Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 quy định chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội, do đó đối với các gói thầu xây dựng đã ký hợp đồng (với đơn giá bao gồm thuế GTGT 10%) khi nghiệm thu trong thời gian từ ngày 1/7/2024 đến ngày 31/12/2024 sẽ áp dụng đơn giá với mức thuế GTGT 8%, tức là sẽ có khoản giảm thuế GTGT 2% dư ra.
Thực tế, tôi thấy có một số chủ đầu tư dự án sử dụng ngân sách nhà nước, có thời gian thực hiện dự án đến ngày 31/12/2024 đang lấy chi phí do mức giảm thuế GTGT 2% của các gói thầu với hình thức hợp đồng trọn gói (mẫu hợp đồng áp dụng theo Thông tư số 02/2023/TT-BXD ngày 3/3/2023 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, chi phí của dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 9/2/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, Nghị định số 50/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng) để bổ sung hạng mục mới, tổng mức đầu tư không vượt tổng mức đầu tư đã phê duyệt.
Đối với việc làm trên, các cơ quan ở địa phương tôi đang tranh luận theo 2 quan điểm mà chưa thể thống nhất:
- Quan điểm 1: Chủ đầu tư không được dùng mức giảm thuế GTGT 2% của các gói thầu với hình thức hợp đồng trọn gói để đầu tư bổ sung hạng mục mới.
- Quan điểm 2: Chủ đầu tư được dùng khoản giảm thuế GTGT 2% của các gói thầu nêu trên để đầu tư bổ sung hạng mục mới.
Tôi xin Chính phủ hướng dẫn, giải đáp, việc làm của các chủ đầu tư đối với các gói thầu trọn gói của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước nêu trên thì quan điểm 1 hay quan điểm 2 là đúng? Hoặc hướng dẫn giúp trong trường hợp nào với điều kiện nào thì quan điểm nào đúng?
Thịnh Đức Hùng
(hungktht2022@gmail.com) -