Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Thường Tín (Hà Nội) đã bắt tay ngay vào thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đến nay, huyện có năm xã đạt nông thôn mới nâng cao và phấn đấu năm 2022 có hai xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Giới thiệu sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ tại Công ty TNHH Phúc Cường, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín (Hà Nội).
Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Từ Đức Mạnh cho biết, xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn huyện có nhiều thuận lợi do nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân đã có sự thay đổi. Đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới từ huyện đến cơ sở đã được trang bị kiến thức lý luận và thực tiễn. Vai trò của người dân trong xây dựng nông thôn mới đã từng bước được xác định rõ ràng, qua đó đã khuyến khích, động viên được người dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội khu vực nông thôn, nhất là hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh không ngừng được đầu tư xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa chất lượng và hiệu quả ngày càng cao, đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như: Lúa hàng hóa tập trung tại hai xã Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên; vùng sản xuất rau an toàn ở các xã Hà Hồi, Tân Minh, Thư Phú; vùng cây ăn quả ở xã Chương Dương, Tự Nhiên; vùng nuôi trồng thủy sản tại xã Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến.
Đến quý III/2022, huyện có 72 hợp tác xã, trong đó có 55 hợp tác xã nông nghiệp, 17 hợp tác xã phi nông nghiệp. Hợp tác xã hoa cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân, xã Hồng Vân được thành lập năm 2014, thực hiện khâu tổ chức sản xuất sơ chế, chế biến trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, du lịch, dịch vụ… theo hình thức thành viên góp đất để trồng trọt, hỗ trợ kỹ thuật cho thành viên chăn nuôi. Thế mạnh của hợp tác xã là sản xuất chè chùm ngây, sản xuất, kinh doanh hoa cây cảnh.
Hiện nay, hợp tác xã đang tạo việc làm ổn định cho 80 lao động với thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm trà chùm ngây của hợp tác xã đã được xếp hạng sản phẩm OCOP đạt 4 sao. Hợp tác xã rau sạch Thanh Bình, xã Hòa Bình được thành lập năm 2019 với diện tích đất sản xuất hơn 7.000m2, trong đó 3.100m2 nhà kính ứng dụng công nghệ cao đang trồng dưa chuột baby Israel, dưa lê Hàn Quốc, dưa lưới Nhật Bản. Bình quân mỗi năm hợp tác xã cung cấp cho thị trường 10 tấn nông sản, doanh thu gần 4 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho gần 20 lao động với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Năm 2021, sản phẩm dưa chuột, dưa lê, dưa lưới của hợp tác xã đã được xếp hạng sản phẩm OCOP đạt 4 sao.
Hiện nay, toàn huyện có 14 mô hình liên kết chuỗi trong trồng trọt, chăn nuôi và giết mổ ở các xã Ninh Sở, Lê Lợi, Văn Bình, Nghiêm Xuyên, Thư Phú, Thống Nhất, Tiền Phong; 15 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Các mô hình này hiện nay đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.
Thường Tín cũng được biết đến là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống. Hiện nay, huyện có 48 làng được công nhận làng nghề truyền thống, một làng được công nhận làng nghề Hà Nội và chín làng nghề đã xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu làng nghề; số hộ sản xuất trong làng nghề là 3.631 hộ.
Thời gian tới Thường Tín sẽ tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự thống nhất và đồng thuận trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao; vận động doanh nghiệp, tổ chức, nhân dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, trong đó ưu tiên nguồn lực phát triển sản xuất; tiếp tục đầu tư các mô hình sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy liên kết, hợp tác, hình thành các mô hình phù hợp yêu cầu điều kiện cụ thể, hình thành chuỗi sản xuất.
Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh cho biết: “Thường Tín đã có tiến trình lên quận, vì vậy diện tích đất nông nghiệp giảm dần; số lượng lao động trong nông nghiệp có xu hướng dịch chuyển sang lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp. Do đó, thời gian tới huyện sẽ quy hoạch lại diện tích đất nông nghiệp hướng đến phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm tốt, phù hợp thị trường, từ đó nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập của người dân”.