Thực trạng hoạt động của Thanh tra Xây dựng
Căn cứ Luật Thanh tra năm 2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2005/NĐ-CP ngày 06/4/2005 về tổ chức, hoạt động của Thanh tra Xây dựng (viết tắt là Nghị định số 46/2005/NĐ-CP). Đây là cơ sở pháp lý cho việc thành lập, tổ chức và hoạt động của lực lượng thanh tra chuyên ngành xây dựng hiện nay trên toàn quốc.
Tuy nhiên, trước khi ban hành Luật Thanh tra năm 2004 và Nghị định số 46/2005/NĐ-CP, xuất phát từ thực tế yêu cầu quản lý trật tự xây dựng, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã tổ chức lực lượng trực tiếp tham mưu, giúp UBND cấp huyện, xã thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Tùy theo từng địa phương, lực lượng này có tên gọi khác nhau: Đội quy tắc, đội trật tự xây dựng (ở cấp huyện); tổ quy tắc, tổ trật tự xây dựng (ở cấp xã). Bên cạnh nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng, các đội, tổ còn thực hiện một số nhiệm vụ khác như quản lý đất đai, trật tự lòng lề đường, hỗ trợ công tác giải phòng mặt bằng, cưỡng chế… Tuy vậy, lực lượng này có những hạn chế nhất định nên chưa phát huy được hiệu quả cao trong công tác quản lý trật tự xây dựng như: Công tác tuyển dụng cán bộ chưa được chuẩn hóa nên đa số cán bộ của lực lượng này có trình độ chuyên môn, năng lực hạn chế, không có nghiệp vụ và thiếu kiến thức pháp luật chuyên ngành, thậm chí có nhiều trường hợp cán bộ mới chỉ tốt nghiệp cấp ba, chưa qua bất cứ khóa học nào về nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra chuyên ngành xây dựng; nhân sự cho lực lượng này được tuyển dụng theo dạng hợp đồng, mức lương khoán thấp nên không thu hút được những người có trình độ vào làm việc. Do vậy, khi xử lý hành vi vi phạm trật tự xây dựng, nhiều trường hợp không khách quan, thiếu chính xác, gây bức xúc và không được sự đồng tình của người dân.
Mặc dù vậy, khi Nghị định số 46/2005/NĐ-CP được ban hành, lực lượng thanh tra chuyên ngành xây dựng chỉ được tổ chức ở hai cấp: Ở trung ương là Thanh tra Bộ Xây dựng (gọi tắt là Thanh tra Bộ), ở địa phương là Thanh tra Sở Xây dựng (gọi tắt là Thanh tra Sở), thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đối với tất cả các tổ chức, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, thực hiện chức năng thanh tra hành chính đối với các đơn vị thuộc quyền quản lý của Bộ Xây dựng (đối với Thanh tra Bộ) hoặc của Sở Xây dựng (đối với Thanh tra Sở). Ở cấp huyện và cấp xã không có lực lượng thanh tra chuyên ngành xây dựng theo quy định của Luật Thanh tra năm 2004.
Khắc phục tình trạng trên, để bổ sung lực lượng thanh tra xây dựng có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kịp thời thực hiện nhiệm vụ ổn định tình hình trật tự xây dựng tại các đô thị trên toàn quốc, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 10/2005/TTLT-BXD-BNV ngày 22/6/2005 Hướng dẫn về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Thanh tra Xây dựng ở địa phương (viết tắt là Thông tư liên tịch số 10/2005/TTLT-BXD-BNV). Theo quy định của Thông tư liên tịch số 10/2005/TTLT-BXD-BNV, ngoài Thanh tra Sở Xây dựng, lực lượng thanh tra xây dựng các địa phương được tổ chức theo hai mô hình: Thứ nhất, Thanh tra Sở thành lập các đội thanh tra xây dựng độc lập, cơ động hoặc liên quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Thứ hai, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp thành lập đội thanh tra độc lập tại các quận, huyện, thành phố, thị xã. Riêng thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 100/2002/QĐ-TTg ngày 24/7/2002 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm thành lập thanh tra chuyên ngành xây dựng thành phố Hà Nội.
Nhiều công trình vi phạm được xử lý kịp thời
Hiện nay trên toàn quốc có 39 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập các đội thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã, thành phố theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2005/TTLT-BXD-BNV như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Dương, Bình Thuận, Lâm Đồng… Đối với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng thanh tra xây dựng được thành lập đến cấp huyện, cấp xã theo quy định tại Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg ngày 18/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ thí điểm thành lập Thanh tra Xây dựng quận, huyện, xã, phường, thị trấn tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đội thanh tra xây dựng được thành lập ở hầu hết các quận, huyện. Cá biệt có tỉnh chỉ thành lập 1 - 2 đội thanh tra xây dựng cơ động như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thừa Thiên Huế; tỉnh thành lập nhiều đội nhất là Đồng Nai 11 đội, Bình Thuận 9 đội, Đắc Lắk và Lâm Đồng đều có 7 đội. Số lượng cán bộ Đội thanh tra xây dựng nhiều nhất là 20 người, ít nhất là 3 người, bình quân mỗi đội có từ 4 - 6 người. Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hầu hết các cán bộ của Đội thanh tra xây dựng đều có trình độ đại học, một số cán bộ thuộc các Đội thanh tra xây dựng đã được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra.
Nhìn chung các Đội thanh tra xây dựng đều thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn được giao: Nhiều công trình xây dựng không phép, sai phép được phát hiện và xử lý kịp thời. Số lượng các vụ vi phạm do các đội thanh tra xây dựng phát hiện và báo cáo người có thẩm quyền xử phạt rất lớn, cho thấy hiệu quả hoạt động cũng như sự cần thiết của lực lượng này. Đồng thời với việc thanh tra, kiểm tra, phát hiện và trình Chánh Thanh tra Sở ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, các đội thanh tra xây dựng còn giúp UBND cấp huyện kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành; báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện những trường hợp vi phạm đã được lập biên bản nhưng Huyện chưa ra quyết định xử phạt hoặc đã có quyết định xử phạt nhưng người vi phạm chưa thực hiện. Hoạt động kiểm tra, giám sát, đôn đốc của các đội thanh tra xây dựng góp phần nâng cao trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng của UBND các cấp, đặc biệt là cấp xã, cấp huyện.
Ngoại trừ thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được áp dụng thanh tra xây dựng 3 cấp (Thanh tra Sở Xây dựng, Thanh tra xây dựng cấp huyện, thanh tra xây dựng cấp xã), các địa phương khác vẫn gặp những khó khăn, bất cập khi lập đề án tổ chức, thành lập các đội thanh tra xây dựng theo Thông tư liên tịch số 10/2005/TTLT-BXD-BNV vì Nghị định số 46/2005/NĐ-CP chưa quy định vấn đề này. Bởi vậy, số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập các đội thanh tra xây dựng hiện nay mới là 39/63 tỉnh, thành phố.
Bên cạnh mô hình thành lập các đội thanh tra xây dựng thuộc Thanh tra Sở Xây dựng, đối với hai đô thị lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đang áp dụng mô hình thanh tra xây dựng quận, huyện, xã, phường, thị trấn theo Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg ngày 18/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Được biết, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg. Ngoài ra, một số tỉnh, thành phố khác cũng đề nghị cho phép áp dụng mô hình của Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg như: Cần Thơ, Bình Thuận, Khánh Hòa…
Cần một mô hình tổ chức thống nhất
Luật Thanh tra năm 2010 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2011, bổ sung những nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động thanh tra chuyên ngành, đồng thời quy định cụ thể hơn trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra; trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan thanh tra, trưởng đoàn thanh tra. Vì vậy, việc sửa đổi Nghị định số 46/2005/NĐ-CP là cần thiết và phù hợp quy định pháp luật hiện hành.
Theo Bộ Xây dựng, trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định, Bộ Xây dựng đã tiến hành khảo sát trực tiếp, đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số 46/2005/NĐ-CP tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Thuận. Và tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 46/2005/NĐ-CP, lấy ý kiến góp ý của Thanh tra Sở Xây dựng trên toàn quốc về báo cáo tổng kết và đề cương Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 46/2005/NĐ-CP. Hầu hết các Sở Xây dựng trên toàn quốc đều đề cập đến hạn chế về tổ chức của Thanh tra Sở, nếu chỉ riêng lực lượng Thanh tra Sở hiện nay sẽ không thực hiện thanh tra, kiểm tra thường xuyên, liên tục hoạt động xây dựng nói riêng và các lĩnh vực hoạt động khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước ngành Xây dựng… Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ tổng kết việc thực hiện Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thí điểm thành lập Thanh tra Xây dựng quận, huyện, xã, phường, thị trấn. Đánh giá kết quả thực hiện thí điểm mô hình của Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg cho thấy, lực lượng Thanh tra Xây dựng được tổ chức ở 3 cấp tại những đô thị lớn như thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là phù hợp thực tế, hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu quản lý trật tự xây dựng đô thị. Tuy nhiên, việc thành lập thanh tra chuyên ngành ở cấp huyện và cấp xã chưa được quy định tại Luật Thanh tra năm 2010.
Chính vì vậy, theo Bộ Xây dựng để việc quy định cụ thể, thống nhất mô hình tổ chức của Thanh tra xây dựng phù hợp với Luật Thanh tra, phù hợp với tình hình thực tế, không gây xáo trộn lực lượng thanh tra xây dựng, đảm bảo lực lượng đủ mạnh, hoạt động hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu quản lý ngành xây dựng… rất cần một Nghị định mới thay thế Nghị định số 46/2005/NĐ-CP cũng như một số văn bản pháp luật khác.
Theo : Báo Xây dựng điện tử