Theo UBND tỉnh Đồng Nai, đến nay, toàn tỉnh có 96 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Nông thôn Đồng Nai đã có sự thay đổi toàn diện trên tất cả các mặt như: Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, hệ thống trường học cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia, hệ thống y tế đạt chuẩn, môi trường sinh thái có bước cải thiện…
Một xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: K.V)
Đặc biệt, diện mạo nông thôn đến sản xuất có bước phát triển rõ nét. Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai tiếp tục giữ vị trí tốp đầu của cả nước.
Ông Võ Văn Phi, Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh xác định các xã, huyện phải song song thực hiện 2 nhiệm vụ vừa duy trì kết quả đạt chuẩn trong giai đoạn mới; vừa thực hiện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Có được kết quả trên là nhờ Đồng Nai đã triển khai nhiều giải pháp đột phá. Trong đó có việc chọn huyện Xuân Lộc, địa phương khó khăn nhất tỉnh làm mô hình điểm trong xây dựng huyện nông thôn mới và hiện tiếp tục phấn đấu về đích huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025. Đây là mô hình điểm để vừa phong phú về kinh nghiệm, vừa tạo động lực mạnh mẽ trong thúc đẩy phong trào của cả tỉnh.
Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã xác định rõ yêu cầu huy động, mục đích sử dụng cho từng nguồn vốn, phù hợp với thực tế địa phương và yêu cầu đặt ra. Trong đó, nguồn vốn ngân sách có vai trò là nguồn vốn dẫn dắt, kích thích huy động đối với nguồn vốn khác. Nguồn vốn tín dụng là nguồn vốn lớn để tập trung phát triển sản xuất. Nguồn vốn doanh nghiệp là nguồn vốn quan trọng cho đầu tư kết cấu hạ tầng. Nguồn huy động đóng góp của người dân, thể hiện rõ vai trò vừa là chủ thể, vừa là người thụ hưởng.
Ngoài ra, Đồng Nai còn thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đặc biệt là tập trung đến công tác cán bộ, nhất là phát huy vai trò người đứng đầu qua việc khích lệ đúng mức đối với cán bộ làm tốt, cũng như kiên quyết, kịp thời, xử lý, bố trí, sắp xếp đối với những cán bộ không đủ khả năng đảm nhận nhiệm vụ.
Được biết, Đồng Nai không chỉ đi đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới mà còn luôn giữ vững thành tích này trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Để đạt được thành quả ấn tượng trên, ngay từ khi triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới, Đồng Nai đã chọn giải pháp có tính đột phá. Cụ thể, ngay từ năm 2014, khi xây dựng được 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên; Đồng Nai đã chủ động, kịp thời xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2015; ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2019 để đáp ứng yêu cầu phát triển nông thôn cả về lý luận và thực tiễn.
Năm 2023, tỉnh Đồng Nai áp dụng Bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu đặt ra là có thêm ít nhất 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có 2 huyện hoàn thành huyện nông thôn mới nâng cao… So với Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 thì Bộ tiêu chí của Đồng Nai có số tiêu chí, yêu cầu của chỉ tiêu cao hơn. Đây vừa là mục tiêu phấn đấu nhưng cũng vừa tạo ra thách thức lớn, đòi hỏi cao đối với các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Trên cơ sở nền tảng đó, đến nay toàn tỉnh có 96/120 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 80% mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; có 21/120 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 70% mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Đặc biệt, tỉnh đang phấn đấu có 2 huyện đạt huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2023, có 1 huyện đạt nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025./.