Công nghệ xử lý nước thải công nghiệp với chi phí thấp ở Bangladesh
Dự án Quản lý môi trường Bangladesh BEMP đã nghiên cứu một công nghệ bền vững xử lý nước thải công nghiệp, đặc biệt là nước thải của các ngành dệt và nhuộm, có ý nghĩa và phạm vi áp dụng lớn trong lĩnh vực phòng chống ô nhiễm.
Công nghệ này, với sự tham gia rất tối thiểu của máy móc để tách ra phần thuốc nhuộm lắng và các chất thải lỏng trong bể nhuộm, đã chứng tỏ được sự thân thiện với môi trường đồng thời là công nghệ xử lý nước thải giá thành thấp.
Đặc điểm nổi bật của công nghệ là giảm thiểu chất thải nhờ tái sử dụng thuốc nhuộm và các hoá chất, tiền xử lý nước thải và cặn lắng, xử lý nước thải sau công đoạn tiền xử lý bằng biện pháp đầm sậy, quản lý và xử lý bùn theo hướng an toàn môi trường.
Trong quy trình xử lý thử nghiệm của dự án BEMP, nước thải của nhà máy dệt được đưa qua các lưới lọc để tách ra một phần lớn các hoá chất nhuộm. Theo số liệu của BEMP, khoảng 75% dung dịch thuốc nhuộm có thể thu hồi tái sử dụng. Nước thải sau các công đoạn lọc được đưa vào đầm sậy, đó là một đầm nhân tạo có cấu trúc nhiều lớp gồm gạch, cát, đá dăm và lớp đất trên bề mặt để trồng thực vật.
Các kết quả thực nghiệm cho thấy, một số loại thực vật đầm lầy ở Bangladesh như nalkhagra, keya, murta rất thích hợp để hấp thụ các chất ô nhiễm trong nước thải trong đầm sậy nhờ các quyển rễ lớn.
Nước sau khi ra khỏi đầm sậy đã được kiểm nghiệm phù hợp các tiêu chuẩn môi trường. Các chất cặn sau công đoạn lọc có thể đem đốt, tạo thành mùn, có thể kết hợp với bùn hoặc xi măng để đóng thành gạch.
Hiện nay, chính phủ Bangladesh đang có kế hoạch phổ biến công nghệ này trong tất cả các ngành nghề tạo ra nhiều chất thải lỏng. Bộ trưởng Môi trường và Lâm Nghiệp cho biết, công nghệ này rất thích hợp mới các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nguồn tin: http://english.people.com.cn