Ngày 15/4, Bộ Xây dựng đã có công văn 641/BXD-VLXD gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Bình dương về việc quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011 - 2015, tầm nhìn đến 2020.
Theo báo cáo thì cho đến nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương chưa phát hiện khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ nào cần khoanh định và công bố, không có khoáng sản nào đáng kể ở các bãi thải các mỏ đã đóng cửa. Đối với than bùn thì triển vọng không đáng kể, do đó đối tượng chủ yếu là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Đề nghị trong dự án ghi rõ là “Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Bình Dương” để phù hợp với thẩm quyền được quy định trong Luật Khoáng sản.
Giai đoạn 2011 - 2015 là quá ngắn đối với một quy hoạch. Thời gian từ nay đến năm 2015 chỉ là kỳ để thực hiện kế hoạch cụ thể. Vì vậy, Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Bình Dương nên nghiên cứu giai đoạn từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 là phù hợp.
Để phù hợp với nội dung quy định tại Điều 9, Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09/3/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản, đề nghị cần làm rõ một số vấn đề cụ thể như:
- Xác định phương hướng, mục tiêu thăm dò, khai thác, sử dụng đối với từng chủng loại khoáng sản trong từng thời kỳ;
- Xác định quy mô, công suất khai thác, yêu cầu về công nghệ khai thác đối với từng loại khoáng sản.
Đối với đá xây dựng: Theo dự thảo báo cáo, thì các mỏ đá xây dựng sẽ khai thác với sản lượng dự kiến giai đoạn 2013 – 2015 đạt 39,879 triệu m3 với tổng diện tích 383 ha và độ sâu khai thác có nơi đến – 100m, vì vậy cần tính toán chi tiết để đưa ra các giải pháp công nghệ khai thác đối với từng mỏ trong việc khai thác cốt âm để đảm bảo an toàn, môi trường, tận dụng triệt để tài nguyên khoáng sản.
Đề nghị trong Quy hoạch cần xem xét hạn chế cấp mới đối với chủng loại đá xây dựng tại các khu vực có ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường. Trên cơ sở đó rà soát, sắp xếp lại những cơ sở khai thác hiện có đảm bảo sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản, gắn với bảo vệ môi trường, đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong thời gian tới.
Đối với đất sét gạch ngói: Sét ở Bình Dương có tiềm năng, chất lượng tốt, trong thời gian tới quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng đất sét làm vật liệu xây dựng cần tính toán cụ thể nhu cầu sử dụng từ nay đến năm 2020 và thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất sử dụng gạch đất sét nung. Đồng thời, định hướng khai thác và sử dụng đất sét trong thời gian tới cho sản xuất những sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
Đối với khai thác cát xây dựng: Cát xây dựng ở Bình Dương có trữ lượng có thể khai thác nhỏ (khoảng 2,65 triệu m3), chủ yếu tập trung ở hồ Dầu Tiếng và một lượng nhỏ ở sông Bé, vì vậy trong định hướng quy hoạch khai thác cần phải có biện pháp đảm bảo môi trường, hệ sinh thái lòng hồ Dầu Tiếng, đặc biệt là có biện pháp chấm dứt hiện tượng khai thác cát trái phép tại lòng hồ Dầu Tiếng.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 641/BXD-VLXD.
Tài liệu đính kèm bài viết | |
---|
Cong van 641 BXD-VLXD 15-4-2013.doc | Tải về |