Nổi tiếng là miền quê “địa linh nhân kiệt” hội tụ những nét tinh hoa văn hóa với nhiều di tích, danh thắng và danh nhân nổi tiếng, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xong con đường xây dựng nông thôn của huyện Nam Đàn (Nghệ An) không dễ dàng ở “nơi gió Lào thổi rạc bờ tre,” lại thêm bão lụt thường xảy ra vào tháng Chín và tháng Mười dương lịch, gây úng lụt trên diện tích rộng.
Vì vậy, dòng vốn tín dụng chính sách trên vùng đất Nam Đàn trở thành động lực quan trọng hỗ trợ những đối tượng yếu thế nhất có cơ hội hòa mình vào sự phát triển kinh tế chung của huyện, đưa Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2018 và ước mơ cao hơn là hoàn thành tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2020.
Đẩy lùi cái nghèo, thúc đẩy các hạt nhân kinh tế
Kim Liên là xã đã cán đích nông thôn mới từ năm 2011 với cách tiếp cận truyền tải vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội không chỉ hỗ trợ người dân giảm nghèo mà hướng tới lồng ghép với các định hưởng chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế của xã giúp người dân hướng đến những mô hình kinh tế qua mô lớn.
Bên ngôi nhà khang trang mới được đầu tư xây mới còn thơm mùi sơn, anh Trần Khắc Nhượng - là hội viên Hội cựu chiến binh ở xóm Hội 3, xã Kim Liên, ôn lại những ngày tháng nghèo kinh niên, đất đai có nhưng không có vốn chỉ trồng cấy, lại nuôi 2 đứa con ăn học khiến cái nghèo cái khó cứ mãi đeo bám. Thế rồi đến năm 2012, cơ hội phát triển kinh tế mở ra khi thông qua Hội cựu chiến binh, anh được vay vốn hộ nghèo 30 triệu đồng đầu tư nuôi lợn, gà, vịt, bò.
Tích lũy từng đồng qua những lứa lợn, gà xuất chuồng, rồi đến bò, kinh tế của gia đình anh bắt đầu ổn định. Năm 2014, gia đình anh Nhượng đã thoát nghèo. Thêm một vòng vay nguồn vốn hộ cận nghèo 50 triệu đồng, anh mở rộng quy mô chăn nuôi, làm ruộng. Kinh tế cứ thế vững dần giúp anh có cơ hội phá bỏ căn nhà cũ kỹ không đủ che mưa nắng xây nên ngôi nhà khang trang, rộng rãi.
Niềm vui với anh còn được nhân lên gấp bội, khi 2 đứa con anh được hiện thực hóa giấc mơ học đại học từ nguồn vốn chương trình tín dụng học sinh sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội. Anh Nhượng tự hào khoe, con trai lớn của gia đình đã học xong Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh và ra trường có việc làm ổn định. Con trai út đang là sinh viên năm thứ 4 Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.
“Hiện nay tôi còn dư nợ 70 triệu đồng vốn vay học sinh sinh viên và 50 triệu đồng vốn vay từ chương trình hộ cận nghèo của Ngân hàng Chính sách. Không những được tạo điều kiện vay vốn với lãi suất thấp mà chúng tôi còn được hướng dẫn làm ăn hiệu quả, hàng tháng trả lãi rất thuận tiện. Những đồng vốn của ngân hàng thực sự là cứu cánh giúp gia đình nông dân như chúng tôi có điều kiện thoát nghèo, nuôi con ăn học, xây dựng nhà cửa khang trang hơn,” anh Nhượng chia sẻ.
Mô hình sản xuất kinh doanh từ vốn vay ưu đãi của gia đình anh Trần Khắc Nhượng. (Ảnh: CTV)
Những mô hình kinh tế trang trại được xã đưa vào nhân rộng tại địa bàn cộng thêm lực bẩy từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp nhiều hộ dân không chỉ bước qua nghèo khó mà có điều kiện vươn lên làm giàu. Một trong số đó phải kể đến gia đình anh Nguyễn Hà Trung ở xóm Sen 4, xã Kim Liên. Từ nguồn vốn vay 50 triệu đồng năm 2008, anh Trung từng bước phát triển mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi.
Hơn 10 năm nỗ lực phát triển từ quy mô nhỏ, rồi tích lũy dần cùng số vốn của gia đình và sự giúp đỡ của bạn bè, anh em, đến nay gia đình anh có trang trại chăn nuôi rộng 3,5 héc - ta để đào ao thả cá và nuôi lợn. Hiện trang trại của anh có tới 30 con lợn nái, 300 con lợn thịt, mỗi năm bình quân bán 35 tấn lợn thịt. Cùng với 12 tấn cá mỗi năm, doanh thu từ trang trại mỗi năm cũng ngót nghét hàng tỷ đồng.
Mô hình làm ăn hiệu quả như vậy hiện nay khá nhiều ở Kim Liên. Và không chỉ phát huy hiệu quả đối với các chương trình cho vay để phát triển kinh tế, nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội còn là “phao cứu sinh” cho nhiều hộ nghèo trong việc nuôi con ăn học.
Tính đến nay, đã có hàng trăm hộ trên địa bàn xã được vay vốn từ chương trình này. Trong số này, có nhiều em đã ra trường và đi làm; hàng chục em đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học. Hầu hết các em sau khi ra trường đều tìm được việc làm đúng chuyên ngành hoặc làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp, khu công nghiệp nên có điều kiện để giúp đỡ gia đình. Nhiều hộ vì thế cũng đã thoát nghèo, xây dựng nhà cửa khang trang, đời sống kinh tế - xã hội của người dân nơi đây có nhiều khởi sắc.
Đặc biệt, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách huyện qua hoạt động ủy thác của 4 tổ chức hội, đoàn thể, những năm qua đã có hàng nghìn lượt hộ được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, qua đó đã góp phần giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Nếu như năm 2018 có 72 hộ nghèo thì năm 2019 còn 50 hộ; hiện tỷ lệ hộ nghèo trên giảm còn 0,26% (chủ yếu rơi vào hộ già cả, neo đơn không nơi nương tựa). Dư nợ của xã Kim Liên tại Ngân hàng Chính sách huyện Nam Đàn là 22,5 tỷ đồng, với 10 chương trình cho vay. Trong số các tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác cho vay thì Hội cự chiến binh có dư nợ cao nhất, với trên 11 tỷ đồng.
Ông Trần Lê Chương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Kim Liên khẳng định, nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội rất quan trọng góp phần giúp người dân quê Bác phát triển kinh tế, nhất là khi xã nhà đang phấn đấu về đích nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2019 này.
Kim Liên không phải là điểm sáng duy nhất trong phong trào phát triển nông thôn mới trên mảnh đất Nam Đàn. Dòng chảy tín dụng liên tục với tốc lực ngày càng mạnh trong những năm gần đây trải rộng ở 23/23 xã của huyện cùng với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu kinh tế và sự nỗ lực cần mẫn của chính những người dân nới đây đã giúp huyện Nam Đàn trở thành huyện thứ 3 cán đích nông thôn mới đầu vào năm 2018.
“Hòa tín dụng vào từng yêu cầu phát triển”
Những nền tảng phát triển nông thôn mới thời gian qua là cơ sở để Nam Đàn vươn lên với một mục tiêu cao hơn khi triển khai Quyết định số 17/QĐ-TTg, ngày 04/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án thí điểm “Xây dựng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018 - 2025”. Tuy nhiên, con đường này, không dễ dàng khi tỷ lệ hộ nghèo của huyện vẫn còn nhiều tiêu chí nền tảng cho việc hình thành nông thôn mới kiểu mẫu vẫn còn khó khăn như hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống giao thông kết nối, thu hút đầu tư chưa mạnh... Đặc biệt là việc hoàn thành tiêu chí về nâng cao chất lượng đời sống người dân như đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 2,21% về 0%, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm chủ lực của xã...
Để chung tay cùng Nam Đàn trên con đường xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, một lần nữa Ngân hàng Chính sách xã hội cũng như tỉnh đã dồn nguồn lực tín dụng cho huyện. Tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách huyện Nam Đàn đến ngày 16/5 đạt 307 tỷ đồng. Doanh số cho vay 5 tháng qua đạt 63 tỷ đồng, với 1.660 lượt hộ được vay vốn, càng minh chứng cho dòng chảy tín dụng nhanh và hữu hiệu. Trong đó, Ngân hàng Chính sách tiếp tục đầu tư nguồn vốn cho vay phát triển kinh tế phục vụ mục tiêu giảm nghèo, trọng tâm là các chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với tổng doanh số cho vay đạt hơn 94 tỷ đồng, chiếm 83% tổng doanh số cho vay, với 2.100 khách hàng được vay vốn
Nguồn vốn tín dụng của Chính phủ được Ngân hàng Chính sách tỉnh Nghệ An triển khai hiệu quả xuống tận xã,
giúp người dân có vốn kịp thời sản xuất kinh doanh. (Ảnh: CTV)
Bên cạnh đó, nguồn vốn phục vụ cho mục tiêu an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tiếp tục được chú trọng, với doanh số cho vay đạt 20 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 18%. Nhờ đó đã có 85 hộ xoá được nhà ở tạm bợ, dột nát; 3.320 hộ sinh sống trên địa bàn nông thôn vay vốn xây dựng được 3.290 công trình cung cấp nước sạch và xây nhà vệ sinh đạt chuẩn, giúp cải thiện môi trường sống; 75 lao động được tạo việc làm mới... Dư nợ ủy thác qua các hội, đoàn thể trên địa bàn huyện đến nay đạt 304 tỷ đồng, chiếm 99% tổng dư nợ, tăng 22 tỷ đồng so với đầu quý 1 và đầu năm 2019.
Quy mô và chất lượng tín dụng thêm nhịp đẩy từ khi triển khai Chỉ thị số 40/CT-TW với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền huyện. Tổng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đến thời điểm này là 1,9 tỷ đồng. Qua đó thể hiện sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ở địa phương và các ban, ngành, đoàn thể trong việc thực hiện tốt Chỉ thị số 40. Sau gần 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40, tổng nguồn vốn địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách huyện Nam Đàn là 2,4 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách huyện 700 triệu đồng, Tập đoàn Bảo Sơn 1,5 tỷ đồng, huyện đoàn 200 triệu đồng.
Những nỗ lực từ chính quyền địa phương Ngân hàng Chính sách xã hội và sự vươn lên của chính mỗi người dân, nhiều hộ nghèo đã được thoát nghèo, tạo điều kiện cho các hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận nguồn vốn học sinh sinh viên giảm bớt gánh nặng cho gia đình và khuyến khích phong trào hiếu học, lập nghiệp cho giới trẻ. Đây cũng chính là hướng tạo việc làm ổn định trong tương lai và giảm số lao động dôi dư trên địa bàn. Các chương trình cho vay xuất khẩu lao động, nước sạch và vệ sinh môi trường, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo,... đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có cơ hội làm giàu bền vững.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nam Đàn khẳng định: “Hoạt động tín dụng chính sách đã có những đóng góp quan trọng vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội của huyện Nam Đàn, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và ổn định, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới và hướng tới là xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.”
Tại Hội nghị mới đây của tỉnh Nghệ An, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định, việc triển khai Quyết định số 17/QĐ-TT của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm xây dựng Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu đúng dịp tròn 50 năm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An thực hiện những lời căn dặn trong bức thư cuối cùng Bác gửi cho quê hương (21-7-1969), đó là: “Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc” là vô cùng có ý nghĩa.
Tiếp thêm điểm tựa để hiện thực hóa mục tiêu này, trong năm 2019 và xa hơn là năm 2020, Ngân hàng Chính sách huyện Nam Đàn cũng đã đặt mục tiêu đảm bảo cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tới 100% người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện. Mục tiêu tăng trưởng từ 10% - 13% nguồn vốn và dư nợ bình quân hằng năm từ nay đến năm 2020. Trong đó, nguồn vốn cấp từ Trung ương từ 8%-10%; nguồn vốn huy động tại địa phương từ 2%-3%, tỷ lệ quá hạn dưới 0,1% trên tổng dư nợ.
Tranh thủ nguồn vốn ngân hàng cấp trên ngay từ đầu năm để triển khai các chương trình tín dụng đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ tại địa phương. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể nâng cao kỹ năng sử dụng vốn vay, áp dụng kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người vay để sử dụng đồng vốn đúng mục đích, hiệu quả.
Cùng với việc triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 40, công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại huyện Nam Đàn hứa hẹn những bứt phá mới khi tính cộng đồng trách nhiệm và sức mạnh của hệ thống chính trị được phát huy.
Theo TTXVN