Huyện Hoài Đức (Hà Nội) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Thứ năm, 05/12/2024 15:07
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Sau khi về đích nông thôn mới, huyện Hoài Đức đã bắt tay vào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, với những nỗ lực và quyết tâm phấn đấu, mới đây Hoài Đức đã vinh dự đón nhận Bằng công nhận các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu năm 2022, 2023 và năm 2024.

Huyện Hoài Đức đón nhận bằng công nhận xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu các năm 2022, 2023, 2024. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận, sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chương trình số 10-CTr/HU ngày 23/7/2021 của Huyện ủy Hoài Đức về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân trên địa bàn huyện Hoài Đức giai đoạn 2021-2025", toàn huyện đã đạt được những kết quả nổi bật:

Về xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, tính đến hết tháng 11/2024, huyện có 17/18 xã đã được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Vân Côn chờ xét đợt 2 năm 2024); 6/7 xã được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (xã An Khánh chờ xét đợt 2 năm 2024), hoàn thành trước 1 năm so với mục tiêu Chương trình đề ra. Dự kiến năm 2025, Hoài Đức sẽ có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, bảo đảm mục tiêu phấn đấu của Chương trình đề ra (10 xã).

Huyện cũng đã hoàn thiện hồ sơ huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 trình các cấp theo quy định. Ngày 19/11/2024 Hội đồng thẩm định Trung ương đã thẩm định, đánh giá huyện Hoài Đức đủ điều kiện trình Thủ tướng chính phủ xét công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Về cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn của huyện, tốc độ tăng trưởng bình quân 1,66%; giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2021-2024 đạt 5.196 tỷ đồng (riêng năm 2024 ước đạt 1.327 tỷ đồng); tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện được ứng dụng công nghệ cao đạt hơn 75%. Huyện có 4 sản phẩm gồm: Nhãn chín muộn Hoài Đức, phật thủ Đắc Sở, bưởi đường Quế Dương, rau an toàn Tiền Lệ được Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ khoa học và Công nghệ bảo hộ và cấp chứng nhận Nhãn hiệu tập thể. Huyện tiếp tục phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện đăng ký thêm 4 nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm bưởi đường, bánh gai Yên Sở, ổi Yên Sở, bánh đa nem Ngự Câu.

Trên địa bàn có nhiều mô hình sản xuất tiêu biểu như: 77,5ha sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP; 151ha sản xuất rau và 25ha sản xuất bưởi an toàn, có sự tham gia theo chuỗi PGS; 38,11ha sản xuất quả theo tiêu chuẩn VietGAP; mô hình sản xuất nho hạ đen, nho mẫu đơn theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với du lịch trải nghiệm tại xã An Thượng; 13 xã có diện tích cây trồng được cấp mã số vùng trồng nội tiêu, diện tích 51,91ha; 26,32ha bưởi tại các xã Cát Quế, Yên Sở được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu; Năm 2023, huyện có sản phẩm bưởi La Tinh- xã Đông La được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý "La Tinh, Hoài Đức" – đây cũng là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của thành phố được cấp chỉ dẫn địa lý.

Về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), tính đến hết tháng 10, toàn huyện có 131 sản phẩm được đánh giá phân hạng đạt từ 3 sao trở lên, đạt 87% mục tiêu Chương trình. Dự kiến, hết năm 2024, huyện có tổng số 161 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên, vượt chỉ tiêu kế hoạch giao 11 sản phẩm. Huyện xây dựng được 4 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; 1 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm mỹ nghệ xã Sơn Đồng, đã được Sở Công thương Hà Nội công nhận.

Về xây dựng thương hiệu làng nghề, huyện có làng nghề bánh kẹo- dệt may La Phù đã được cấp nhãn hiệu tập thể; làng nghề chế biến nông sản Minh Khai huyện đang đề nghị Sở Khoa học Công nghệ triển khai thực hiện, dự kiến hoàn thành mục tiêu chương trình vào cuối năm 2025.

Đến nay, thu nhập bình quân toàn huyện năm 2024 ước đạt hơn 86 triệu đồng/người/năm, dự kiến năm 2025 đạt 95 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 96%; tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đạt 86,3%, tăng 6,3% so với mục tiêu chương trình.

Tỷ lệ thôn, tổ dân phố văn hóa đạt 98,5%, vượt 8,5% so với mục tiêu chương trình; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 93%, (mục tiêu chương trình đề ra 92%); tỷ lệ cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa 95% (đạt mục tiêu chương trình); 100% số xã có hội trường đa năng với quy mô 200-250 chỗ ngồi; 100% số thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng bảo đảm phục vụ các chương trình văn hóa - văn nghệ; toàn huyện có 106 điểm vui chơi, giải trí có lắp đặt các dụng cụ thể dục thể thao; tổng diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng trên địa bàn huyện 160,05ha, diện tích cây xanh bình quân đạt 4,95m2/người.

Vào tối ngày hôm qua (2/12), lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội, huyện Hoài Đức đã trao Bằng công nhận các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, gồm: An Thượng, Cát Quế, Di Trạch, Đắc Sở, Đông La, Đức Giang, La Phù, Tiền Yên, Vân Canh, Dương Liễu, Song Phương; các xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, gồm: Yên Sở, Minh Khai, Lại Yên, Đức Thượng, Kim Chung, Sơn Đồng; khen thưởng 19 tập thể, 50 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021-2025.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)