Qua 10 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo nên thành tích to lớn và toàn diện. Để có được kết quả đó, đồng thời cũng là bài học kinh nghiệm cho giai đoạn tới, công tác thông tin tuyên truyền luôn phải đi trước một bước.
Khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ đạo Trung ương đã xác định rõ truyền thông là một giải pháp quan trọng để chỉ đạo thực hiện Chương trình. Vì vậy, các hình thức tuyên truyền được triển khai đa dạng với sự tham gia của mọi cấp, ngành, đoàn thể nhằm chuyển tải một cách sâu sắc, thiết thực nhất những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới tới mọi tầng lớp nhân dân.
Phong trào “Sạch từ nhà ra ngõ, sạch từ ngõ về nhà” ở Bắc Giang góp phần biến nông thôn nơi đây thành vùng quê đáng sống.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương; Ban Dân vận Trung ương; Ban Kinh tế Trung ương; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các Bộ, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đẩy mạnh truyền thông về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương đã mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Nhiều chương trình được Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá là đặc sắc, thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhân dân như: “Miền quê đáng sống”, “Nông thôn mới”, “Nông nghiệp sạch” (VTV1); “Câu chuyện nông thôn” (Truyền hình Quốc hội); “Nông thôn đổi mới” (Truyền hình Nhân dân); kênh truyền hình VTC16 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn…
Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền như tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề: Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, Đề án hỗ trợ thôn, bản đặc biệt khó khăn, Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, mô hình khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới… Phát động cuộc thi báo chí viết về nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp thu hút sự quan tâm của các nhà báo trong cả nước tham gia; tổ chức cuộc thi báo chí viết về nông nghiệp, nông thôn, nông dân dành cho các nhà báo ASEAN; truyền hình trực tiếp các hội nghị, hội thảo toàn quốc, các sự kiện quan trọng của Chương trình trên Cổng thông tin điện tử của Chương trình và mạng xã hội facebook… được cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới của cả nước và người dân đánh giá cao.
Ở cấp địa phương, các tỉnh, thành phố đã triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền bằng các sản phẩm truyền thông như báo chí, sách, cẩm nang, phim phóng sự, hội thi, hội diễn văn nghệ gắn với tìm hiểu cơ chế, chính sách, cách làm hay, những điển hình tiêu biểu cũng như phản ánh những bất cập, khó khăn trong xây dựng nông thôn mới.
Nhờ công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng, đa dạng nhiều hình thức nên đã có tác dụng nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chính vì vậy, khi Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cấp, các ngành và nhân dân cả nước.
Tùy theo chức năng, nhiệm vụ, các cơ quan, đơn vị đều phát động phong trào thi đua phù hợp. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo các cấp công đoàn đẩy mạnh phong trào thi đua phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với thi đua xây dựng nông thôn mới. Bộ Quốc phòng phát động phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”. Hội Cựu chiến binh Việt Nam chỉ đạo các cấp hội trong cả nước tham gia phong trào thi đua “Cựu chiến binh hiến kế, hiến công xây dựng nông thôn mới”. Hội Nông dân tổ chức các hội thi “Tiếng hát đồng quê”, “Nhà nông đua tài”… Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia xây dựng nông thôn mới với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” kết hợp với phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”…
Ở địa phương, theo thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương, 100% các tỉnh, thành phố đều phát động hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” với nhiều chủ đề rất cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ: Phong trào “Sạch từ nhà ra ngõ, sạch từ ngõ về nhà” - Bắc Giang; phong trào “Nhà sạch, vườn đẹp, môi trường trong lành, ngõ xóm văn minh” - Hòa Bình; phong trào “sạch đường, tốt ruộng” - Hà Giang; phong trào “sáng, xanh, sạch, đẹp” - Vĩnh Long; phong trào “4 có” đối với xã (có sản phẩm đặc trưng, có khu dân cư kiểu mẫu, có tuyến đường hoa, có cổng chào) và “3 có” đối với khu dân cư (có vườn xanh, có nhà sạch, có ngõ đẹp) - Quảng Ngãi; phong trào trồng cây xanh, trồng hoa, vẽ bích họa trên các tuyến đường ở Hà Nội, Nam Định, Đồng Nai, Ninh Bình, Nghệ An, Đồng Tháp…; phong trào “Làng quê không rác thải”, “Đường hoa thay cỏ dại” - Quảng Nam; phong trào “Ấp tự quản bảo vệ môi trường” - An Giang; phong trào “Việc làng – đất vàng cũng hiến”, “Hiến đất – mất một được hai” - Hà Tĩnh… Các tỉnh Hậu Giang, Tây Ninh, TP Cần Thơ là những địa phương đi đầu trong thực hiện phong trào “Cánh đồng mẫu lớn có sự liên kết 4 nhà”.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương, phong trào xây dựng nông thôn mới nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên có sức lan tỏa mạnh mẽ. Không chỉ ở vùng nông thôn mà ở nhiều địa phương, người dân, đại biểu Quốc hội, HĐND đã kiến nghị triển khai cả ở khu vực thị trấn, đô thị, nhất là các nội dung về cảnh quan, môi trường và phát huy tinh thần nông thôn mới. Trong 10 năm qua, người dân cả nước đã tự nguyện hiến trên 45 triệu m2 đất để xây dựng nông thôn mới. Đó chính là minh chứng to lớn cho hiệu quả của công tác tuyên truyền, vận động luôn đi trước một bước trong quá trình triển khai một chương trình có tầm vóc quốc gia.
Theo quan điểm của Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG, xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc. Do vậy, cần tiếp tục phát huy bài học kinh nghiệm của giai đoạn trước, đó là tập trung cho công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Trong đó chú trọng cập nhật, phổ biến các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới để nhân ra diện rộng./.