Năm 2022, toàn tỉnh có 10 xã được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Ðến nay, đã có 4 xã hoàn thành 100% số lượng các tiêu chí (19/19), 6 xã còn lại đều đạt trên 70 - 90% tiêu chí. Hiện Văn phòng Ðiều phối Xây dựng nông thôn mới tỉnh (Sở NN&PTNT) cùng với các địa phương đang gấp rút tháo gỡ vướng mắc, nỗ lực về đích đúng kế hoạch.
Chậm trễ chủ yếu do khách quan
Theo Văn phòng Điều phối Xây dựng nông thôn mới tỉnh (gọi tắt là Văn phòng), đến nay có 4 xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn), Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), Phước Quang (Tuy Phước), Cát Hanh (Phù Cát) đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao (NTMNC); các xã Nhơn An (TX An Nhơn), Phước Nghĩa (Tuy Phước), Bình Tường (Tây Sơn), Mỹ Quang, Mỹ Châu (Phù Mỹ), Ân Tường Tây (Hoài Ân) đang tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu.
Toàn cảnh xã Nhơn Hải nhìn từ trên cao. Ảnh: DŨNG NHÂN
Theo đánh giá của Văn phòng, việc xây dựng NTMNC năm 2022 gặp một số khó khăn nhất định. Do đó, để đảm bảo về đích đúng kế hoạch đòi hỏi nỗ lực của toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến địa phương. Cụ thể, Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 với nhiều điều kiện nâng cao hơn so với giai đoạn trước, trong đó với riêng các xã nông thôn mới nâng cao là bổ sung thêm 6 tiêu chí (giai đoạn 2016 - 2020 chỉ có 13 tiêu chí). Trong khi đó, việc ban hành khung pháp lý quy định thực hiện Chương trình cho giai đoạn này lại chậm. Vì vậy, việc phân bổ nguồn vốn Trung ương để hỗ trợ các địa phương triển khai các hạng mục cũng chậm theo; mãi đến tháng 8.2022 mới hoàn thiện và phân bổ vốn về các xã…Như vậy, việc chậm trễ có một phần không nhỏ do yếu tố khách quan.
Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng, cho biết: Những khó khăn này không phải riêng Bình Định, mà hầu hết địa phương trong cả nước đều có. Song, chúng ta thấy rằng, đây là chương trình dài lâu với các điều chỉnh và định hướng tầm nhìn xa, phù hợp với phát triển kinh tế khu vực nông thôn trong thời gian tới. Chúng ta đã xác định được khó khăn, nguyên nhân và cách thức khắc phục. Thực tế đã có một số địa phương tháo gỡ thành công, thực hiện rất tốt các tiêu chí. Cụ thể, đã có 4 xã hoàn thành chờ thẩm định, các xã còn lại hoàn toàn tự tin tháo gỡ được các điểm vướng để thực hiện đúng mục tiêu đề ra.
Nỗ lực hỗ trợ về đích
Đến nay, Nhơn Hải là một trong những xã đầu tiên hoàn thành 19/19 tiêu chí xã NTMNC giai đoạn 2021 - 2025. Ông Đỗ Cao Thắng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, cho hay: Với Nhơn Hải, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ thiết thực, kịp thời từ chính quyền các cấp TP Quy Nhơn trong việc triển khai thực hiện các tiêu chí NTMNC. Những đề xuất của chúng tôi được các cấp chính quyền TP Quy Nhơn hỗ trợ, tháo gỡ bằng các giải pháp cụ thể như huy động nguồn lực của phường, xã, sức dân cùng với Nhơn Hải thực hiện. Chẳng hạn, với tiêu chí về môi trường, TP Quy Nhơn kêu gọi, vận động các địa phương hỗ trợ Nhơn Hải cây xanh, hoa cảnh trang trí; xây dựng hồ sơ minh chứng đối với tiêu chí y tế. Một điểm thuận lợi của Nhơn Hải là được tham gia vào dự án về bảo vệ môi trường biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản giúp cư dân địa phương thay đổi ý thức, chung tay bảo vệ vùng biển và rạn san hô, thu gom rác thải nhựa; thành lập HTX cùng khai thác dịch vụ du lịch biển gắn với bảo vệ môi trường, cập nhật dữ liệu truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm OCOP… Từ đó, xã có thêm nhiều cơ hội ổn định sinh kế cho người dân, góp phần hoàn thành tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn.
Theo chính quyền địa phương xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn), việc triển khai xây dựng xã đạt chuẩn NTMNC năm 2022 trong thời ngắn, gấp rút nên nhiều tiêu chí (tiêu chí 13.4 ứng dụng chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm chủ lực, 13.6 xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đối với nông sản chủ lực được cấp mã số vùng trồng; tiêu chí 14.3 về tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe, 14.4 tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử…) rất lúng túng. Đến nay, qua hướng dẫn của các đơn vị, xã Nhơn Lộc từng bước hoàn thiện hồ sơ minh chứng, đồng thời tiếp tục rà soát lại để xây dựng hồ sơ trình các cấp xem xét.
Theo kế hoạch, Văn phòng Điều phối Xây dựng nông thôn mới tỉnh cùng với chính quyền các địa phương nỗ lực để hoàn thành các tiêu chí, dự kiến trình Ban chỉ đạo thẩm định vào tháng 1.2023, nhằm công nhận các xã nông thôn mới nâng cao.
“Dù có khó khăn ban đầu, tuy nhiên giai đoạn này chúng ta có nhiều trợ lực từ các chương trình chuyên đề phục vụ Xây dựng nông thôn mới được triển khai xuyên suốt từ Trung ương xuống địa phương, như: Chương trình phát triển sản phẩm OCOP; chương trình phát triển du lịch nông thôn; chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới; chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn… thúc đẩy các địa phương về đích đúng kế hoạch”.