Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản: Tập trung chỉ đạo công tác hoàn thiện thể chế

Thứ tư, 19/05/2021 10:38
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Năm 2020 là một năm đầy biến động, thách thức đối với nền kinh tế nói chung, và thị trường bất động sản Việt Nam nói riêng: đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên toàn thế giới; thiên tai, bão lũ liên tiếp tại các tỉnh miền Trung. Trong bối cảnh đó, kinh tế xã hội nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề - tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 tăng 2,91%, tuy là mức tăng trưởng cao trên thế giới nhưng là mức tăng thấp nhất của nước ta trong vòng một thập kỷ qua.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, trong năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ đạo quyết liệt thông qua nhiều nghị quyết, chỉ thị; đồng thời các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp chủ động đề ra nhiều giải pháp hợp lý, sử dụng hiệu quả các công cụ điều tiết như tín dụng, thuế, đất đai, quy hoạch, cơ cấu lại các dự án... Do đó, công tác phát triển nhà ở - trọng tâm là nhà ở xã hội theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia - tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở của người dân, đặc biệt các đối tượng người có công, người nghèo ở khu vực thường xuyên bị bão, lũ, ngập lụt, người thu nhập thấp đô thị.

Đến năm 2020, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc ước đạt 24m2 sàn/người; diện tích bình quân nhà ở tại đô thị là 24,5 m2 sàn/người và nông thôn là 22,5m2 sàn/người. Tỷ lệ hộ sống trong những ngôi nhà thiếu kiên cố hoặc đơn sơ chiếm một phần nhỏ (6,9%), giảm 8,2 điểm phần trăm so với năm 2009. Thị trường bất động sản chưa ở trạng thái “trầm lắng”, “đóng băng” toàn diện mà chỉ giảm phát ở một số phân khúc như nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, văn phòng cho thuê. Đến cuối năm 2020 đã có dấu hiệu phục hồi, phát triển ở một số phân khúc như bất động sản công nghiệp, nhà ở giá thấp.

Trong năm 2020, bên cạnh việc kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo và phân công công việc cụ thể cho từng thành viên, Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản đã tập trung chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quản lý nhà nước liên quan về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản.

 Nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp quan trọng đã được ban hành nhằm hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật Đầu tư 2020 nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư, công nhận chủ đầu tư; Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ giao Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch & Đầu tư khẩn trương bổ sung, tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn và nghiên cứu hoàn thiện chính sách để đẩy mạnh hơn nữa về phát triển nhà ở xã hội; Nghị định số 25/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu, trong đó đã tháo gỡ được điểm nghẽn lâu nay của các dự án bất động sản về thủ tục giao đất cho nhà đầu tư trúng đấu thầu dự án bất động sản; Nghị định số 148/2020/NĐ-CP phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, với nhiều quy định mới tác động đến các dự án đầu tư, dự án nhà ở.

Nhờ đó, thị trường bất động sản trong nước đã đứng vững trước các khó khăn, phát triển ổn định với những thành tích ấn tượng: Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg đã hoàn thành hỗ trợ cho 329.052 hộ/347.400 hộ (đạt 94,7%); Chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg đã hỗ trợ cho khoảng 120.000/235.000 hộ nghèo vay vốn (đạt 51%); Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt theo Quyết định 48/2014/QĐ-TTg đã hỗ trợ được khoảng 19.350/21.600 hộ (đạt 89,6%). Trong toàn quốc, 249 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị đã hoàn thành với khoảng hơn 104.200 căn hộ, tổng diện tích hơn 5,21 triệu m2.

Đánh giá chung về những tồn tại và khó khăn của thị trường nhà ở và bất động sản, báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương đã chỉ ra tình trạng sốt đất tại một số địa phương trong một số thời điểm; cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa hợp lý, thiếu nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp; định chế tài chính chưa đầy đủ; một số cơ chế chính sách về thuế, tín dụng, đất đai còn bất cập ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực cho thị trường và chống đầu cơ bất động sản; phát triển nhà ở xã hội chậm không đảm bảo theo kế hoạch, nguồn vốn dành cho phát triển nhà ở xã hội quá ít, nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức vấn đề này; vướng mắc trong công tác quản lý, vận hành nhà chung cư. Bên cạnh đó, công tác phối hợp của một số Bộ, ngành Trung ương và một số Sở, ngành  địa phương còn thiếu chặt chẽ, thiếu đồng bộ.

Để khắc phục những tồn tại đó, Ban Chỉ đạo Trung ương đã xác định phương  hướng hoạt động, các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021 như sau:

- Tiếp tục tập trung chỉ đạo công tác hoàn thiện thể chế về lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản, khắc phục việc chồng chéo giữa các luật; đặc biệt cải cách thủ tục đầu tư, tháo bỏ các rào cản, vướng mắc, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo công tác xây dựng, phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2040.

- Tập trung giải quyết, tháo gỡ khó khăn, đặc biệt bố trí nguồn vốn ngân sách để triển khai có hiệu quả các Chương trình phát triển nhà ở xã hội; hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; hỗ trợ hộ nghèo khu vực nông thôn; phòng tránh bão, lụt khu vực miền Trung; cụm, tuyến dân cư Đồng bằng sông Cửu Long; người nghèo, thu nhập thấp tại đô thị; nhà ở cho công nhân khu công nghiệp; sinh viên các trường đại học, cao đẳng...

- Tiếp tục chỉ đạo quản lý, điều hành thị trường bất động sản gắn với thực hiện chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia và chỉ đạo, thực hiện tốt Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

- Tổ chức chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương xây dựng chương trình phát triển nhà ở đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040; phát triển nhà ở theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm môi trường sống, hạ tầng đồng bộ; tập trung giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho người dân, đặc biệt là các hộ gia đình nghèo, công nhân khu công nghiệp, các đối tượng chính sách xã hội có khó khăn về nhà ở; lập, phê duyệt, công bố Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn theo đúng quy định.

- Tiếp tục kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở, khu đô thị mới có bán nhà ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, bảo đảm tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật về nhà ở; kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản, cũng như chuyển tiền thu được ra nước ngoài để ngăn chặn các hành vi rửa tiền, chuyển giá, trốn lậu thuế; tập trung thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản chậm triển khai, để đất hoang hóa, chủ đầu tư yếu kém không còn khả năng triển khai dự án để quyết định việc cho giãn tiến độ hoặc thu hồi dự án.

- Đôn đốc việc xây dựng cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và có các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá, bong bóng bất động sản trên địa bàn.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)