Nguồn tài chính bền vững cho ngành xử lý rác và một số kiến nghị về cơ chế ưu đãi

Thứ sáu, 03/04/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hiện trạng về rác thảiRác là sản phẩm do con người tạo ra, nó là thứ mà con người không còn dùng đến, vứt bỏ và muốn tránh xa vì nó không sạch, nó sẵn sàng gây ô nhiễm cho bất cứ ai nếu đến gần và bất cẩn. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết cách phân loại rác thì chúng có thể tái sử dụng để phục vụ lại cho hoạt động của con người.

Với 2 mặt đối nghịch: có hại và có lợi, thời gian qua chúng ta dường như chưa quan tâm sâu sắc đến rác, nếu có quan tâm cũng chưa đầy đủ so với yêu cầu công việc của rác mà nó luôn phát sinh từng giờ, từng phút.

Những người công nhân hàng ngày được giao nhiệm vụ don dẹp và xử lý rác dường như làm việc theo quán tính và họ cũng có những cải tiến nho nhỏ để gọi là “hôm nay tôi hơn hôm qua”. Như vậy làm sao có thể nói là “đi tắt đón đầu” trong sự phát triển theo yêu cầu của xã hội Việt Nam, của ngành xử lý rác? Hay sự tiến bộ của ngành môi trường là cần rút ngắn sự lạc hậu so với thế giới.

Trong thời gian gần đây, rác được nhiều người nhắc đến vì nó đã thực sự gây ra những rắc rối cho chính quyền, sự không đồng thuận của dân chúng trong việc chúng ta thiếu tôn trọng những người xung quanh, gây ra ô nhiễm cho cộng đồng dân cư ở những nơi tập trung rác. Báo, đài, các phương tiện truyền thông đại chúng cũng nhắc đến ý thức của người dân hàng ngày khi thải ra rác cũng như sự quan tâm của chính quyền trong việc tổ chức thu gom, lưu trữ và vạn chuyển rác.

Nguồn tài chính bền vững cho ngành xử lý rác

Tôi biết rằng ở những nước có điều kiện phát triển hơn Việt Nam, họ có nhiều giải pháp, công nghệ và những phương pháp ứng xử với rác một cách hài hoà và thân thiện, được mọi người trong cộng đồng chấp nhận, và có những hàng động làm tăng nhận thức của con người để ứng xử với rác một cách có trách nhiệm.

Để cho ngành rác được tiến bộ thì cần có sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý.... Nhưng hoạt động nào cũng cần có tiền. Tiền bao nhiêu thì đủ? Vậy hãy để cho thị trường xác định và tạo điều kiện cũng như giải pháp để nguồn tài chính ổn định.

Tuy nhiên, tính ổn định về mặt thu nhập của dân ta chưa cao, mức thu nhập ít và chưa ổn định, an sinh xã hội chưa tốt. Các khoản chi cho công tác dọn rác cũng gây khó khăn cho các hộ nghèo, nhưng trong xã hội không phải hộ nào cũng nghèo. Do vậy, để bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, chúng ta nên hỗ trợ các hộ nghèo (bao cấp) và tất cả phải tính theo cơ chế thị trường thì nguồn tài chính mới mong ổn định và bền vững.

Nhưng như thế cũng chưa đủ. Trong xử lý rác, công nghệ càng cao, chất lượng xử lý càng tốt thì chi phí càng lớn... và nếu chúng ta không có một cơ chế thích hợp thì một số người do mưu cầu cuộc sống và những mục tiêu khác nên cần phải có lãi, và vì muốn nhiều lãi mà người ta không thể đầu tư công nghệ xử lý cao được, thậm chí xử lý cẩu thả.

Như URENCO Hà Nội - một trong những đơn vị được đầu tư nhà máy làm phân compost tương đối tốt và sớm.... Nhưng liệu bản thân hoạt động sản xuất tại phân xưởng phân compost này có lãi không? Cơ chế nào để các nhà máy sử dụng rác làm phân compost tồn tại được?

Trước tình hình sản xuất ra phân compost giá thành cao, khó bán do giữa người nông dân và người làm ra phân chưa thể gặp nhau về giá cả. Vì thế Nhà nước cần tác động hỗ trợ ở điểm này.

Về lĩnh vực tái chế ni lông

Như chúng ta biết, ni lông là kẻ thù của đất. Nó luôn tìm cách chiến chỗ của đất và tồn tại trong đất lâu dài. Khi ở trong đất, ni lông lại thải ra những độc tố nguy hiểm làm ảnh hưởng đến chất lượng đất. Báo chí và nhiều ngành cũng đã tốn kém nhiều thời gian, giấy mực để nói về hiện tượng này. Chính vì thế mà Nhà nước khuyến khích tái chế ni lông để sử dụng, biến ni lông từ thứ bỏ đi thành những vật dụng có ích trong đời sông con người.

Tuy nói thế nhưng khi bắt tay vào tái chế ni lông thì mới thấy nhiều rắc rối xảy ra. Những rắc rối đó có thể là:

 - Ni lông thu gom về, chuẩn bị sản xuất: chi phí kho.

 - Lấy ra băm, rửa: chi phí xử lý nước thải.

 - Phơi, sấy: phơi thì tốn nhân công, khi gặp gió thì ni lông bay tứ tung; sấy thì tốn nhiên liệu: chi phí sấy khô.

 - Đùn, ép ra hạt nhựa: chưa có công nghệ ổn định: chi phí tạo hạt.

Và các chính sách thuế phải nộp, nhất là đối với doanh nghiệp TNHH, cổ phần.

Tất cả đổ dồn lên hạt nhựa tái chế và giá cả tăng vượt lên quá cao, bán không được, dẫn đến việc nhà máy tái chế phải đóng cửa. Làm sao khuyến khích tái chế được?

Rác trong việc tái chế làm vật liệu sử dụng

Cát, xỉ than, bùn độc hại... đều có thể làm VLXD với các phụ gia đông kết như xi măng.... Sau khi đúc thành gạch sẽ không phát tán hay phân rã, làm ảnh hưởng đến môi trường đất mà là vật liệu phục vụ dân sinh rất hữu dụng như gạch lát nền, vỉa hè, gạch xây tường.

Nếu những chất thải này không thể làm VLXD thì nó là chất thải khó xử lý, dễ gây ô nhiễm, đem chôn lấp an toàn thì tốn kém chi phí và tốn quỹ đất, tài nguyên đất sẽ hết dần. Nếu sản xuất ra VLXD thì giá thành cao, không bán được nên cần trợ giá cho người sản xuất để vật liệu này được đưa vào sử dụng với giá thấp nhất. Nhiều thứ tái chế khác cũng lâm vào cảnh tương tự nếu người sản xuất làm đúng quy trình.

Chính sách cho người sử dụng vật liệu tái chế, thu gom phế thải

Cần phải có chính sách ưu đãi cho người sử dụng nguyên vật liệu từ nguồn rác tái chế để vận động cả xã hội tham gia công tác bảo vệ môi trường, hạn chế lãng phí tài nguyên, bền vững trong phát triển kinh tế.

Kiến nghị về cơ chế ưu đãi cho ngành xử lý rác

Hiện tại chúng ta chỉ hô hào, phát động phong trào chung chung, chưa có một chính sách nào cụ thể ưu đãi cho doanh nghiệp, cho những cá nhân có tâm huyết trong việc thể hiện những hành động liên quan đến cải thiện môi trường, tiết kiệm tài nguyên, nâng cao khoa học, công nghệ trong việc xử lý tái chế sử dụng rác hay sản xuất thiết bị từ rác tái chế, xử lý rác.... Thậm chí, chính sách thuế là đơn giản nhất trong các chính sách nhưng cũng không có ưu đãi nào cho người tái chế thì làm sao môi trường tốt hơn được?

Do vậy, Bộ Xây dựng cùng với Bộ Tài nguyên - Môi trường cần có một Viện kinh tế về rác để giúp xây dựng chính sách tốt hơn góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường. Chúng ta chỉ cần có những chính sách như các nước tiên tiến cũng là tốt rồi.

Công ty Cấp thoát nước môi trường Bình Dương cũng là một thành viên hàng ngày cũng phải đối mặt với công việc rác. Chúng tôi mong muốn không lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức, tài nguyên và không muốn nghe sự chê bai của dân chúng vì những hành vi chậm tiến bộ của mình. Do vậy, chúng tôi rất tâm huyết muốn tìm các giải pháp để làm cho rác ngày càng thân thiện hơn với mọi người và phát huy được tiềm năng của rác.

Đồng thời chúng tôi cũng muốn các cấp chính quyền, các nhà quản lý, các nhà khoa học phải đặt ra một chương trình, một kế hoạch, một giải pháp tài chính cho vấn đề xử lý rác. Trong thời gian qua, việc xử lý rác luôn bám vào nguồn ngân sách quốc gia, ngân sách của chính quyền sở tại (từ nguồn thuế của dân), và không phải nơi nào nguồn ngân sách cũng khá giả để hỗ trợ đầy đủ cho việc rác. Sự hạn chế trong chi tiêu cho việc thu gom, xử lý rác và sự thiếu hụt kinh phí cho rác, nguồn tài chính cho rác không ổn định và không tốt đã làm cho rác trở nên là nỗi sợ hãi cho người sống hay làm việc gần với rác.

Qua hội thảo này, những người làm công tác xử lý rác như chúng tôi mong muốn có những giải pháp tốt về rác để chúng tôi yên tâm hơn trong hoạt động thu gom, xử lý rác mà xã hội đã giao cho.

Nguồn: Tham luận của ThS. Nguyễn Văn Thiền - GĐ.Cty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương tại Hội thảo quốc gia Công nghệ xử lý chất thải đô thị và khu công nghiệp, tháng 3/2009

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)