Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, năm 2023, tỉnh phấn đấu đạt các mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới đối với huyện Bến Cầu.
Đường nông thôn biên giới Tây Ninh được nâng cấp khang trang. (Ảnh: K.V)
Bên cạnh đó, tỉnh duy trì 61/71 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; 17 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tất cả các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2010 - 2021 tiếp tục thực hiện nâng chất lượng tiêu chí, đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
Phấn đấu tăng thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn đến cuối năm 2023 lên 65/71 xã, chiếm 91,5%; 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (luỹ kế đến cuối năm 2023 có 25/71 xã, chiếm 33,8%); 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (luỹ kế đến cuối năm 2023 có 3/71 xã, chiếm 4,2%).
Cùng với đó, chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn phấn đấu duy trì đạt yêu cầu Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021 - 2025, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên 65 triệu đồng/người/năm; kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều xuống dưới 0,5%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 90%; môi trường được bảo vệ và cải thiện, tỷ lệ sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt trên 30%.
Tỉnh Tây Ninh cũng phấn đấu đến năm 2025 thực hiện đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra: có 71/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 12 xã nông thôn mới kiểu mẫu và ít nhất 50% số huyện sẽ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên 71 triệu đồng/người/năm; kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều xuống dưới 0,5%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 90%; môi trường được bảo vệ và cải thiện, tỷ lệ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt trên 55%.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh, cho biết tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2021 - 2025 trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là trên 11.243 tỷ đồng. Tổng mức vốn phân bổ và huy động trong năm 2021, 2022 và kế hoạch năm 2023 khoảng 7.175 tỷ đồng, chiếm 63,8% so với tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2021 - 2025, gồm: Vốn ngân sách Nhà nước 2.843 tỷ đồng, đạt 39,6% tổng nguồn vốn; vốn tín dụng 3.689 tỷ đồng, đạt 51,4% tổng nguồn vốn; vốn doanh nghiệp, hợp tác xã gần 300 tỷ đồng, đạt 4,1% tổng nguồn vốn; huy động đóng góp từ cộng đồng dân cư 343 tỷ đồng, đạt 4,9% tổng nguồn vốn. Nhìn chung, các nguồn vốn phân bổ cơ bản bảo đảm thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025./.