Vừa qua, Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Thuận do Văn phòng Chính phủ chuyển đến với nội dung kiến nghị: “Ngày 29/10/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1942/QĐ-TTg về việc quy hoạch 05 nhà máy xử lý nước thải đô thị, nhưng đến nay mới chỉ có 01 nhà máy xử lý nước thải tại phường Phú Hải, thành phố Phan Thiết được xây dựng, còn lại 04 nhà máy chưa được xây dựng. Đề nghị Chính phủ quan tâm – Câu số 11 trong kiến nghị của Cử tri trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV thuộc lĩnh vực của Bộ Xây dựng”.Về vấn đề này, Bộ Xây dựng có công văn 1858/BXD-HTKT ngày 11/8/2017 trả lời như sau:
Theo quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1942/QĐ-TTg ngày 29/10/2014 (quy hoạch thoát nước lưu vực sông Đồng Nai), thành phố Phan Thiết sẽ xây dựng 05 nhà máy xử lý nước thải (nhà máy số 1, nhà máy số 2, nhà máy Hàm Tiến, nhà máy Mũi Né, nhà máy Hòn Rơm) với tổng công suất đến năm 2020 là 36.000 m3/ng.đ.
Căn cứ theo quy hoạch này, trong thời gian vừa qua Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương đã tích cực tìm kiếm nguồn lực đầu tư cho các dự án thoát nước và xử lý nước thải tại thành phố Phan Thiết để thực hiện quy hoạch nêu trên. Thông qua dự án phát triển đô thị vừa và nhỏ miền Trung - khoản vay ADB - Tiểu dự án Bình Thuận, nhà máy xử lý nước thải Phan Thiết đã được đầu tư xây dựng và chính thức đi vào vận hành vào năm 2015 đến nay công suất vận hành đạt khoảng hơn 90% công suất thiết kế. Qua quá trình sử dụng thực tế, các tuyến cống và nhà máy xử lý nước thải thuộc Dự án nêu trên đã phát huy hiệu quả tốt cho công tác thoát nước của thành phố.
Tuy nhiên theo Quy hoạch này thì hiện nay 04 nhà máy xử lý nước thải gồm: Nhà máy số 2, nhà máy Hàm Tiến, nhà máy Mũi Né và nhà máy Hòn Rơm chưa được đầu tư xây dựng bởi vì ngân sách địa phương còn hạn chế không có khả năng đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải nêu trên, đồng thời cũng chưa tìm kiếm được nhà tài trợ cho các dự án này. Vì vậy trong thời gian tới UBND tỉnh Bình Thuận tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tìm kiếm, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng các dự án trên. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Thuận cần xây dựng các giải pháp, cơ chế chính sách khuyến khích các nhà đầu tư nhằm huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện xây dựng các nhà máy xử lý nước thải nêu trên để đảm bảo sự phát triển bền vững của đô thị cũng như bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 1858/BXD-HTKT.