Ngày 12/02/2014, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 02/2014/TT-BXD về việc Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.
Thông tư gồm 12 điều quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở gồm: Về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP; Về áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc phá dỡ công trình xây dựng, bộ phận công trình xây dựng vi phạm; Về xử lý công trình xây dựng gây lún, nứt, hư hỏng công trình lân cận, có nguy cơ làm sụp đổ hoặc gây sụp đổ công trình lân cận quy định tại Khoản 2, Khoản 4 Điều 13; Khoản 2, Khoản 5 Điều 27 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP; Về xử phạt hành vi xây dựng sai thiết kế quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 15 và Khoản 7 Điều 16 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP; Về xử phạt vi phạm hành chính đối với nhà thầu tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình quy định tại Điều 20 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP; Về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Khoản 8 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP; Về xác định giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được duyệt, sai quy hoạch hoặc sai thiết kế đô thị được duyệt quy định tại Khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP; Về áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng quy định tại Khoản 8 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP; Về áp dụng biểu mẫu xử phạt vi phạm hành chính; Về các trường hợp áp dụng chuyển tiếp quy định tại Điều 70 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP.
Về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Khoản 8 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP: Mức phạt tiền 500.000.000 đồng được áp dụng đối với việc xây dựng công trình không yêu cầu phải lập dự án đầu tư xây dựng công trình; mức phạt 1.000.000.000 đồng áp dụng đối với việc xây dựng công trình yêu cầu phải lập dự án đầu tư xây dựng công trình.
Về áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng quy định tại Khoản 8 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP như sau:
Tước quyền sử dụng Giấy phép xây dựng từ 3 tháng đến 6 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP; Tước quyền sử dụng Giấy phép xây dựng từ 6 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 5 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP.
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính có áp dụng hình thức xử phạt bổ sung phải được gửi cho Tổ trưởng tổ dân phố hoặc Trưởng thôn để thông báo cho nhân dân tại địa bàn được biết, đồng thời gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan cấp giấy phép xây dựng.
Thông tư cũng quy định về các trường hợp áp dụng chuyển tiếp quy định tại Điều 70 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP gồm:
Đối với hành vi vi phạm hành chính được phát hiện, lập biên bản và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế phá dỡ trước ngày Nghị định số 121/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành nhưng đến ngày Nghị định này có hiệu lực mà chưa thi hành và còn trong thời hạn thi hành thì tiếp tục thi hành trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này.
Đối với hành vi vi phạm hành chính xảy ra trước ngày Nghị định số 121/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành mà sau ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mới bị phát hiện (mà còn trong thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính) hoặc phát hiện trước đó nhưng chưa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và còn thời hạn ban hành quyết định xử phạt, nếu áp dụng Nghị định số 121/2013/NĐ-CP có lợi cho tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm đó thì áp dụng Nghị định số 121/2013/NĐ-CP.
Hành vi xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt, sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt mà đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế phá dỡ theo quy định tại Nghị định số 23/2009/NĐ-CP nhưng chưa thực hiện, nếu xét thấy việc xây dựng không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp và trong quy hoạch đất này được phép xây dựng thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính xem xét, quyết định: Hủy quyết định cưỡng chế phá dỡ; Ban hành quyết định áp dụng bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả thu hồi số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt, sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình.
Đối với trường hợp theo quy định phải có giấy phép xây dựng, cơ quan cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng sau khi chủ đầu tư chấp hành đầy đủ quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả. Quyết định áp dụng bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả lập theo Mẫu quyết định số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 4 năm 2014, thay thế Thông tư số 24/2009/TT-BXD ngày 22 tháng 7 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Thông tư 02/2014/TT-BXD.