Đền Bahái Faith ý tưởng thiết kế táo bạo và công nghệ xây dựng đột phá

Thứ ba, 31/03/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Mỗi kiến trúc tâm linh: đền, chùa, nhà thờ... thường gắn liền với một vị thần nào đó. Chùa gắn với Phật, nhà thờ gắn với chúa Giêsu, Đức mẹ đồng trinh, hoặc các vị thánh. Các ngôi đền dân gian gắn với những nhân thần hoặc thiên thần, thậm chí các ngôi miếu nhỏ cũng gắn với việc thờ cúng các vong hồn cụ thể nào đó.

Đền Bahái Faith ở New Deli, Ấn Độ do kiến trúc sư Fariborz Sahaba thiết kế không để thờ cúng một thần linh cụ thể nào, ngôi đền lộng lẫy nguy nga này đã minh chứng cho một quan điểm về tôn giáo thân thiện, kỳ diệu lạ thường. Ngôi đền là sự kết tinh của những khái niệm về văn hoá, triết học và tôn giáo cao siêu nhưng vô cùng đơn giản, gần gũi, thuần khiết và trong sáng.

Từ xa xưa loài người vẫn trăn trở đi tìm câu trả lời: sau khi chết, con người đi đâu? Có tồn tại không một thế giới khác ngoài đời thường? Những câu hỏi ấy là lý do để các tín ngưỡng, tôn giáo hình thành và phát triển. Kiến trúc tâm linh từ đó ra đời, cùng với một số người được coi là có khả năng đặc biệt (nhà sư, linh mục, mục sư...) giúp con người, bằng nhiều cách tiếp cận với thế giới siêu nhiên. Sự thông linh này dường như có thể giúp con người sống cân bằng hơn.

Mỗi tôn giáo đều có cách lý giải riêng về vị thần mà họ tôn thờ: chúa Giêsu, uy linh nhưng bằng hữu, nhân ái, Đức phật nhân từ trong sáng. Tất cả đều với một mục đích giúp con người hướng đến điều thiện, sống trong thế giới yên bình. Đền Bahái Faith là sự kết tinh của các tôn giáo trên thế giới. Không hiện hữu một đấng thần linh, không xuất hiện một vị thông linh nào, mà chỉ có con người với đấng tối cao của lòng mình. Cùng đến thăm ngôi đền, một kiến trúc sư thuộc Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận xét: ngôi đền không có vẻ là đền thờ, mà như một CLB Văn hoá. Quả vậy khi bước vào ngôi đền, nếu không rũ bỏ hết ưu phiền, lặng im, hướng lên trời qua một vòm hình ngôi sao sáng rực trên đỉnh ngôi đền, và hướng suy nghĩ về vị thần của lòng mình, tâm nguyện về một thế giới khác ngoài đời thường thì ngôi đền chỉ là một toà bê tông lạnh lẽo, vô vị.

Để thể hiện được điều kỳ diệu, có sự tồn tại của thế giới tâm linh ở ngôi đền này kiến trúc sư Fariborz Sahaba đã nhiều năm ròng rã đi tham quan hơn 100 ngôi đền của Ấn Độ, tìm hiểu bộ sử thi Mahabahrata, gặp gỡ những người dân thường thuộc nhiều tôn giáo khác nhau của Ấn Độ, ông đã quyết định lựa chọn hình tượng bông hoa sen đang hé nở cho kiến trúc của ngôi đền. Nhiều người đã dè bỉu cho rằng ngôi đền là một kiến trúc hình thức chủ nghĩa. Bằng sự bền bỉ, nhiệt huyết, với trái tim trong sạch rất dời thường và ý chí quyết tâm cộng với tâm hồn nhậy bén đã mách bảo ông rằng: “ chúa trời có thể dẫn dắt chúng ta đi bất cứ đâu”. Với triết lý đơn giản: mọc giữa ao tù, bùn lầy nhưng bông sen vẫn toả hương thơm, thanh tao ông đã biến sự thách thức thành sự hấp dẫn cho công việc thiết kế của mình. Ông cho rằng con người cần tìm ra mối quan hệ giữa trái tim và sự tâm huyết của mình. Muôn vàn khó khăn đã đặt ra trước mắt ông. Làm thế nào để khi bước vào ngôi đền, mỗi bước đi tâm hồn con người trở nên phong phú nhất. Dù không chú tâm thờ phụng mà bước vào ngôi đền cũng phải hiểu rằng: đây là đấng siêu nhiên cao nhất, đấng quyền năng tối cao chỉ dẫn cho con người. Để thực hiện được ý tưởng của mình, kiến trúc sư Fariborz Sahaba đã mời Công ty liên doanh Flint & Nelli London làm nhà tư vấn và Tập đoàn ECC thuộc Larsen &Tuobro Itd là nhà thầu chịu trách nhiệm về việc xây dựng đền thờ. Việc khảo sát địa hình, phân tích cấu trúc và bản vẽ kỹ thuật rất phức tạp, được thực hiện trong 2 năm rưỡi. Để chuyển tải hình tượng hoa sen qua các dạng hình học như spheres, lăng trụ, toroids, hình nón, kiến trúc sư và những kỹ sư đã phân tích và muốn gợi nên một điều: sự cân bằng về cấu trúc sẽ mang lại nguồn năng lượng dồi dào.

Tổ hợp của ngôi đền nhìn từ bên ngoài bao gồm chính điện, các khối nhà liền kề được sử dụng làm khu lễ tân, thư viện.... Ngôi đền bao gồm một tầng hầm kỹ thuật để các thiết bị điện và máy bơm, phần nổi trên mặt đất được thiết kế giống như một bông sen khổng lồ, dùng làm chính điện. Bông sen được bao bọc bởi 3 bộ cánh bằng bê tông mỏng, xếp đặt hài hoà. Lớp cánh ngoài cùng của 9 cánh sen là lối vào. Bộ cánh tiếp theo hướng vào bên trong. Các lối vào và lớp cánh ngoài cùng bao bọc sảnh ngoài. Lớp cánh thứ 3 là lá trong, hơi khép lại gợi phần búp. Gần mái các cánh sen lại tách ra tạo thành 9 cái đà tròn đỡ toà nhà. Vì bông sen mở, nên các nhà kết cấu đã dùng thép và kính ở trên mái để tránh mưa và cho ánh sáng tự nhiên chiếu vào, như lọc qua các lớp cánh sen, rồi toả đều vào chính điện tạo nên sự sống động đầy ấn tượng khiến ai bước vào đều cảm thấy như lạc vào thế giới tâm linh huyền diệu. Để thực hiện được điều này, các kiến trúc sư, kỹ sư, nhà cố vấn, người quản lý đã phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với tất cả trí tuệ và niềm tin. Lao động, cống hiến của họ cho sự toàn mỹ của ngôi đền là không gì có thể sánh được. Chỉ có thể hiểu đó là lẽ sống của họ. Ngôi đền là nơi gặp gỡ hài hoà của nhiều nền văn hoá, tôn giáo và dân tộc khác nhau, nơi khơi gợi nhận thức khái niệm và khích lệ hành vi hướng thiện. Chính vì vậy ngôi đền được xây dựng với chất lượng cao nhất, mà cấu trúc của bông sen đang hé mở và những cánh sen mảnh mai, mỏng dần từ trên xuống đã nói lên tất cả. Toà nhà bao gồm các hình cầu có bán kính khác nhau được thiết kế để đáp ứng các yêu cầu về độ dày mỏng khác nhau của lớp vỏ mái. Tương tự đối với lớp cánh bên ngoài của toà nhà. Lớp vỏ có độ dày tương đương, phía trên là 133 mm hướng xuống phía dưới sàn nhà được tăng dần lên 225 mm. Lối vào giống hình chiếc lá, rộng 18,2 m, đi sâu vào trong tăng dần rồi mở rộng ở phía bục lên 22,5 m ở phía trên. Các cánh sen được xếp đặt ngăn nắp, theo quy luật tăng dần, với những đường cong tạo thành vòng trung tâm rộng - không gian linh thiêng của ngôi đền.

Bao bọc bông sen là lối đi bộ phía dưới rộng 14 m với một khung dầy 200 mm, được trang trí bằng những chắn song cong rất đẹp, bên trong các cánh hoa là một số cầu thang bộ. Phần chính, xung quanh sảnh trung tâm được chia làm 9 cánh cổng nhỏ, trang hoàng lộng lẫy chếch nhau với 40 cung bậc. Đây là phần chịu lực chính của toà nhà. Nét độc đáo của không gian chính trong cảm nhận như là những cánh máy bay, tạo ra sự mới lạ của cấu trúc. Phía dưới lối vào và phần ngoài là 9 cổng lớn, tạo thành một vòng tròn. Một hàng bậc qua từng cánh cổng dẫn vào sảnh chính. Lớp trong cùng đóng lại bởi kiến trúc mái vòm với các đường chéo đan xiên nhau. Nhìn từ trong lớp khung chéo dường như biến mất, nhường chỗ cho hình tròn hội tụ. Một lớp cao su tổng hợp được chèn vào giữa các trụ tròn và vòm mái để tránh giãn nở khi nhiệt độ thay đổi.

Kết cấu của ngôi đền rất phức tạp: 3 khung mái được uốn từ đỉnh chóp đến mỗi cánh cổng. Khung mái vòm chính toả tròn về phía trung tâm, 2 khung còn lại tách khỏi trung tâm và nối vào các cánh cổng còn lại. Các khung tròn khác đều hướng về trung tâm và gặp nhau tại mái vòm chính.

Tương tự, trang trí nội thất không hề đơn giản, bởi chính cấu trúc độc đáo bằng những hình tròn đuổi nhau của công trình. Và để đạt những thông số nội thất chính xác, cần một hệ thống toạ độ x,y,z liên kết dọc với 40 cấp độ khác nhau, được xử lý bằng máy tính.

Cuối cùng, việc thi công ngôi đền được các nhà thầu tính toán kỹ lưỡng. Trước hết, xác định bán kính xuyên tâm theo trục dọc của 18 đường tròn tạo các mặt cong lệch nhau với độ mở nhẹ nhàng, nhưng truyền cảm mãnh liệt, tính từ trung tâm của ngôi đền. Tầng hầm và các sàn trong được thi công trước, tiếp theo là các cổng và mái bằng hệ thống cốp pha tháo lắp linh hoạt, trong khi khu trung tâm lại được thi công độc lập. Vòm mái độc đáo nhất, có 2 nếp gấp, mỗi nếp có 3 mái và chếch nhau 1200. Chính sự chênh lệch này đã đặt các kỹ sư thi công trước những thử thách lớn. Đặc biệt trong thiết kế ván khuôn, độ chênh tối đa cho phép là 3 mm, với khoảng cách 1 m. Đổ bê tông mái chỉ được phép tiến hành 3 mái một lần và phải chênh nhau 1200, để giảm thiểu áp lực lên các khung và ván khuôn càng nhiều càng tốt. Trong khi phải giảm mối ghép để tránh sự co giãn của bề mặt bê tông, không tạo ra các vết nứt. Riêng đỗi với lớp trong, các mối ghép chỉ được phép ở độ cao 24,8 m để không nhìn thấy từ nền nhà.

Khung phải nâng được đà chính và các xà bên trong mà không ảnh hưởng tới kết cấu thép bê tông. Dàn giáo bằng ống thông thường có tính đến độ chênh của các khớp nối. Cấu trúc khung thép hàn là phù hợp, bởi tránh được độ chênh của các khớp nối và việc thi công, lắp đặt dễ dàng hơn nhiều.

Trang trí ở mặt trong của mái giống nhau bằng những hoạ tiết quanh trên cột. Đối với lớp ngoài, lối đi và nội thất mái vòm bên trong, các hoạ tiết được tạo ra dọc các luỹ tuyến của đường tròn.

Các khung bê tông bên trong đỡ mái vòm của từng cách xếp thẳng hàng với các vết nối bằng chất dẻo tổng hợp, tránh được sự co giãn tự nhiên. Để các vết nối ở phía trong trông không thô cứng, các lớp bên trong được giật cấp 3 lần, có chỗ cao đến 14 m. Mặt khác, để thi công chính xác đồng thời các khối bê tông và khung của lớp ngoài phù hợp với hình khối kiến trúc, cần xác định các điểm cố định. Chính thông qua việc kết nối chặt chẽ giữa lớp trong và ngoài tại một số điểm đã định, giảm được sức nặng của khung thép và hạn chế độ vênh của khuôn ván bê tông. Hơn thế, bề mặt lớp ngoài của mái hoàn thiện mà không cần có sự điều chỉnh thêm.

Việc quy hoạch môi trường cảnh quan của ngôi đền Bahái Faith được kiến trúc sư quan tâm đặc biệt. Toạ lạc tại thủ đô của đất nước có rất nhiều tôn giáo, để có thể thu hút các tôn giáo, ngôi đền phải đạt đến độ hấp dẫn lạ kỳ. Nhìn từ xa, ngôi đền như mọc lên từ đầm lầy, như hoà vào cảnh vật thiên nhiên và luôn tươi mới. Toà chính điện gợi hình bông sen giữa 9 hồ nước. Mặt nước không chỉ làm đẹp cảnh quan, mà còn tạo sự thông thoáng tự nhiên cho ngôi đền. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với Ấn Độ, nơi khí hậu khắc nghiệt, nóng, nắng tới 470C, lạnh xuống âm 400C. Kiến trúc sư Fariborz Sahaba phối hợp với Trường Đại học Imperial College, London của Anh nghiên cứu, khai thác kinh nghiệm dân gian của Ấn Độ về thông gió cho ngôi đền. Khí của ngôi đền được hoạt động như một ống khói. Mặt trời toả khí ấm áp ở sảnh, lưu thông rồi len lỏi vào các cánh hoa, đi lên. Không khí khô lạnh đi qua sảnh ra hồ nước và ra ngoài. Khi phần trên mở, những chiếc quạt chạy liên tục, tạo ra hơi lạnh của nước hồ từ ngoài vào đền từ từ, hệ thống quạt khác ở bên trong, thổi hơi lạnh điều hoà, làm cho chỗ nào cũng mát.

Vật liệu xây dựng là bê tông, thép, kính và đặc biệt là đá hoa cương truyền thống được chế tác rất cầu kỳ. Màu trắng tinh khiết của ngôi đền như toả sáng rực rỡ giữa một vùng thiên nhiên rộng lớn. Hiệu quả ánh sáng và nước cho cảm giác bầu trời và vũ trụ trong công trình.

Kinh phí xây dựng ngôi đền được quyên góp từ những người hảo tâm và từ những ngôi đền khác của Ấn Độ. Nhiều cuộc điều tra xã hội học cho thấy kết quả thật bất ngờ, số lượng người tham gia quyên góp không thể thống kê được, vì việc xây dựng ngôi đền diễn ra trong vòng 6 năm 8 tháng. Khởi công 21/4/1980 đến 21/12/1986 hoàn thành. Ngay sau khi hoàn thành, ngôi đền Bahái Faith đã tạo ra một làn sóng thăm quan lớn nhất Ấn Độ, mỗi năm có hàng triệu người từ khắp nơi trên thế giới về đây chiêm ngưỡng ngôi đền với sự thành kính và ngưỡng mộ. Ngôi đền đã để lại dấu ấn của sự khởi nguồn về tinh thần, mang lại sự bình yên cho tâm hồn mỗi người.

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)