Đại sứ Trần Đức Bình, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại ASEAN, chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, Đại sứ Trần Đức Bình đã chia sẻ với các nước tham gia EAS về ý nghĩa của chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” và các ưu tiên của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 nhằm thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN, đẩy mạnh quan hệ với đối tác vì hoà bình và phát triển bền vững, phát huy vai trò đóng góp của ASEAN trong cộng đồng quốc tế, mở rộng và nâng tầm quan hệ với đối tác, góp phần củng cố hoà bình, ổn định, an ninh và phát triển trong khu vực.
Các nước tham gia EAS hoan nghênh chủ đề năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam và khẳng định ủng hộ các ưu tiên của Việt Nam, sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam và ASEAN trong việc hiện thực hoá những ưu tiên này, cũng như các sáng kiến và hoạt động do Việt Nam đề xuất nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Cấp cao Đông Á (EAS) (2005-2020) và định hướng cho sự phát triển của Cấp cao Đông Á trong những thập kỷ tiếp theo trên cơ sở các thành tựu đạt được qua 15 năm, các nguyên tắc cơ bản đã được khẳng định giá trị và vai trò trung tâm của ASEAN, tiếp tục đóng góp cho hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực.
Cuộc họp ghi nhận và đánh giá cao kết quả tích cực của các hoạt động hợp tác nhằm thực hiện quyết định của Lãnh đạo Cấp cao được thể hiện thông qua các Tuyên bố Cấp cao Đông Á từ năm 2005 đến nay cũng như Kế hoạch Hành động Manila (2018-2022) trong các lĩnh vực chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, tăng cường kết nối ASEAN, hợp tác biển, công nghệ thông tin và truyền thông (ICTs), hợp tác năng lượng, môi trường và quản lý thiên tai…
Các nước cũng nhấn mạnh ưu tiên nguồn lực và thúc đẩy triển khai hợp tác trong các lĩnh vực nhiều tiềm năng như tài chính, giáo dục, ứng phó với biển đổi khí hậu, xử lý rác thải nhựa trên biển, và y tế…
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus corona (Covid-19), các nước khẳng định sự ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Trung Quốc ngăn chặn dịch lây lan, đồng thời nhấn mạnh cần chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong việc phát hiện và ngặn chặn dịch bệnh, hướng tới cập nhật và hoàn thiện các cơ chế phối hợp và ứng phó với dịch bệnh trong tương lai.
Tại cuộc họp, các nước trao đổi ý kiến và đánh giá về tình hình quốc tế và khu vực như vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, hỗ trợ Myanmar trong tiến trình hồi hương và giải quyết bền vững các vấn đề tại Ra-khai. Về Biển Đông, các nước đối tác khẳng định ủng hộ ASEAN và Trung Quốc đàm phán để sớm đạt được một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, hiệu lực phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), đồng thời nhấn mạnh các nguyên tắc tự kiềm chế, không quân sự hóa, giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, tránh các hành động làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin và ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán COC.
Cấp cao Đông Á (EAS) được thành lập năm 2005 và hiện có 18 nước thành viên bao gồm 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác của ASEAN (Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Liên bang Nga và Hoa Kỳ). Nước Chủ tịch ASEAN đồng thời là Chủ tịch của Cấp cao Đông Á. Cuộc họp Đại sứ các nước thành viên Cấp cao Đông Á (EAS) tại Jakarta được triển khai trên cơ sở Tuyên bố Cấp cao Đông Á năm 2015 với mục đích theo dõi và thúc đẩy việc triển khai quyết định của các Cấp cao Đông Á và các hoạt động hợp tác thuộc Kế hoạch Hành động Manila.
Theo Chinhphu.vn