy trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính theo quy định. Cán bộ, công chức nhận hồ sơ của dân không theo đúng quy trình, không có phiếu biên nhận, không cập nhật vào sổ theo dõi, không ghi ngày trả kết quả... Do đó, Sở Nội vụ đã kiến nghị nhiều giải pháp, kể cả thay thế, luân chuyển những cán bộ yếu kém, để sớm khắc phục những hạn chế vừa nêu. Đáng chú ý, qua kiểm tra, thanh tra và xếp hạng, nhiều đơn vị từ chỗ có tỷ lệ hồ sơ chậm, sai hẹn cao nay không những đúng hẹn mà còn rút ngắn được thời gian xử lý. Điển hình như trong chín thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, như đăng ký thành lập doanh nghiệp, thông báo - đăng ký thay đổi doanh nghiệp, thay đổi chi nhánh, văn phòng đại diện..., các doanh nghiệp giờ chỉ mất hai ngày thay vì ba ngày như trước đây để hoàn thành thủ tục.
Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương hội tụ nhiều lợi thế để phát triển nhanh và bền vững. Trước kỳ vọng đón một làn sóng đầu tư mới vào địa phương sau chu kỳ mười năm, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận thức rõ những thách thức trong thời gian tới. Trong bảy nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và giai đoạn 2016-2020, CCHC được tỉnh xem là ưu tiên số một. Tại nhiều hội nghị bàn giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, giải quyết các vấn đề xã hội, dân sinh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Hồng Lĩnh đều cương quyết yêu cầu chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn phải thay đổi lề lối làm việc; phải xác định CCHC là khâu đột phá để phát triển. Nỗ lực tăng tốc, "cất cánh" của Bà Rịa - Vũng Tàu trong chu kỳ mười năm tới có thành công hay không phụ thuộc hoàn toàn vào thành công của công tác CCHC trên địa bàn. Đó không chỉ là yêu cầu, nhiệm vụ. Đó là mệnh lệnh từ cuộc sống.
Theo báo Nhân dân điện tử