Những tiến bộ về khoa học trong công nghệ xây dựng được tiếp cận một cách dễ dàng, các thiết bị tiên tiến thông minh được nhập khẩu, phục vụ ngành Xây dựng rất đa dạng, chất lượng cao để các DN có cơ hội học hỏi về kiến thức kinh doanh, quản trị DN... Bên cạnh đó, sự cạnh tranh cũng trở nên gay gắt hơn. Xu thế các gói thầu xây dựng lớn, các dự án mang tính phức tạp về kỹ thuật, yêu cầu về công nghệ cao... Đều do các Cty nước ngoài đảm nhiệm là nhà thầu chính như: Sumitomo, Obayashi, Toa, (Nhật Bản), Hyundai, Samsung, Kaengnam... (Hàn Quốc) hay các nhà thầu khác đến từ Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Đức...
Các DN xây dựng Việt Nam, phải trở thành những nhà thầu phụ cho các dự án ngay trên chính thị trường của mình. Và phần lớn họ phải chấp nhận làm thầu phụ với một chi phí giá thành thấp so với giá trúng thầu.
Một thống kê của ngành GTVT cho thấy, trên 67% các gói thầu giá trị lớn hơn từ 10 triệu USD có nguồn vốn vay ODA của ADB, WB, JCA... đều do các nhà thầu nước ngoài đảm nhận là nhà thầu chính. Một số nhà thầu Trung Quốc lại tập trung tham gia thi công các dự án phát triển về điện, công nghiệp.
Tại sao các Cty xây dựng Việt Nam không đảm đương được là những nhà thầu chính mà phải trở thành các Cty thầu phụ với giá thành thấp là do: Có nhiều yếu tố nhưng cốt lõi vẫn là những vấn đề xung quanh nội tại DN thiếu vốn, kinh nghiệm, công nghệ, khoa học và quản lý còn yếu, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội.
(Theo Amad 2006) Liên minh hợp tác hội tụ được 5 yếu tố cơ bản: Thứ nhất: Giúp các DN bổ sung thêm các nguồn lực về vốn, con người... để thực hiện dự án. Thứ hai: Mở rộng và phát triển thêm thị trường. Thứ ba: Tiếp thu được những công nghệ tiên tiến. Thứ tư: Giảm được chi phí và Thứ năm: Có điều kiện được học hỏi, tiếp thu những tri thức về quản lý DN, tổ chức kinh doanh, sản xuất... Liên minh chiến lược với nhiều hình thức khác nhau giữa các doanh nghiệp xây dựng như hợp tác để thực hiện dự án, tiếp thị sản phẩm hay bán hàng, cùng nhau tham gia đấu thầu một công trình, hợp tác về mặt công nghệ, đào tạo nhân lực cho đối tác trong liên minh...
Hiện nay, với mô hình các Tập đoàn kinh tế, Chính phủ đã thành lập một số tập đoàn trong ngành Xây dựng và BĐS bằng cách nhóm một số TCty Nhà nước có ngành nghề kinh doanh tương tự vào thành một tập đoàn, nhằm tăng các mối liên hệ hợp tác và phát huy các nguồn lực cao nhất, giảm cạnh tranh không cần thiết giữa các DNNN... Tuy nhiên, số lượng các DN CP và tư nhân hiện nay là con số đáng kể đã đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế quốc dân. Họ sẽ tự lựa chọn và định hướng để cạnh tranh và phát triển đạt hiệu quả để tồn tại bền vững.
Để chủ động hơn trong thị trường của mình và mở rộng trong tương lai, để tồn tại và phát triển, Liên minh chiến lược sẽ là một lựa chọn cho các DN ngành Xây dựng Việt Nam.
ThS Đặng Ngọc Việt
Chủ tịch HĐQT - Giám đốc Cty CP Lắp máy Điện nước và Xây dựng 1